Bạn ở Pháp về

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 19/06/2015 11:11

Hai nhà dân tộc học làm việc tại Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) là anh chị Nguyễn Tùng - Nelly Krowolski nhiều lần từ Pháp về thăm quê tại Quảng Nam. Năm nay cũng vậy…

Một lòng với quê hương...

Tôi hân hạnh biết anh Nguyễn Tùng, nhà dân tộc học có uy tín ở Pháp từ năm 1986, trong một lần anh về Sài Gòn. Lần ấy, tôi và anh ngồi nói chuyện thâu đêm trên một căn gác ở Phú Nhuận. Anh đi du học ở Pháp năm 1963, rồi gặp chị Nelly và họ lấy nhau ở Paris. Anh là thành viên trong phong trào sinh viên yêu nước ở Pháp, tham gia nhiều cuộc biểu tình phản chiến chống Mỹ ở hải ngoại. Hội đàm Paris, anh là một trong những thành viên tích cực, cùng với nhiều trí thức Việt kiều ở Pháp làm mọi việc để ủng hộ các phái đoàn Việt Nam. Anh bị chính phủ Sài Gòn lúc đó rút hộ chiếu vì tội “thân Cộng”, nên không thể ra khỏi nước Pháp. Ngày cha anh mất, một mình chị Nelly phải về Quảng Nam đang ngập chìm trong bom đạn để chịu tang thay chồng. Chị người Pháp nhưng gốc Đông Âu, yêu Việt Nam như yêu chồng...
Hai người đều làm việc ở Trung tâm Quốc gia khoa học Pháp, chuyên về văn hóa Việt Nam và thế giới Nam đảo. Ngay từ những năm sau chiến tranh, họ về Việt Nam và cùng các nhà dân tộc học trong nước nghiên cứu những biến đổi của làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ trong nhiều năm theo một chương trình hợp tác ký kết giữa Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và CRNS. “Mông Phụ, một làng ở đồng bằng sông Hồng” do anh chủ biên là kết quả của nhiều năm cả hai vợ chồng đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với những người dân ở làng cổ Mông Phụ, một trong 8 làng của xã Đường Lâm ở Sơn Tây - quê hương của Ngô Quyền. Đây là công trình nghiên cứu khoa học hiếm hoi về làng xã mà tôi đã có dịp giới thiệu, trong đó các tác giả - dù nghiên cứu ở nhiều góc cạnh khác nhau trong quá trình biến đổi về địa danh, địa vực và dân cư của một làng, nhưng chung quy vẫn muốn nói rằng chính bản sắc của làng xã và những đặc điểm văn hóa của nó là cái mà dù cho vật đổi sao dời, cũng là nơi con người vẫn coi như chỗ nương tựa về tinh thần. Chính cái làng sinh ta ra là nơi hun đúc tình yêu quê hương của mỗi cá nhân. Tiếc thay sự thay đổi nhanh chóng về nhiều mặt ở nông thôn, do nhiều nguyên nhân, đã làm cho cái hồn cốt của văn hóa làng đứng trước những thách đố đáng báo động... Những năm gần đây, anh đã kịp hoàn thành một công trình nghiên cứu công phu khác về quá trình Nam tiến của các tộc họ ở Việt Nam và một nghiên cứu nữa về tuồng ở Quảng Nam...

Chị Nelly tiếp các nhà nghiên cứu QN-ĐN tại nhà riêng ở Paris.
Chị Nelly tiếp các nhà nghiên cứu QN-ĐN tại nhà riêng ở Paris.

Sự gắn bó của anh với quê nhà còn ở những chuyện cụ thể, như có lần anh đã tặng nguyên một hệ thống cung cấp nước sạch cho một trường học ở Điện Bàn...

Anh về hưu ở tuổi 65 từ đầu năm nay. Cuối năm nay chị Nelly cũng đến tuổi hưu, tuy như chị nói, vẫn phải tiếp tục các công trình nghiên cứu dở dang đến vài năm nữa. Chỉ vì hai đứa cháu ngoại còn quá nhỏ, nên cơ hội về thăm quê hương của anh chị thưa dần. Đó là một điều hết sức đáng tiếc. Nhưng dù có ở góc trời nào, anh Tùng nói, anh vẫn như ở trong nước mỗi ngày, nhờ “cái internet”. Gần năm qua, tuần nào anh cũng có bài viết cho một tờ báo trong nước, nhuận bút có thể gom lại lo được những việc cúng tế ông bà tổ tiên, điều mà anh luôn nghĩ tới... Anh lại đang dịch liên tiếp mấy cuốn sách ra tiếng Việt cho vài nhà xuất bản trong nước đặt hàng. “Nhưng dịch thuật trong nước hiện mạnh ai nấy làm, thiếu hẳn một sách lược quốc gia nên không giới thiệu có hệ thống những tinh hoa của nhân loại. Đây là một vấn đề cần quan tâm” - anh nói.

Nhà dân tộc học Nguyễn Tùng đến thăm cửa khẩu Đắc Ốc ở Nam Giang.Ảnh: T.Đ.T
Nhà dân tộc học Nguyễn Tùng đến thăm cửa khẩu Đắc Ốc ở Nam Giang.Ảnh: T.Đ.T

Một nhà khoa học bình dị mà sâu sắc

Tháng Tư năm nay, anh chị lại về Việt Nam và gọi điện hẹn tôi đi ngắm biển. Ngoài ra, anh chị vẫn tự mình đi xe đạp khắp nơi để ngắm người, ngắm cảnh. Có lúc anh dừng lại quan sát và hỏi chuyện những công nhân cầu đường để hiểu thêm công việc họ đang làm. Anh băn khoăn nhất là chất lượng những công trình công cộng đang còn kém, công viên chật chội và vệ sinh môi trường rất ít được quan tâm hiện nay ở nhiều nơi. “Người dân đã chịu thuế để có những công trình như vậy, lẽ ra phải được quan tâm hơn về chất lượng!” - anh  nói một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.

Chúng tôi lại hẹn nhau về nông thôn Quảng Nam. Chỉ lo chị Nelly không quen với chỗ nghỉ. Nhưng chị bảo: Lo gì, tôi từng ăn ngủ ở nông thôn Bắc Bộ, từng nghỉ đêm ở nhiều vùng còn rất thiếu tiện nghi trong nước, nên quen rồi! Chị nói tiếng Việt được rất ít, nhưng hầu như trong lúc tôi và anh Tùng nói chuyện với nhau, chị đều hiểu và góp nhiều câu pha lẫn giữa tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Tất cả món ăn Việt Nam, kể cả nước mắm, cũng là món ăn của chị. Đôi mắt chị nhìn, dường như lúc nào cũng ánh lên một tâm hồn sâu lắng và tràn ngập yêu thương. Trong cuốn sách viết về làng cổ Mông Phụ, tôi nhớ nhất là các phân tích độc đáo của chị về tình trạng hôn nhân nội vùng và ngoại vi của một làng ở Việt Nam qua nhiều giai đoạn, những ưu và khuyết điểm trong chi phí tiệc tùng, cưới hỏi, giỗ chạp ở nông thôn Việt Nam, các quy tắc về tổ chức gia đình và hôn nhân, các mối quan hệ nội ngoại trong mỗi gia đình... Một phát hiện bất ngờ của Nelly là vai trò chủ hộ của đa số người vợ trong một làng, như một cơ chế vô hình giam hãm người phụ nữ trong căn nhà của họ!

Những căn cứ thống kê và các phỏng vấn điền dã soi rọi cho nhau trong những lập luận của chị. “Cái khó của nghiên cứu xã hội học nói chung của chúng ta hiện nay là thiếu những điều tra cơ bản” - câu nói đó của anh Tùng giải thích những khó khăn mà anh chị cũng như nhiều nhà nghiên cứu xã hội học khác đã gặp phải trong công việc. Và những đóng góp của họ trong lĩnh vực nghiên cứu của mình thật khó mà định lượng, vì nó không mang lại hiệu quả tức thời như ở các lĩnh vực khác. Anh Tùng không nói nhiều về công việc của anh, nhưng có lần anh nói chị Nelly là nhà khoa học rất có uy tín ở Trung tâm Quốc gia khoa học Pháp với các chức danh thuộc loại VIP, thường tiếp xúc với các nhân vật tiếng tăm trong giới. (Trung tâm này hiện quy tụ hơn 7.500 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực). Họ có một biệt thự ở ngoại ô Paris và một nhà nghỉ nhỏ ở bên bờ biển Địa Trung Hải, nhưng khi về Việt Nam họ vẫn ở nhà một người em gái trong hẻm nhỏ ở Đà Nẵng, mỗi sáng đạp xe đạp ra tắm biển, như những người dân bình thường. Họ thường tránh những cuộc tiếp xúc lễ tân mà dành thời gian cho các chuyến đi thực tế và những ghi chép điền dã...

Và... tái bút

Nhưng để có những người làm khoa học như họ, nước Pháp chắc đã tốn không ít tiền của. Ở ta, tôi có quen biết nhiều người cùng học vị như họ, nhưng trừ những người đang dạy ở các đại học, ít thấy ai có các công trình nghiên cứu được công bố. Nhiều vị đi xe công quản, có tài xế riêng và làm nhiều chức vụ công quyền hơn là nghiên cứu khoa học. Có người suốt năm không đọc nốt một cuốn sách! Đó có lẽ là khác biệt cơ bản cần suy ngẫm.

Trước khi chia tay hai người bạn về từ châu Âu, tôi bảo ở Pháp nghe nói có một thư viện hay tàng thư của Trường Viễn Đông bác cổ mà tiến sĩ Thu Trang mô tả là có chồng dài cả cây số những thùng sách lớn về Đông Dương chưa khai thác hết, chắc trong đó có nhiều cái anh có thể viết lại rất bổ ích! Anh Tùng im lặng một lúc rồi nói: Tôi về Việt Nam, từng lặn lội vào kho lưu trữ ở Thư viện Quốc gia ở Hà Nội và các trung tâm lưu trữ của thư viện ở Sài Gòn nhưng chẳng thấy có mấy người Việt mình vào, giới trẻ lại càng không có ở những chỗ đó, nhưng lại rất đông những người nước ngoài đến tra cứu! Hình như ở nước mình, người ta ít dạy sinh viên sử dụng thư viện thì phải?...

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bạn ở Pháp về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO