“Chúc tuổi mới an lành!”. Cô bạn tên An vênh mặt bảo “chưa bao giờ cả thế giới đều nhắc đến tên tau hàng ngày như bây giờ”. Và nữa, “bạn ơi, khỏe không?” vốn là câu hỏi xã giao thường ngày, lắm khi khách sáo đến vô duyên, những ngày này bỗng trở thành câu thăm hỏi nhau có duyên và dễ thương đến lạ.
Như một lời hỏi thăm thân tình
“Bạn ơi, khỏe không” là tên của một dự án phi lợi nhuận từ các chuyên gia nhằm cung cấp các chương trình hoàn toàn miễn phí để chăm sóc sức khỏe tinh thần cộng đồng mùa dịch với website https://www.banoikhoekhong.vn. Theo thành viên sáng lập có nick name là ThucVu trên Facebook, dự án ra đời nhằm giúp mọi người nâng cao nhận thức sức khỏe tinh thần.
Bằng cách check-in “Bạn ơi khỏe không?”, người dùng sẽ nhìn thấy biểu đồ sức khỏe tinh thần Việt Nam mỗi ngày. Trang web còn giúp người dùng tham gia những hoạt động lắng nghe chia sẻ, từ 1:1 đến nhóm & những chương trình Talkshow, Đối thoại, Âm nhạc truyền cảm hứng…
“Chúng ta đã bước qua tháng thứ ba của đợt giãn cách xã hội kéo dài nhất trước giờ do ảnh hưởng của Covid-19. Trong những ngày tháng khó khăn này, có lẽ việc giữ gìn sức khỏe tinh thần cũng quan trọng và gian nan như việc giữ gìn sức khỏe thể chất.
Rất dễ thấy chúng ta, hay những người thân yêu xung quanh, bị mắc phải những tâm trạng buồn bực, chán nản, hay thậm chí là trầm cảm và bế tắc. Đó là lý do vì sao dự án “Bạn ơi, khỏe không - Group chăm sóc sức khoẻ mùa dịch” của chúng tôi ra đời.
“Bạn ơi, khỏe không?” như một lời hỏi thăm thân tình, với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tinh thần, và cung cấp thông tin, công cụ, và phương pháp để các bạn có thể vượt qua những cảm xúc tiêu cực, khơi dậy khả năng tạo ra những niềm vui trong thời gian này” - ThucVu cho biết.
Mặc dù mới hoạt động, nhưng dự án “Bạn ơi, khỏe không?” đã trở thành một nơi an trú tinh thần hữu ích cho rất nhiều người đã và đang bị nhốt trong 4 bức tường hết ngày này sang ngày khác để trốn tránh dịch bệnh. Giữa thời buổi đi đâu cũng nghe ra rả: “chặn đứng”, “truy lùng”, “tiêu diệt”, “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi khu phố là pháo đài chống dịch”.
Giữa thời buổi mà người với người nhìn nhau bằng cặp mắt nghi ngại: “hãy xem người đối diện như một F0”. Giữa thời buổi mà khắp đường lớn đường nhỏ đều đầy chốt gác… Thì “bạn ơi, khỏe không?” - câu hỏi thăm xã giao “tầm thường” ngày nào bỗng trở nên đầy thân thương” - Nguyễn Tập, bạn tôi đang quay cuồng với dịch bệnh ở TP.Hồ Chí Minh nhận xét về dư án “Bạn ơi, khỏe không”.
Và những ngày này, thân thương không chỉ đến từ những câu hỏi thăm kiểu “bạn ơi, khỏe không?” hay “chúc an lành nhé” mà còn đến từ những bức ảnh đầy tích cực và năng lượng của bạn bè mình trên mạng xã hội.
Như hôm kia có người bạn ở TP. Hồ Chí Minh khoe mấy món ăn cực ngon, bắt mắt và xa xỉ về mặt nguyên liệu trên mạng xã hội. Bức ảnh đã tạo nên một không khí vui nhộn nguyên ngày hôm đó bởi những bình luận tương tác.
Nhưng cũng không ít trong số hàng trăm comment trên tường nhà bạn trực diện nhắc nhở đại ý “có nhẫn tâm tâm quá không khi suốt ngày lên Facebook khoe món ăn ngon ngay giữa tâm dịch, trong khi quanh mình biết bao người đang chống chọi với dịch bệnh còn không có cái ăn qua ngày…”.
Bạn sau đó buồn quá ẩn luôn cái “tút” làm tôi cứ băn khoăn mãi không biết liệu mình có “nhẫn tâm” không khi cùng vui sướng hưởng ứng chuyện khoe ăn ngon mặc đẹp trên mạng xã hội trong những lúc này của người khác. Nhưng rồi cũng thông suốt, rằng thật ra, khoe ăn ngon mặc đẹp hay hớn hở vui chơi, tươi cười nhảy nhót cũng là một dạng thông điệp kiểu “bạn à, tôi vẫn ổn”.
Thời buổi này, các mối quan hệ của mỗi người phần lớn đều nằm cả trên mạng xã hội và trong cái điện thoại cầm tay. Vậy nên, thay vì chờ lúc rảnh rỗi mò tìm số điện thoại, facebook để nhắn cho bạn bè, người quen lâu nay không liên lạc rằng “Bạn ơi, khoẻ không?”, “Bạn ơi, ổn chứ?”… thì chỉ cần xem ảnh là có ngay câu trả lời “bạn à, tôi vẫn ổn” hoặc ngược lại để mà vui, mà chạnh lòng…
“Dương tính” và “âm tính”
Mấy hôm nay Facebook của tôi nhắc nhớ rất nhiều kỷ niệm của năm cũ – những ngày nhân loại vừa mới biết thế nào là dịch Covid-19 cùng những phản ứng và hành xử, giờ nghĩ lại rất buồn cười. Kiểu bức ảnh về một cỗ xe chở một bệnh nhân Covid-19 vừa qua đời – một con số thứ tự vô hồn vừa bị xóa đi – dừng lại ở vệ đường để người thân đứng từ xa quỳ lạy quan tài.
Và tôi đã viết, giờ đọc lại nghe rất lạc hậu, rằng: “Đã có những con số bị xóa nhưng chỉ có những dòng tin chán ngắt trên báo chí về “bệnh nền”. Liệu nếu ngày nào đó đến “năm Covid thứ n” người ta có chỉ còn nhớ đến những con số mà quên mất cả thân phận người đằng sau? Hình dung cứ như một tiểu thuyết hiện thực nào đó...”.
Là bởi “năm Covid thứ n”, em gái từ Sài Gòn nhắn tin “em dương tính rồi” nghe gọn lỏn và vô cảm. Em gái làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất, đã tiêm 2 mũi vắc xin nhưng vẫn dương tính cùng với đó là cả nhà bên chồng 7 người già trẻ lớn nhỏ cũng dương tính.
Từng nghĩ “dương tính” là hai chữ rất khủng khiếp, nhưng giờ nó đến với người thân của mình, không hiểu sao tôi lại nghe nhẹ bâng kiểu như “em bị cảm cúm rồi”. Em gái và gia đình điện thoại báo với y tế phường và tự trang bị cho mình phòng cách ly tại nhà cũng như thuốc điều trị.
Và đúng một tuần sau, khi y tế phường cho người xuống kiểm tra thì em gái và cả gia đình đã khỏi bệnh! Em gái bảo không phải y tế họ tắc trách mà trong này, người dương tính nhiều đến mức họ có xuống ngay thì cũng không biết xuống để làm gì ngoài hỏi han vài câu lấy lệ…
Hay bạn ở một trường đại học hôm đầu tiên dạy online của năm học mới, khi “gọi tên điểm danh sinh viên trên mạng internet” thì được chúng bạn hồi âm là “bạn ấy dương tính và vừa mất tối qua cô ơi”. Bạn kể “em không biết làm gì khác ngoài tắt màn hình và ngồi khóc một mình rất lâu…”.
Quanh mình thay đổi và mất mát nhiều quá, khiến tôi những ngày bị nhốt trong “vùng đỏ” bị phong tỏa cứng, khi ngày nào nhìn ra “phía ngoài cửa sổ (cũng luôn thấy) có sương tim tím” như tên một bức tranh rất lạ của hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu gửi vào từ Huế rồi tự hỏi màu sương ấy sẽ đưa mình đi đâu về đâu trong những ngày tới?
Sau hơn 21 ngày bị phong tỏa cứng cùng 7 lần “ngoáy mũi”, hôm rồi thì khu chung cư tôi sống đã được gỡ phong tỏa cứng để chuyển từ “vùng đỏ” sang “vùng vàng”.
Lệnh dở bỏ phong tỏa đến từ cuối chiều, khi những cơn mưa đầu mùa vừa xong một trận trút nước. Mở cửa bước ra khỏi nhà, chạy ù xuống sân, những tưởng đông người lắm sẽ vỡ òa, hét toáng lên vui sướng vì cuối cùng cũng được xổ lồng.
Nhưng hóa ra chỉ lác đác vài người tới lui vươn vai vặn người, uể oải chào nhau mấy câu lấy lệ, thêm ai đó bảo “hú hồn tai qua nạn khỏi, tết này chung cư mình sẽ tất niên to” rồi ai về nhà nấy.
Mọi người ánh mắt vẫn đề phòng, đang coi người đối diện là “F0” và những cánh cửa nhà ở “vùng vàng” vẫn được vội đóng lại, kín bưng và yên ắng như những ngày “vùng đỏ”.
Sau những ngày dài bị cầm nhốt trong 4 bước tường, chúng tôi vẫn chưa quen, chưa muốn làm quen hoặc còn lâu lắm mới quen với không khí tự do – dù chỉ là tự do đi lại trong tổ của mình như quy định của thành phố dành cho cư dân “vùng vàng”.
Bây giờ người ta hay nói về “bình thường mới” nhưng liệu mai này chúng ta có được sống bình thường hay không khi đã có rất nhiều thế giới đẹp đẽ quanh mình bị dịch bệnh đánh mất? Liệu chúng ta có quay về như những ngày hôm qua được không?