Bận rộn chợ biển

HÀ QUANG 19/06/2015 13:57

Nghề biển phát triển đã kéo theo nhiều loại hình dịch vụ hậu cần ra đời. Tại các chợ bãi ngang ven biển, nhiều kiểu dịch vụ “ăn liền” nở rộ, góp phần giúp ngư dân thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm và giải quyết cho nhiều lao động địa phương.   

Sáng nào cũng vậy, tại các chợ cá Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Tiến (Núi Thành)…, đội hình “dịch vụ hậu cần lưu động” là những người có mặt đầu tiên trên bãi, “mở hàng” cho các phiên chợ. Mới 3 giờ sáng đã thấy nhiều phụ nữ đến chợ bưng bê, quang gánh rất nhộn nhịp. Nhiều người phải đến đây sớm để chuẩn bị mọi thứ cần thiết, sẵn sàng phục vụ các rổi cá từ chuyến hải sản đầu tiên cập bờ. Công việc của họ thường là múc nước vào các thau lớn, rửa cá và sắp đều vào các rổ, gánh cá vào điểm tập kết, ướp nước đá… Do những công việc vặt này chiếm nhiều thời gian, trong khi phiên chợ cá chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ nên các rổi cá rất cần người phụ giúp. Mỗi sáng, một phụ nữ cần mẫn, lanh lẹ có thể nhận phụ giúp cho 3 rỗi cá cùng một lúc. Chị Hồ Thị Cúc (một phụ nữ giúp việc ở chợ cá thôn Tân An, xã Bình Minh) nói: “Ngó rứa chứ làm quen tay thì nhanh lắm. Các rổi cá mua được mẻ nào thì mình đổ liền vào thau, vớt nhanh ra các rổ, sau đó xếp lại gọn gàng. Khi chợ ngót cá rồi, rổi không mua nữa thì mình gánh vào chỗ đậu xe chất lên cho họ, rồi chạy ra gánh cho người khác…”. Theo chị Cúc, thường thì mỗi phiên chợ sáng, một rổi cá trả công cho người phụ giúp 20 nghìn đồng. Người năng nổ như chị có thể thu nhập được 60 - 80 nghìn đồng chỉ trong vài tiếng đồng hồ.

Chuyển cá từ chợ vào để các rổi cá đưa đi tiêu thụ.
Chuyển cá từ chợ vào để các rổi cá đưa đi tiêu thụ.

Ngoài việc phụ giúp những công việc vặt, tại các chợ cá bãi ngang còn rất nhiều dịch vụ “ăn liền” diễn ra rất sôi động, trong đó phải kể đến dịch vụ mua bán hải sản ngay tại bãi. Nói là chợ biển, cá tôm chở vào tấp nập nhưng thực tế người đi chợ rất khó mua hải sản trực tiếp từ ngư dân bởi đơn giản họ ít bán lẻ. Vậy là những phụ nữ quê biển không chút vốn liếng có thể mua một ki cá, mực của ngư dân trên bãi, nhanh chóng phân phối trực tiếp cho người đi chợ để kiếm phần chênh lệch. “Ngư dân họ không lấy tiền ngay mà chờ sau khi mình bán hết cá mới lấy tiền. Thường thì nhanh thôi, sáng ra có rất nhiều người đi chợ biển vì tranh thủ mua cá mực tươi về dùng trong ngày” – một phụ nữ làm nghề buôn bán cá tại chợ bãi ngang Tam Tiến cho biết.

Mua đi bán lại ngay trên bãi biển.Ảnh: HÀ QUANG
Mua đi bán lại ngay trên bãi biển.Ảnh: HÀ QUANG

Cũng là nghề “buôn bán ngay” nhưng kiểu bơi thúng đu theo các tàu thuyền vừa cập bờ để thu mua hải sản mới là nghề thú vị. Nắm bắt nhu cầu của các ngư dân là bán các loại hải sản của riêng mình khai thác được để lập “quỹ đen”, nhiều thanh niên quê biển phải bơi thúng đón các phương tiện vừa vào neo đậu để mua hải sản. Cuộc mua bán này diễn ra trong chớp nhoáng và hoàn toàn chỉ bằng ước lượng, không đong đếm. Vì số hải sản này là của riêng của mỗi ngư dân có được từ việc làm thêm như câu, xúc vợt… trong quá trình khai thác trên biển nên việc mua bán tùy họ quyết định và cũng rất dễ dãi. Nhiều ngư dân xem đây là lộc của biển dành cho mình nên rất hào phóng, bán nhanh, rẻ, lấy tiền ngay, một phần bỏ túi làm “quỹ đen”, một phần về đưa vợ để lo chuyện đám đình. Chính vì vậy,  đội ngũ “ăn theo” nghề này cũng ăn nên làm ra…

HÀ QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bận rộn chợ biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO