Quảng Nam đã có những đô thị thương hiệu như Hội An - đô thị cổ, đô thị văn hóa, sinh thái; Tam Kỳ - đô thị xanh - thành phố cảnh quan hay Chu Lai - khu kinh tế mở… Số còn lại trong tổng 15 đô thị của toàn tỉnh, hầu như bản sắc đô thị rất nhạt nhòa.
Chênh lệch vùng miền
Tạo lập bản sắc là yêu cầu đặt ra trước đòi hỏi của quá trình đô thị hóa và toàn cầu hóa. Việc xây dựng thương hiệu cho vùng đất, đặc biệt là các đô thị chính là cách để thu hút đầu tư, quảng bá và tôn vinh chính con người nơi đó. Theo các chuyên gia về quy hoạch đô thị, khai thác những những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể sở hữu nhằm tạo lập bản sắc đô thị là một trong những nhân tố hết sức quan trọng, góp phần phát triển đô thị bền vững.
Tuy nhiên, trong suốt chặng đường hơn 20 năm phát triển, Quảng Nam cũng chỉ có vài địa phương tạo lập được thương hiệu đô thị thông qua các thế mạnh sẵn có, còn phần lớn số đô thị, đặc biệt là ở khu vực miền núi và trung du chủ yếu đóng vai trò đơn thuần là trung tâm hành chính. Các đô thị này na ná nhau vì định hướng phát triển trong cùng một vùng khá tương đồng, chưa phát huy hết tiềm năng của từng địa phương. Các điều kiện địa lý lẫn bản sắc văn hóa đã không được tận dụng trong quy hoạch xây dựng đô thị.
Hình thái phát triển đô thị vẫn chủ yếu nghiêng về chức năng, khả năng phát triển kinh tế - xã hội và ưu thế của vùng miền. Nếu vùng đồng bằng ven biển khá đa dạng với việc xác định vai trò, chức năng của đô thị làm trục phát triển, bao gồm vùng đô thị động lực Tam Kỳ - Chu Lai - Núi Thành, Hội An và vùng phụ cận. Đây được nhìn nhận là vùng đô thị phát triển mạnh mẽ và đúng hướng của Quảng Nam trong hơn 2 thập kỷ qua, với các đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh làm chức năng thu hút, thúc đẩy kinh tế cho toàn vùng.
Trong khi đó, đô thị vùng đồng bằng - trung du chủ yếu dựa trên các trục không gian lấy khu vực trung tâm hành chính làm điểm tựa để kết nối với các trục giao thông chính trong vùng. Đô thị ở miền núi, bao gồm các thị trấn P’rao, Thạnh Mỹ, Khâm Đức, Tân An, Trà My, Tiên Kỳ, hình thái phát triển đô thị vẫn chỉ mới dựa vào các tuyến giao thông chính, chưa mang được bản sắc vùng miền trong câu chuyện quy hoạch và xây dựng, phát triển đô thị. Tại những nơi này, chính quá trình đô thị hóa nhanh làm thay đổi bản đồ phân bố dân cư và địa điểm cư trú, cùng với đó là sự chuyển dịch lối sống, tập quán, văn hóa làng truyền thống để thích nghi với văn hóa văn minh đô thị.
Dù không gian đô thị được định hướng gắn với không gian phát triển kinh tế, ngay cả trong quá trình quy hoạch, các chuyên gia của tỉnh đã tính toán đến tác động tương hỗ giữa đô thị và khu chức năng phát triển kinh tế thông qua các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, dịch vụ du lịch… Tuy nhiên, các không gian trên chưa có sự phát triển đồng bộ, thậm chí khá chênh lệch. Chưa kể, xung đột giữa những mục tiêu phát triển các ngành khác nhau, áp lực lên đất rừng và đất nông nghiệp, áp lực giữa bảo tồn cảnh quan và các giá trị văn hóa… khiến việc xây dựng thương hiệu cho từng đô thị đang gặp phải nhiều điểm nghẽn.
Dòng sông, ngọn núi và phong tục
Một đô thị có bản sắc là đô thị có ký ức, có những khác biệt từ chính quá trình hình thành của tự nhiên và điều kiện sinh sống, nếp ăn nếp ở của cư dân. Nếu dòng sông hay ngọn núi là thứ được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất, thì phong tục hay rộng hơn là văn hóa của cư dân bản địa là những thứ nhất thiết phải được giữ lấy trong chặng đường phát triển.
Đã đến lúc phân loại đô thị không chỉ theo tiêu chí chung của cả nước mà cần xem xét tính đặc thù của các đô thị theo vùng, miền. Đô thị ven biển khác miền núi, khác đồng bằng. Đô thị chức năng du lịch, kinh tế đặc thù khác chức năng trung tâm hành chính. Theo nhiều chuyên gia, trong giai đoạn tới, đây là yêu cầu cần thiết để tạo điều kiện đô thị hóa nhanh mà vẫn giữ gìn được bản sắc.
Ngay cả đối với các vùng đất là đô thị cũ, GS. Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, đều có những tích lũy từ quỹ kiến trúc đô thị cho đến truyền thống lịch sử và văn hóa, nếp sống thị thành. Nếu những vốn liếng này không được sử dụng là một sự phí phạm. Sử dụng mà không tái tạo thì ứ tồn, không chung sống cùng cơ thể đô thị hiện đại. Với truyền thống văn hóa lịch sử và nếp sống, nếu không tinh gọn và kế thừa, thì chẳng khác gì tự chặt rễ. Chính những điều này khiến đô thị đánh mất đi cốt cách của nó.
“Đô thị, hễ gián đoạn với dĩ vãng là đánh mất chỗ dựa và bộ nhớ. Quỹ kiến trúc đô thị và quỹ giá trị tinh thần là những di sản, chứ không phải là di tích. Những di sản đô thị, vật chất và tinh thần, không thể và vô nghĩa nếu đặt vấn đề “di tích hóa”, “bảo tàng hóa”. Chúng chỉ có ý nghĩa khi tiếp nối dòng chảy tự nhiên của mỗi đô thị trên lộ trình bảo tồn - sàng lọc - thích ứng, góp phần tạo nên những tích lũy trong sự tiến hóa không ngừng của đô thị” - GS. Hoàng Đạo Kính nói.
Ở một góc độ khác, nếu thử nhìn lại các đô thị miền núi của Quảng Nam, phần lớn vẫn là những công trình na ná nhau, những kiểu quy hoạch đường sá ngang dọc theo cùng một thể thức. Trong khi đó, địa hình ở miền núi chủ yếu là đồi núi, đất dốc. GS. Nguyễn Mạnh Thu - Hội Kiến trúc Việt Nam cho rằng, nhiều đô thị đã lấy biện pháp san ủi để tạo những con đường, mặt bằng thẳng tắp khang trang. Ðó là một sự uổng phí.
“Bản thân cảnh quan tự nhiên của núi đồi là những điểm cảm thụ thẩm mỹ. Khai thác những kiểu đất dốc của núi đồi để xây dựng các công trình kiến trúc vừa tận dụng đất đai khan hiếm của đô thị vừa tạo nên những lớp không gian với các công trình kiến trúc, tạo nên hình ảnh của đô thị những nét đặc thù mà không phải đô thị nào cũng có” - GS. Nguyễn Mạnh Thu nói. Ngoài ra, theo ông, đô thị nhất thiết phải có không gian mở. Không gian mở của bờ sông, hồ nước, bờ biển là những nét đặc trưng của mỗi đô thị.
Ngay ở đô thị tỉnh lỵ như Tam Kỳ, thành phố này không chỉ có sông Trường Giang mà còn có thêm dòng sông Bàn Thạch chảy song song, chưa kể hồ Phú Ninh và hệ thống sông Đầm. Không gian đô thị mở về phía đông sẽ gặp biển Tam Thanh… Đã có ý tưởng lẫn quy hoạch đưa sông Trường Giang vào cấu trúc đô thị Tam Kỳ, nhưng hiện tại, không gian kiến trúc cảnh quan đôi bờ sông Trường Giang vẫn còn dở dang. Đối với cụm đô thị miền núi, KTS. Lê Kiều Thanh - công tác tại Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn Việt Nam cho rằng, mô hình phát triển đô thị hiện nay tại 6 huyện miền núi Quảng Nam chưa phát huy và thậm chí đang có tác động tiêu cực tới hệ thống sinh thái tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, hệ thống định cư bao gồm rất nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và kiến trúc của những vùng này.
Những hình thái không gian cho phát triển đô thị, dự án phát triển kinh tế chưa khai thác hết các tiềm năng sẵn có, cũng như những đặc điểm về địa hình, mối quan hệ sản xuất, thổ nhưỡng chưa được xem xét thấu đáo. Đây chính là những gợi mở để nhất thiết cần có những nghiên cứu kỹ càng về văn hóa bản địa trước khi đưa ra các bản quy hoạch không gian đô thị tương lai.