Bản sắc trong nền kinh tế mở - Bài 3: Khơi mạch nguồn văn hóa

SONG ANH 13/05/2013 09:03

Trong tâm thức của nhiều người, Quảng Nam đã là một vùng đất văn hóa. Làm nên điều này, không ai khác, chính là nhân dân với phong trào xây dựng đời sống văn hóa.

  • Bản sắc trong nền kinh tế mở - Bài 1: Đất di tích
  • Bản sắc trong nền kinh tế mở - Bài 2: Không dễ lãng quên

Nội lực

Năm 2000, Trung ương chọn Quảng Nam phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho toàn quốc. Lúc bấy giờ, kinh tế còn khó khăn, nhưng nhờ cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa đã thực sự khơi dậy sức dân. Hàng loạt phong trào được phát động, từ làng văn hóa, thôn, khối phố văn hóa, gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa… TP.Hội An đặt mục tiêu phát triển thành “thành phố văn hóa”. Không có điều kiện như Hội An, nhiều nơi làm từng tiểu mảng, gầy dựng nên nhiều phong trào khác nhau, mục tiêu cuối cùng vẫn là để xây dựng nên một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc, người dân làm chủ thể văn hóa.

Nhân dân thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) vui trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân.Ảnh: ANH TRÂM
Nhân dân thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) vui trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân.Ảnh: ANH TRÂM

Tại huyện Nam Giang, tuy đời sống kinh tế vẫn còn khó khăn, nhưng đồng bào Cơ Tu ở xã Zuôih đã ý thức được việc phải giữ gìn bản sắc văn hóa của tộc người mình. Ông Pơling Hạnh (thôn Công Dồn) - Trưởng đội cồng chiêng huyện Nam Giang, tâm sự: “Nhờ có cán bộ văn hóa vận động, thanh niên trong thôn đã biết lo học cách đánh cồng, múa chiêng để giữ nét đẹp nghệ thuật truyền thống của dân tộc”. Không chỉ kêu gọi thanh niên, cán bộ văn hóa xã Zuôih còn đến từng nhà vận động các em lứa tuổi tiểu học, THCS tham gia vào đội cồng chiêng nhí của huyện. Hiện nay, đội cồng chiêng nhí xã Zuôih đã có thể trình diễn ở những lễ hội văn hóa của đồng bào. Còn tại thôn Pà Xua, khi phát động phong trào xây dựng làng văn hóa, thôn văn hóa, ban vận động thôn đến từng nhà, vừa hướng dẫn bà con làm nương rẫy trồng xen canh hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phối hợp tìm đầu ra cho các sản phẩm thổ cẩm… vừa vận động thực hiện nếp sống văn minh, cùng với toàn thôn xây dựng môi trường văn hóa. Vì thế mà thôn Pà Xua, xã Zuôih đã 10 năm liền đạt danh hiệu là thôn văn hóa cấp tỉnh. Ông Zơ Râm Đoàn - Trưởng thôn Pà Xua cho biết: “Từ ngày phát động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, thôn mình phát triển, dân trong thôn không còn lo cái ăn mùa giáp hạt nữa, nhiều hủ tục được loại bỏ. Trẻ em trong thôn ở tuổi đến trường đều được đi học, thanh niên học đánh cồng chiêng…”.

“Nói đến Quảng Nam là nói đến văn hóa Quảng Nam. Không chỉ có Mỹ Sơn và Hội An, Quảng Nam ngoài truyền thống cách mạng còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, sở hữu kho tàng văn hóa đặc sắc và đồ sộ. Phát triển Quảng Nam không thể tách rời bản sắc văn hóa. Không ai khác, mỗi người dân sẽ làm tốt nhất phần việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Quảng Nam trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
(Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải)

Nhìn lại những hiệu quả tích cực từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cùng với diện mạo mới của mỗi vùng quê, ngõ xóm, mới thấy hết được nội lực của văn hóa. Ông Nguyễn Ngọc Duy - Phó phòng VHTT TP.Tam Kỳ chia sẻ, Nghị quyết Trung ương 5 và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân Tam Kỳ. Các thiết chế văn hóa của thành phố về cơ bản đã hoàn thiện, mỗi thôn, khối phố đều có một nhà văn hóa để người dân sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Thêm vào đó, việc xây dựng “Tuyến phố văn minh” cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. “Đặc biệt trong những năm trở lại đây, TP.Tam Kỳ ưu tiên phát triển văn hóa dành cho thiếu nhi, với sự ra đời của công viên văn hóa thiếu nhi, các khu vui chơi, những hội thi, hội diễn, những sân chơi văn học nghệ thuật dành cho lứa tuổi này” - ông Duy cho biết.

Mặc trang phục truyền thống về dự hội làng - nét xưa trong thời nay.Ảnh: SONG ANH
Mặc trang phục truyền thống về dự hội làng - nét xưa trong thời nay.Ảnh: SONG ANH

Nếp xưa trong thời nay

Tại các địa phương miền núi, nơi phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, đặc trưng văn hóa cộng đồng của họ cũng đang dần thay đổi để phù hợp với thực tế cuộc sống. Lễ cưới được tối giản, sính lễ thách cưới không còn nặng nề với nhà trai. Nhưng vẫn còn đó một thực tế đáng lo ngại: Nhiều nữ sinh bậc THCS bị ép lập gia đình sớm (tảo hôn) để lo chuyện lao động, sinh con. Già làng Arất Bốc (thôn Ađền, xã Ma Cooih, huyện Đông Giang) chia sẻ: “Nhiều đứa không ưng cái bụng nhưng bị cha mẹ bắt gả thì cũng phải chịu. Mình mới đi ăn cưới ở làng bên về. Nó tổ chức hơn 3 ngày, mệt lắm! Mình nghĩ, giờ có cái ăn rồi thì cũng nên biết để dành, đừng phung phí quá! Có mấy gia đình thuê dàn nhạc về hát, nhưng toàn hát những bài dưới xuôi”.

Trong 15 năm qua, toàn tỉnh có hơn 307 nghìn lượt gia đình được công nhận Gia đình văn hóa cấp tỉnh nhiều năm liền, 811 thôn văn hóa, 453 tộc họ văn hóa, 70 xã, phường thị trấn văn hóa…

Sống trong nền kinh tế mở, tiếp nhận nhiều dòng văn hóa khác nhau, nhưng làm gì để nét đẹp văn hóa truyền thống không bị nhạt nhòa do những tác động tiêu cực của văn hóa ngoại lai là điều trăn trở của những người làm văn hóa. Lễ hội là nét văn hóa truyền thống đặc trưng trong đời sống tinh thần của cộng đồng, có sức lôi cuốn, hấp dẫn đông đảo tầng lớp nhân dân. Song, đây cũng là hoạt động rất dễ bị lợi dụng và rơi vào thương mại hóa. Là vùng đất có rất nhiều lễ hội mang tính đặc trưng, huyện Duy Xuyên đã biết cách hòa quyện giữa tính truyền thống của lễ hội và tính chất hiện đại hóa của những lễ hội đương đại. Cách làm đó chính là việc phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi người dân. Xây dựng đời sống văn hóa từ cơ sở, qua thời gian thấm dần vào suy nghĩ của mỗi người về lòng yêu văn hóa và tự hào về bản sắc quê hương. Kho tàng văn hóa giàu có, cộng thêm một môi trường thuận lợi để văn hóa phát triển sẽ góp phần thúc đẩy sự vươn lên mạnh mẽ của kinh tế địa phương.

Tinh giản để phù hợp với thực tế

Gìn giữ giá trị truyền thống và bản sắc không có nghĩa là giữ lại tất thảy những gì của quá khứ. Sự tinh giản những nghi lễ trong việc cưới, tang và lễ hội… trong giới hạn cho phép đã làm cho văn hóa truyền thống phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Cùng với việc triển khai Nghị quyết Trung ương 5, Tỉnh ủy đã quán triệt và chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và chương trình hành động của Tỉnh ủy trong lĩnh vực văn hóa, trong đó đáng kể nhất là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27 - CT/TW về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”. Khi mang yếu tố hiện đại vào địa hạt văn hóa truyền thống như lễ hội, nhiều người mong muốn sự hòa quyện này phải đảm bảo được tinh thần cốt lõi và giữ nguyên vẹn giá trị, nếu không sẽ dễ biến lễ hội thành “sân khấu hóa”. Không chỉ ở lễ hội dân gian, lễ hội mới, ngay cả việc cưới, việc tang cũng mang dáng dấp của sự lồng ghép “nếp xưa” vào thời nay. Một đám cưới theo ước định “Thọ mai gia lễ” ở xứ Quảng vẫn còn giữ nguyên tập tục và trang phục truyền thống. Ngay tại Hội An, UBND thành phố đã ban hành hẳn một chỉ thị (số 09/CT-UBND) về việc đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong tang ma, từ đó tình trạng cúng bái linh đình, tệ nạn mê tín dị đoan, rải vàng mã trên đường giảm hẳn.(S.ANH)

SONG ANH

--------------
Bài 4: Văn hóa - động lực phát triển
“Văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bản sắc trong nền kinh tế mở - Bài 3: Khơi mạch nguồn văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO