Bản sắc văn hóa miền núi: Những góc khuất (bài 1)

ALĂNG NGƯỚC 30/06/2014 09:33

LTS: Văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam vốn đa dạng, đa màu sắc và điều đó được thể hiện trong các tập tục lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, những gì nhìn thấy trong lễ hội hay các sự kiện như chỉ “dựng” để “biểu diễn”. Phía sau đó là những góc khuất về sự biến dạng, nhạt phai bản sắc.

Nhân Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp và Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) vừa ban hành nghị quyết mới về văn hóa, Báo Quảng Nam đăng tải loạt bài góp thêm tiếng nói với những điểm nhìn từ thực tế, để các ngành, địa phương có sự quan tâm hơn nữa trong hỗ trợ đồng bào vùng cao giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.LTS: Văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam vốn đa dạng, đa màu sắc và điều đó được thể hiện trong các tập tục lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, những gì nhìn thấy trong lễ hội hay các sự kiện như chỉ “dựng” để “biểu diễn”. Phía sau đó là những góc khuất về sự biến dạng, nhạt phai bản sắc.

Nhân Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp và Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) vừa ban hành nghị quyết mới về văn hóa, Báo Quảng Nam đăng tải loạt bài góp thêm tiếng nói với những điểm nhìn từ thực tế, để các ngành, địa phương có sự quan tâm hơn nữa trong hỗ trợ đồng bào vùng cao giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trở nên cấp bách trước những nguy cơ mai một, biến dạng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trở nên cấp bách trước những nguy cơ mai một, biến dạng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

BÀI 1: NÉT XƯA, HỒN NAY

Vắng sắc màu thổ cẩm trong các lễ hội buôn làng hoặc thay thế rượu cần bằng… bia, là những hình ảnh thường thấy trong đời sống văn hóa của đồng bào vùng cao trong những năm gần đây. Nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào đang dần bị “hiện đại hóa”.

Bia thay rượu cần!

Nhiều lễ hội của đồng bào vùng cao thời gian gần đây ít thấy xuất hiện rượu cần, nếu có cũng chỉ để “tượng trưng” cho phần lễ lạt. Có lần tôi dự lễ “đổ rượu cần” truyền thống ở nhà ông Alăng T. (ở một thôn của huyện Đông Giang) và không khỏi ngạc nhiên khi thấy ông kéo thùng bia Larue mời gia đình em rể. Bởi “đổ rượu cần” là một tập tục đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào Cơ Tu, là dịp để người chị (hoặc em) gái được đón về thăm nhà hằng năm kể từ khi về nhà chồng. Tập tục này đã có từ rất lâu đời và ngày nay vẫn được đồng bào Cơ Tu gìn giữ khá nguyên vẹn. Chỉ có điều, tập tục vẫn giữ nhưng cách thức thực hiện có nơi đã bị “biến tấu”. Và lời giải thích “không có rượu cần nên phải lấy bia thay thế thôi” của gia chủ, khiến tôi - một đứa con Cơ Tu không khỏi ngậm ngùi. Dù các nghi thức đều thực hiện đầy đủ theo truyền thống, nhưng thú thật, tôi thấy lòng mình nặng trĩu suốt cuộc vui hôm đó.

Trong cuốn sách “Văn hóa người Cơ Tu”, tác giả Bhơriu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang đề cập, rượu cần (buốh - theo cách gọi của người Cơ Tu) là loại rượu được nấu từ nếp than, nếp đỏ, sắn, bắp, kê, bo bo,... ủ men bỏ vào ché, để một thời gian rồi mới được uống. Men rượu cần, ngày xưa thường được làm bằng gạo, lá trầu rừng, củ riềng, vỏ quế phơi khô giã mịn và trộn đều nhau, sau đó nặn thành bánh men rồi tiếp tục phơi khô cho cứng để cất lâu. Khi nào dùng thì giã bánh men thành bột, trộn với cơm rượu rồi ủ một thời gian, men càng để lâu ủ rượu càng ngon. Tuy nhiên, ngày nay rất ít ai làm men rượu theo cách truyền thống nên loại men này đang dần bị thất truyền.

Khi còn sống, già làng Bhơriu Prăm (thôn Bhơ Hôồng 1, xã Sông Kôn, Đông Giang) thường trăn trở về văn hóa Cơ Tu đang dần bị “biến dạng” mỗi khi tôi có dịp đến thăm già. Câu chuyện về “dùng rượu, bia thay rượu cần” cũng thường xuyên được già lấy làm ví dụ. “Bây giờ văn minh rồi nhưng không có nghĩa bỏ đi văn hóa của dân tộc mình. Nghĩ vậy là sai trái, đi ngược với nền văn minh đó rồi” - già Prăm từng nhắc nhở. Có rất nhiều nguyên nhân khiến rượu cần ngày càng vắng bóng ở các lễ hội, sinh hoạt văn hóa của đồng bào. Nhưng điều đau lòng nhất là ngay chính đồng bào cho rằng dùng bia tiện hơn nhiều so với ủ rượu cần với nhiều công đoạn rườm rà, tốn công sức - Bản sắc mất ngay trong nhận thức của chủ thể văn hóa. Do vậy, ngoài những dịp bắt buộc phải có rượu cần như lễ cưới, lễ cúng thần linh,… còn lại rất ít khi đồng bào ủ rượu cần để sử dụng, kể cả trong những ngày Tết Nguyên đán như trước đây. Không chỉ với đồng bào Cơ Tu, “văn hóa rượu cần” cũng dần vắng bóng trong đời sống ẩm thực của đồng bào người Co, Ca Dong, Ve, Tà Riềng… Theo ông Hiên Viến - Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Pre (huyện Nam Giang), trước đây rượu cần không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, vào nhà mới, hay trỉa (thu hoạch) mùa màng của đồng bào người Ve. Tuy nhiên, “văn hóa rượu cần” bây giờ không còn được đồng bào quan tâm, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong các dịp lễ lớn của làng (hoặc gia đình) mà bắt buộc không thể thiếu. Trong khi đó, tại các huyện miền núi Nam - Bắc Trà My, theo đánh giá của ông Dương Trinh - Trưởng phòng VH-TT huyện, rượu cần cũng chỉ có ở mỗi dịp lễ hội lớn. “Ở một số thôn của các xã Trà Nam, Trà Linh, Trà Leng huyện Nam Trà My là bà con còn ủ rượu cần cho các dịp lễ hội, còn ở các vùng khác hầu như dùng bia hết rồi!” - ông Trinh nói.

Hiện đại hóa lễ hội

Theo quan niệm của đồng bào các dân tộc thiểu số, mỗi dịp tổ chức lễ hội là mỗi dịp báo cáo với Giàng về những sự kiện đã hoặc sắp sửa diễn ra của làng, gia đình hoặc dòng tộc. Đây thường là những sự kiện lớn, có sức lan tỏa rộng trong đời sống tâm linh của đồng bào. Đi kèm với các sự kiện bao giờ cũng có nghi lễ cúng bái, tùy theo mức độ lớn nhỏ mà có đâm trâu hoặc chỉ mổ lợn, gà,... và làm đúng theo nghi thức truyền thống. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn hiện nay là nhiều không gian văn hóa, lễ hội của đồng bào đang dần bị hiện đại hóa về trang phục truyền thống và đi ngược với bản sắc vốn có.

Đồng bào Cơ Tu đang dần “hiện đại hóa” về cách ăn mặc trong lễ hội.  TRONG ẢNH: Lễ hội đâm trâu tại thôn Chờ Nét, xã A Ting, Đông Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đồng bào Cơ Tu đang dần “hiện đại hóa” về cách ăn mặc trong lễ hội. TRONG ẢNH: Lễ hội đâm trâu tại thôn Chờ Nét, xã A Ting, Đông Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Còn nhớ, vào tháng 7.2012, nhân dân thôn Chờ Nét (xã A Ting, huyện Đông Giang) tổ chức lễ hội đâm trâu nhân sự kiện “mừng công” khôi phục thành công gươl làng. Đây là một lễ hội rất có ý nghĩa đối với đồng bào vùng cao, ghi dấu tinh thần đoàn kết của làng và dịp để “báo công” với thần linh. Sẽ không có chuyện gì đáng bàn nếu như ở phần chính của lễ hội (đâm trâu) không xuất hiện những thanh niên mặc trang phục… thời thượng: quần jean, áo sơ mi và mang dép lê thực hiện nghi thức đâm trâu, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân và du khách.

Một lần ngồi dưới moong (nhà sinh hoạt truyền thống của đồng bào Cơ Tu), tôi lặng đi khi nghe người bạn kể về văn hóa rượu cần với bao nỗi trăn trở. Rượu cần, nét văn hóa sinh hoạt được xem không thể thiếu trong các ngày hội làng, dịp lễ tết, cưới hỏi,... của đồng bào vùng cao đang đứng trước nhiều nguy cơ biến mất. Thú thật, nghe bạn chia sẻ, có điều gì đó khiến tôi lo lắng nhưng không nói được thành lời. Rất vô hình nhưng cảm giác thì luôn hiện hữu trước mặt. Tôi đâm ra nghĩ ngợi rằng, chừng đến thế hệ con cháu của mình, rượu cần chỉ được nhắc đến như thế hệ chúng tôi bây giờ mỗi khi nghe kể về những cuộc tình ch’roonh (đi sim). Và trong một dịp nào đó đã rất lâu, tôi được nhấp chén rượu cần, vị nồng mà ngày xưa những người con của núi tự hào là đã thấm vào máu thịt. Nghe sao có chút đắng ở cổ!

Ông Pơloong Chiến - Bí thư Đảng ủy xã A Ting cho rằng, nhiều người Cơ Tu hiện nay rất ít có được trang phục truyền thống riêng cho mình. Do vậy, cứ mỗi lần tổ chức lễ hội, tình trạng thiếu hụt trang phục là khó tránh khỏi. “Có trường hợp các cháu học sinh từ trường trở về, thích thú với lễ hội nên cùng tham gia đâm trâu nhưng lại không có trang phục truyền thống” - ông Chiến cho hay. Ở những lễ cưới hay ở một số lễ hội có đâm trâu, đồng bào vùng cao “diện” những trang phục đa sắc màu thường xuyên xảy ra và ngày càng nhiều trong những năm gần đây. Thậm chí, trong nhiều sự kiện trọng đại, việc chưa đồng nhất trang phục khi biểu diễn cồng chiêng không còn gì lạ lùng với nhiều người dân và du khách. Đó là những thanh niên trong đội cồng chiêng có cách ăn mặc “nửa truyền thống, nửa hiện đại” khi quấn chung tấm dồ với chiếc áo thun (hoặc sơ mi), chân đi dép lê. Thiết nghĩ, nếu không sớm chấn chỉnh sự cẩu thả trong cách ăn mặc của đồng bào tại một số lễ hội sẽ tạo thành thói quen, làm mai một bản sắc văn hóa truyền thống.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, bà Lê Thị Thủy - Phó ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh thừa nhận, tình trạng văn hóa của đồng bào đang dần bị hiện đại hóa. “Văn hóa của đồng bào đang mai một từng ngày. Lãnh đạo chính quyền các địa phương cũng nên quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho đồng bào hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa bản địa. Bởi mất văn hóa là mất tất cả” - bà Thủy nói.

--------------------
Bài 2: Quên âm nhạc truyền thống

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bản sắc văn hóa miền núi: Những góc khuất (bài 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO