Bản sắc văn hóa miền núi: Những góc khuất (bài 2)

ALĂNG NGƯỚC 01/07/2014 08:44

BÀI 2: QUÊN ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG

Ở vùng cao, những người trẻ tuổi biết chơi đàn, thổi khèn, đánh cồng chiêng,... chỉ còn “đếm trên đầu ngón tay”. Không có người truyền dạy, cộng với ý thức tự giác chưa cao, âm nhạc truyền thống dường như không còn được giới trẻ biết đến…

  • Bản sắc văn hóa miền núi: Những góc khuất (bài 1)
Ngoài số ít già làng, hầu hết giới trẻ vùng cao hiện không còn biết chơi nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Alăng Ngước
Ngoài số ít già làng, hầu hết giới trẻ vùng cao hiện không còn biết chơi nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Alăng Ngước

Tìm lại âm sắc đại ngàn

Bao đời nay, đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang luôn tự hào với “kho tàng” văn hóa âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Mỗi dịp có lễ hội, âm nhạc truyền thống luôn được kết hợp với các làn điệu dân ca, điệu múa, sinh hoạt, tạo nên âm sắc riêng, là “món ăn” tinh thần không thể thiếu. Ngoài sự “chủ đạo” của cồng chiêng, người Cơ Tu còn có các loại nhạc cụ độc đáo khác như: tâm bhréh, abel, alắt, ahen, tuốt, cùng các loại khèn, tù và... với âm thanh trầm bổng làm say đắm lòng người. Giữa nhịp cồng chiêng rộn rã, điệu abel réo rắt vừa thúc giục vừa nhẹ nhàng hòa nhịp cùng những bước chân mềm của các chàng trai, cô gái Cơ Tu trong vũ điệu tâng tung da dá. Theo ông Palăng Bưng - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang, văn hóa âm nhạc trong đời sống của đồng bào vùng cao luôn chứa đựng nhiều ý nghĩa về tâm tư, tình cảm, cũng như hàm ý muốn gửi gắm của người chơi. Thông qua giai điệu, những cung bậc cảm xúc luôn được thể hiện khác nhau, ở từng loại đàn hay các bộ gõ. Bởi vậy, từ rất lâu đời, âm nhạc truyền thống đã gắn với đời sống xã hội, trở thành “nguồn sống” tinh thần trong các dịp hội làng, không gian chợ phiên, các cuộc tình đi sim (ch’roonh) của những đôi trai gái đồng bào vùng cao...

Tiếng đàn “bắt nhịp” tình duyên

Ngày xưa, hầu hết chàng trai vùng cao đều biết cách chế tác và chơi giỏi các loại nhạc cụ truyền thống. Đã có nhiều cuộc tình được dệt nên từ nghệ thuật âm nhạc còn lưu truyền đến tận ngày nay. Trong số đó, phải kể đến các chuyện tình đẹp của nghệ nhân Alăng Avel (huyện Tây Giang), Alăng Bảy, Ating Pâng (huyện Đông Giang),… được “bắt nhịp” bởi tiếng đàn abel, chinh phục trái tim người đẹp trong vùng.

Ví như câu chuyện nghệ nhân Alăng Avel cưới được người vợ xinh đẹp nhất nhì vùng Tà Vàng bằng... tài năng âm nhạc. Già Avel kể rằng, thời trai trẻ ông thường được nhiều người trong vùng chú ý bởi có khả năng chế tác và chơi điêu luyện các loại nhạc cụ truyền thống. Mỗi dịp hội làng hay nhà ai có lễ, tiếng đàn của chàng trai Alăng Avel cất lên bằng thứ âm thanh réo rắt, trầm bổng khiến nhiều cô gái trẻ mê mệt. Nhiều lần họ nhờ Avel làm tặng mình chiếc đàn areng về làm kỷ niệm, rồi không ngần ngại tặng lại chàng trai tài giỏi đôi bông tai của mình làm kỷ vật trao tay (người Cơ Tu gọi là C’lim) giữa các đôi trai gái. Già Avel nói đùa, nếu luật tục cho phép, chỉ bằng tiếng đàn, già không chỉ có một, hai cô vợ mà có khi đến cả chục. Phía góc nhà, cụ T’rương Thị Đhe - vợ già Avel nhìn chồng với ánh mắt thừa nhận.

Ở các dân tộc anh em khác, đời sống âm nhạc cũng trở thành nét văn hóa truyền thống được gìn giữ từ lâu đời. Cư trú ở các xã vùng biên của huyện Nam Giang, đồng bào Ve, Tà Riềng còn lưu giữ các loại nhạc cụ truyền thống  như: đinh tút, bhin, đhing ch’lếh,… cùng với nhiều bộ gõ cồng chiêng và làn điệu zớ (hát lý). Trong các đêm hội làng, những chàng trai, cô gái người Ve, Tà Riềng xúng xính trong bộ trang phục truyền thống, dặt dìu theo tiếng nhạc đing tút ngân vang. Trong khi đó, ở cánh huyện miền núi Nam - Bắc Trà My, đồng bào Ca Dong, Xê Đăng nổi tiếng với các làn điệu hát cheo (hát dân ca) truyền thống, cùng nhạc cụ đàn đá, bộ gõ cồng chiêng. Ở tộc người Co, ngoài nghệ thuật “đấu chiêng đôi”, đồng bào còn lưu giữ nhiều làn điệu dân ca cổ như: x’ru, azới, k’lu, ali... trở thành “báu vật” vô giá mà cha ông để lại.

Nỗi lo thất truyền

Dù ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng già làng Alăng Avel (ở thôn Tà Làng, xã Bha Lêê, huyện Tây Giang) vẫn đều đặn dạy đứa cháu nội chơi các loại nhạc cụ truyền thống mỗi ngày. Tiếng nhạc réo rắt từ căn nhà sàn rộng chưa đầy 20m2 của già Avel khiến chúng tôi như bị hút hồn. Ở Tây Giang, già Alăng Avel là một trong số hiếm hoi nghệ nhân còn lưu giữ, chế tác và chơi thông thạo các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Hàng trăm loại nhạc cụ - những kỷ vật đã một thời cùng ông biểu diễn khắp làng bản của đồng bào, nay vẫn được cất giữ cẩn thận như “báu vật” của đời mình. Tất cả là minh chứng cụ thể nói lên sự say mê với âm nhạc của già Avel. Nhưng, đằng sau niềm tự hào ấy là những “nốt nhạc trầm” của nghệ nhân già về nguy cơ thất truyền. Bởi, như một sự sắp đặt nghiệt ngã, cả 10 người con của già đều không một ai biết chơi đàn, thổi sáo hay bất kỳ một loại nhạc cụ truyền thống nào. Một mình ông thui thủi, lặng lẽ lau chùi, ngắm nghía bộ nhạc cụ mà mình đã cất công một đời chế tác và chỉ còn biết trông chờ vào đứa cháu nội mà ông tin tưởng. “Sắp trẻ bây giờ hiếm đứa nào còn biết chơi đàn, thổi sáo. Văn hóa âm nhạc truyền thống đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Lo quá!” - già Avel tâm tư.

Nhà sinh hoạt cộng đồng được thay cho gươl truyền thống theo nguyện vọng của người dân thôn Pà Nai 1, xã Tà Lu, Đông Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nhà sinh hoạt cộng đồng được thay cho gươl truyền thống theo nguyện vọng của người dân thôn Pà Nai 1, xã Tà Lu, Đông Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Là người chuyên nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc Ca Dong, Xê Đăng, Co,... nhạc sĩ Dương Trinh - Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Trà My cho rằng, âm nhạc trong đời sống của đồng bào các dân tộc bản địa vốn rất đa dạng và phong phú. Trong đó, cồng chiêng gắn với đồng bào như một niềm tự hào về văn hóa phi vật thể, kết hợp với nghệ thuật âm nhạc đàn đá - nét đặc trưng của vùng Trà My. Tuy nhiên hiện nay, văn hóa âm nhạc truyền thống dường như không được giới trẻ tiếp cận và bảo tồn, thay vào đó là sự “cuồng” vào âm nhạc hiện đại. Đến mức, nhiều nóc của người Ca Dong ở Nam Trà My hiện không còn lưu giữ cồng chiêng hay các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. “Nói thì không ai tin, chứ bây giờ âm nhạc truyền thống đã không còn xuất hiện trong đời sống của đồng bào Ca Dong. Không có người truyền dạy, cộng thêm ý thức của lớp trẻ chưa cao khiến văn hóa âm nhạc truyền thống đang đứng trước nguy cơ thất truyền” - nhạc sĩ Dương Trinh chia sẻ.

Bỏ gươl, xây nhà cộng đồng

Thôn Pà Nai 1 (xã Tà Lu, huyện Đông Giang) cách trung tâm huyện chừng 8km về phía đông. Ngôi gươl được cả làng chung tay dựng từ hơn mười năm trước - linh hồn của làng giờ không còn, nhường chỗ cho hạng mục công trình nhà sinh hoạt cộng đồng bằng bê tông cốt thép. Mất gươl, mọi sinh hoạt hội họp, lễ lạt của thôn phải diễn ra tại nhà sinh hoạt cộng đồng. Ông Alăng Lương - Trưởng thôn Pà Nai 1 cho biết, nhà sinh hoạt cộng đồng vốn là đất của gươl làng. Gươl hư, đồng bào không kiếm được vật liệu phục hồi nên thôn xin kinh phí cho xây nhà sinh hoạt cộng đồng. Nói về chuyện bảo tồn gươl sau thời gian sử dụng, trưởng thôn Alăng Lương lắc đầu: “Khó lắm! Bây giờ có vô rừng cũng khó tìm được gỗ, lá cọ, mây rừng... để phục hồi”. Thế nên, năm 2010, từ kinh phí hỗ trợ của Chương trình 135, đồng bào Pà Nai 1 đã đồng ý xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thay cho gươl với gần 300 triệu đồng.

Già làng Bh’nướch Bhờ buồn rầu nói: “Bây giờ cái chi cũng mua từ đồng bằng lên, làm văn hóa của mình dần biến mất từng ngày. Gươl lẽ ra phải to rộng, đẹp đẽ là chỗ để dân làng hội họp cũng mất luôn rồi. Thời chừ không còn gì là văn hóa truyền thống nữa!”. Ông Alăng Ngọc Bích - Chủ tịch UBND xã Tà Lu thừa nhận việc xây nhà sinh hoạt cộng đồng cho thôn Pà Nai 1 để thay thế gươl là không phù hợp với truyền thống. Nhưng việc xây nhà cộng đồng là theo nguyện vọng của đồng bào.

Lại thêm nỗi đau “mất văn hóa truyền thống từ trong nhận thức”.

_______
Bài cuối: Bảo tồn dựa vào cộng đồng

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bản sắc văn hóa miền núi: Những góc khuất (bài 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO