BÀI CUỐI: BẢO TỒN DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG
Trước thực trạng văn hóa đồng bào vùng cao đang dần mai một và biến dạng, ngành văn hóa và chính quyền các địa phương đã có những nỗ lực trong công tác bảo tồn. Tuy nhiên, việc bảo lưu văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn là nỗi lo và thách thức lớn đối với các địa phương, ngành chức năng. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quảng Nam về vấn đề này, bà Lê Thị Thủy - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Việc bảo tồn văn hóa của đồng bào vùng cao ngoài sự quan tâm từ chính quyền địa phương cần có sự “hợp tác” của chính cộng đồng người dân tộc thiểu số. Bởi, văn hóa là từ cộng đồng mà ra, vì vậy việc bảo tồn cũng nên dựa vào cộng đồng để từng bước khôi phục, giữ gìn”.
|
Bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa cần phải dựa vào cộng đồng. Ảnh: Alăng Ngước |
- PV: Trong những năm qua, chính quyền từ tỉnh, huyện đến các xã, thị trấn đã có những nỗ lực gìn giữ và khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao. Vậy kết quả đạt được đến đâu, thưa bà?
- Bà Lê Thị Thủy: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc đã góp phần rất lớn và đem lại những kết quả nhất định. Vấn đề còn lại là cần sự nỗ lực và quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương, giúp đồng bào dân tộc miền núi, bảo tồn bản sắc truyền thống. Những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào miền núi, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã có những hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào và từng bước khôi phục những nét đẹp đã bị mai một. Tuy nhiên, việc bảo tồn văn hóa của đồng bào không phải một sớm, một chiều mà cần có thời gian lâu dài. Dù muộn, nhưng nếu không quan tâm đúng mức thì nguy cơ văn hóa của đồng bào mất đi là điều khó có thể tránh khỏi.
- PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức các hội thi văn hóa truyền thống ở các huyện miền núi còn nặng hình thức, theo kiểu “đến hẹn lại lên” chứ chưa thực sự đem lại hiệu quả trong công tác bảo tồn. Nhìn nhận của bà như thế nào về vấn đề này?
Giới trẻ hiện nay là lực lượng nòng cốt trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ đã tác động không nhỏ đến nhận thức của thế hệ trẻ đối với văn hóa của ông cha mình. (Bà Lê Thị Thủy - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh) |
- Bà Lê Thị Thủy: Vấn đề này nếu nói không đem lại hiệu quả thì cũng chưa đúng, bởi vì qua cuộc thi cũng đã giúp đồng bào nhìn thấy được tầm quan trọng của bản sắc văn hóa để từng bước duy trì và bảo tồn. Ở đây cũng phải nói đến nhận thức của người dân. Người dân phải suy nghĩ vì sao chính quyền tổ chức lễ hội như vậy, còn nếu không nhận thức điều đó là nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống thì mọi công sức, kinh phí mà chính quyền bỏ ra trở thành vô nghĩa. Lễ hội không chỉ đơn thuần biểu diễn cho quan khách xem, mà còn đánh động đến nhận thức của người dân. Ví dụ, dân tộc anh có những điệu múa, phong tục tập quán đẹp, đặc sắc thì nên phát huy và một khi du khách thích thú với văn hóa của dân tộc mình thì sẽ tìm đến nhiều hơn.
- PV: Vậy theo bà, chúng ta nên làm gì trước tình trạng mai một văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số?
- Bà Lê Thị Thủy: Phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào cũng là một cách để nét đẹp văn hóa vùng cao không bị mai một. Như ở một số dân tộc khác, nơi khác họ chú trọng đầu tư du lịch để bảo tồn văn hóa, bởi khi phát triển được du lịch, đồng bào sẽ được hưởng lợi từ chính văn hóa của mình để phục vụ du khách. Từ đó, tác động vào nhận thức của đồng bào, giúp họ luyện tập thường xuyên, bảo tồn văn hóa bản địa. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào thấy được tầm quan trọng vì sao phải bảo tồn văn hóa của chính mình cũng là một giải pháp từng bước khắc phục và bảo tồn văn hóa miền núi. Trên hết vẫn là dựa vào chính cộng đồng để bảo tồn bản sắc. Chính những người trong cộng đồng phải tự giúp nhau, học hỏi lẫn nhau để bảo tồn văn hóa. Nhà nước chỉ hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách giúp khôi phục và bảo tồn chứ không thể can thiệp sâu. Bảo tồn văn hóa bản địa là do chính cộng đồng các làng, thôn tự mình cứu lấy mình với sự giúp sức từ phía chính quyền và xã hội.
Giới trẻ hiện nay là lực lượng nòng cốt trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ đã tác động không nhỏ đến nhận thức của thế hệ trẻ đối với văn hóa của ông cha mình. Do vậy, các ngành chức năng, các địa phương nên có những việc làm cụ thể giúp giới trẻ có cách nhìn đúng hướng về văn hóa của dân tộc để gìn giữ và bảo tồn. Ngoài ra, các vị già làng cũng cần phát huy vai trò trước cộng đồng trong việc khôi phục giá trị văn hóa truyền thống đang đứng bên bờ nguy cơ mất bản sắc.
- PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
ALĂNG NGƯỚC