"Bàn Thạch điền thổ bộ": Dấu xưa Tam Kỳ

NGÔ PHÚ THIỆN 24/09/2016 09:37

Rất tình cờ và may mắn, tôi đã tìm thấy tập tư liệu quý hiếm - bộ điền thổ sớm nhất ở vùng Tam Kỳ có tên “Bàn Thạch điền thổ bộ”  từ trong gia bảo của bác Trần Hoành - một trong 7 họ tộc của “Thất phái tiền hiền” ở làng Bàn Thạch thuở xa xưa. Bộ điền thổ tuy được lập lại dưới đời vua Duy Tân (Duy Tân tứ niên - 1911) nhưng căn cứ nội dung của sổ bộ cho thấy sự hình thành các thôn, ấp của xã Tam Kỳ từ rất xa xưa.

Mưu sinh trên sông Bàn Thạch. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Mưu sinh trên sông Bàn Thạch. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Theo văn phả, thì 7 dòng họ: Trần, Hồ, Huỳnh, Nguyễn, Đỗ, Đinh, Lê đã có những bậc tiền hiền góp công khai khẩn vùng đất bên sông Bàn Thạch, từ cuối thế kỷ XV. Quá trình khai mở đất đai, thôn ấp của Tam Kỳ xưa đồng thời cũng gắn liền với việc “dựng nghiệp” của “Thất phái tiền hiền” ở Tứ chánh Bàn Thạch thôn. Vì vậy, tuy tên gọi là Bàn Thạch điền thổ bộ (bộ điền thổ của thôn Bàn Thạch) nhưng tập tư liệu này có giá trị về nhiều mặt của cả vùng đất Tam Kỳ khi mới kiến lập. Bộ điền thổ được viết bằng chữ Hán dày 32 trang, trên giấy bản. Nội dung chủ yếu của nó được chia làm 3 mục:

- Mục thứ nhất: phần “Bẩm” tấu của các lý - hào địa phương lên triều đình nhà Nguyễn. Lời bẩm trình báo về việc phát triển dân cư, thôn ấp, đất đai trong địa hạt xã Tam Kỳ trước đó.

- Mục thứ hai: là phần kê biên diện tích ruộng đất của các thôn - xã, sau khi đã đo đạc để chia tách thành các đơn vị hành chính mới.

- Mục thứ ba: là phần trình báo về việc tách địa bàn Tam Kỳ thành hai xã mới: Dưỡng An và Tam Kỳ. Các lý - hào ký xác nhận phần điền thổ của thôn, xã mới.

Từ trang đầu đến trang cuối của sổ bộ đều có dấu Triện của cấp địa phương và dấu Ấn của hai triều vua Duy Tân - Khải Định. Lần theo các phần mục trong bộ điền thổ này, chúng ta có thể hình dung được địa giới hành chính đầu tiên - từ thôn Bàn Thạch đến xã Tam Kỳ - qua các triều đại. Ở phần đầu bài “Bẩm” của các lý - hào (dưới thời vua Duy Tân) có tiêu ngữ: “Tam Kỳ phủ, Hà Đông huyện, Chiên Đàn Trung tổng, Tứ chánh Bàn Thạch thôn, bổn thôn lý hào đẳng khấu...”. Như vậy, đây được coi như một “Tờ trình” của quan lại địa phương bẩm tấu lên chính quyền Trung ương. Từ đó cho thấy: ấp Bàn Thạch trước kia đã được cải đổi thành “Tứ chánh Bàn Thạch thôn”, trước đời vua Duy Tân. Khi cải đổi, “Bàn Thạch thôn” chỉ có diện tích ruộng đất: 13 mẫu, 11 thước, 2  tấc (Thập tam mẫu thập nhứt xích nhị thốn). Đây là địa bàn trung tâm của xã Tam Kỳ - thời Lê Trung hưng và đến đầu thế kỷ XX là phủ Tam Kỳ.     

Trong nội dung bài “Bẩm” cũng xác định: “Tam Kỳ xã quy tập dân cư, kết lập thị, triển thương mại hiện hữu...”. Đại ý là: Hiện tại xã Tam Kỳ quy hoạch lại dân cư để xây dựng chợ, phát triển buôn bán. Điều này giúp ta biết được đến thời vua Duy Tân, xã Tam Kỳ đã lấy địa bàn thôn Bàn Thạch làm khu trung tâm buôn bán, phát triển doanh thương. Vì địa thế thôn Bàn Thạch nằm cạnh 2 nhánh sông, nên thuận lợi cho việc vận chuyển, giao thương hàng hóa. Và chợ dựng gần bến sông, nên gọi tên là chợ Vạn (vạn chài) - gần khu vực chợ Tam Kỳ mới hiện nay.

Một trang tư liệu trong “Bàn Thạch điền thổ bộ”.
Một trang tư liệu trong “Bàn Thạch điền thổ bộ”.

Riêng phần 3 của mục này có trình bày cụ thể: năm “Duy Tân cửu niên” (Duy Tân thứ 9), do sự mở rộng đất đai và cư dân đông đúc, nên địa bàn xã Tam Kỳ trước kia được tách thành hai xã mới: xã cũ Tam Kỳ ở phía đông (tương ứng với các phường ngày nay: Hòa Hương, Phước Hòa, An Mỹ và một phần An Phú). Xã mới Dưỡng An ở phía tây (tương ứng các phường: An Sơn, An Xuân, Trường Xuân hiện nay).     

Nếu dựa theo tên gọi chính thức “xã hiệu” thì Tam Kỳ đã có lịch sử phát triển 250 năm. Căn cứ để xác định xã hiệu Tam Kỳ được tìm thấy trong sắc phong của vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786), ban thưởng cho ông Trần Văn Túc (1765), ở làng Hương Trà (nay thuộc phường Hòa Hương). Mở đầu sắc chỉ của nhà vua, có nêu rõ tiêu ngữ: “Thị Thăng Hoa phủ, Nội phủ kim hộ thuộc, tân lập Tam Kỳ xã…” (xã mới lập Tam Kỳ, trong “thuộc” của Nội phủ kim hộ, trực thuộc phủ Thăng Hoa)…

Dựa vào “Bàn Thạch điền thổ bộ” đầu thế kỷ XX, ta có thể nhận diện quá trình chuyển đổi của Tam Kỳ qua hơn 1 thế kỷ. Như vậy, từ một làng quê của phủ Tam Kỳ, trải qua hơn 100 năm biến đổi để có một TP.Tam Kỳ như hôm nay. Cho dù địa bàn thành phố giờ đây mở rộng nhiều lần so với xã Tam Kỳ xưa, nhưng dấu ấn “làng trong phố” vẫn còn hiện hữu ở “Bàn Thạch điền thổ bộ”.

NGÔ PHÚ THIỆN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Bàn Thạch điền thổ bộ": Dấu xưa Tam Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO