Đó là cách tôi đặt tên cho những bản thảo ngày xưa. Gọi là xưa, nhưng chỉ cách đây chừng hai chục năm, kể từ năm 1997, khi Báo Quảng Nam mới thành lập. Hồi ấy, máy vi tính là trang thiết bị xa xỉ, cả Báo Quảng Nam chỉ có vài chiếc thuộc dạng “đồ cổ” đời 286 chạy hệ điều hành Vietres, nói gì đến internet, nên hầu hết bản thảo của phóng viên, cộng tác viên đều viết tay. Một số người có điều kiện, viết bản thảo trên máy đánh chữ.
Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, bản thảo được xử lý dễ dàng hơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Phóng viên tác nghiệp ở xa và cộng tác viên chủ yếu gửi bản thảo qua bưu điện. Nhiều anh kỹ tính, viết xong gửi bản photocopy đến tòa soạn và giữ lại bản chính nên bản thảo trông cứ mờ mờ. Đối với những tin, bài “nóng” cũng phải đến bưu điện chuyển qua máy fax. Sau đó, nhân viên vi tính Báo Quảng Nam có nhiệm vụ đánh máy toàn bộ bản thảo sau khi đã biên tập bước 1. Bản thảo đánh máy chữ còn dễ nhìn, chứ bản thảo viết tay, nhiều người viết không rõ ràng, lại thêm việc bị biên tập tẩy xóa thêm bớt nữa thì càng khó “dịch” nên đôi khi vừa đánh máy vừa... suy luận, đoán chữ. Nhưng đối với tên riêng thì chịu, không thể đoán được. Còn nhớ có lần tên của ông Lê Ngọc Chiếu, lúc đó là Trưởng phòng Giáo dục Hội An, khi lên báo, đã bị biến thành “Lê Ngọc Chiến” vì người viết bài viết không rõ chữ “u” và chữ “n” nên “Chiếu” biến thành “Chiến”, mà lúc ấy đến điện thoại cũng không có để mà gọi trao đổi, kiểm tra.
Bản thảo ngày trước đa số viết tay và gửi qua bưu điện (ảnh minh họa). Ảnh: CHÂU NỮ |
Vì là bản thảo viết tay nên người viết thường suy nghĩ rất kỹ, hình dung bố cục, ý tứ thật “chín” trong đầu rồi mới đặt bút viết. Khi viết, nhiều người thủ sẵn cây bút xóa, nhưng cũng hạn chế dùng, bởi vì không thể cứ viết viết xóa xóa, trông mất thẩm mỹ. Có người kỹ hơn, viết nháp trước, sau đó tự biên tập rồi viết lại bản chính. Đối với những bản thảo dài hơn 1.000 chữ mà viết kiểu này thì đúng là mỏi tay nhưng bản thảo khá chỉn chu, tròn trịa. Để biên tập viên phân biệt chapeau (sa-pô) của bài báo, nhiều phóng viên, cộng tác viên phải ghi rõ bên lề chữ “sa-pô”, hoặc những chữ, đoạn cần in nghiêng, in đậm cũng đều gạch chân, ghi bút đỏ bên cạnh. Biên tập viên cũng vậy, muốn lấy lại một những câu, chữ, đoạn đã bỏ, phải ghi chú “lấy lại đoạn này”. Sau, anh em tòa soạn thống nhất, những chữ sau khi gạch bỏ nhưng có dấu chéo ở bên dưới thì được hiểu là... giữ nguyên. Ngoài ra, còn có một số “quy ước” riêng giữa biên tập viên và các nhân viên đánh máy tùy theo tác phong, thói quen làm việc của mỗi người.
Còn bây giờ, tất cả đã được công nghệ thông tin hỗ trợ. Bài được viết trên máy vi tính, có thể sửa chữa, đổi câu, chuyển đoạn, thêm bớt tùy thích. Xong, chỉ cần gửi email về tòa soạn. Bản thảo trình bày box, in nghiêng, in đậm hoặc cửa sổ tùy thích. Nhân viên tòa soạn cũng không vất vả như trước. Chỉ cần tải xuống và lưu bài. Biên tập viên cũng thao tác hoàn toàn trên máy tính.
Mới 20 năm thôi mà chuyện làm báo, viết báo đã khác rất nhiều. Nhớ lại những ngày đầu làm Báo Quảng Nam, chưa kể nỗi vất vả trong khâu tác nghiệp, chỉ nói những chuyện “bếp núc” ở tòa soạn, từ những bản thảo viết tay, chuyển qua bưu điện, biên tập, đánh máy, dàn trang, đọc dò..., thảy đều bằng thủ công, anh bạn đồng nghiệp của tôi thốt lên “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Mà đúng là “kinh” thiệt, nhìn vào phương tiện, điều kiện kỹ thuật phục vụ công việc làm báo bây giờ, thấy chuyện làm báo của 20 năm trước cứ tưởng như chuyện ở thời... đồ đá!
CHÂU NỮ