Xu hướng du lịch thời AI không chỉ cần thông tin chân thật, trải nghiệm mang tính chiều sâu mà phải có một hành trình độc đáo. Sản phẩm du lịch đặc sắc đến từ cảnh quan riêng có, văn hóa ẩm thực bản địa, mô hình du lịch gắn với bản sắc địa phương và những trải nghiệm đặc biệt. Phải làm gì để hành trình du lịch xứ Quảng mang tinh thần “nếu không phải ở đây, thì không nơi nào khác có điều này”?
Hành lang du lịch kết nối 2 Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn với Cổng Trời Đông Giang được kỳ vọng là “cơ hội vàng” thúc đẩy liên kết vùng, tạo ra sức bật mới cho du lịch Quảng Nam.
“Cơ hội vàng” cho liên kết vùng
Nhân hội thảo lữ hành quốc tế Quảng Nam 2025 vừa diễn ra, tỉnh Quảng Nam đã công bố hành lang phát triển du lịch mới: “Cung đường di sản Hội An - Mỹ Sơn - Cổng trời Đông Giang: Nơi thiên nhiên giao hòa cùng văn hóa”. Đây là hành lang du lịch hiếm có trong khu vực miền Trung, thậm chí trên phạm vi cả nước bởi có đến 2 di sản văn hóa thế giới trên cung đường và điểm cuối là Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang cùng một hệ sinh thái đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Theo các doanh nghiệp lữ hành, việc thiết kế tuyến du lịch kết hợp yếu tố thiên nhiên và văn hóa đang là xu hướng được ưu tiên, nhằm mang lại trải nghiệm phong phú, khác biệt cho du khách. Cung đường di sản Hội An - Mỹ Sơn - Cổng Trời Đông Giang có thể xem là một hình mẫu tiêu biểu cho định hướng này.
Tuyến di sản Hội An - Mỹ Sơn - Đông Giang không khó để thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Đối với khách quốc tế, họ luôn quan tâm các Di sản thế giới như Hội An, Mỹ Sơn – những “điểm đến phải đến” khi tới Việt Nam.
Việc bổ sung Cổng Trời Đông Giang vào hành trình sẽ tạo thêm sự tò mò thích thú, đặc biệt cho những ai yêu thiên nhiên và muốn khám phá nét văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc. Còn đối với khách nội địa, tuyến du lịch này càng hấp dẫn vì tính trải nghiệm cao và phù hợp với xu hướng nghỉ dưỡng kết hợp khám phá. Những năm gần đây, du khách Việt, đặc biệt là giới trẻ có xu hướng tìm đến các điểm du lịch mới lạ gần gũi thiên nhiên để “đổi gió”.
Ngành du lịch Quảng Nam kỳ vọng khi công bố hành lang này là sẽ góp phần đưa các mô hình du lịch xanh và du lịch cộng đồng - hai hình thức du lịch bền vững đang được khuyến khích phát triển. Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, hành lang này sẽ tạo sản phẩm mới khác biệt, kéo dài chuỗi giá trị du lịch, thúc đẩy các loại hình du lịch xanh và cộng đồng, phân bổ lại lợi ích du lịch giữa vùng đồng bằng và miền núi, cũng như thu hút thêm phân khúc du khách chất lượng cao.
Trung tâm du lịch mới của Quảng Nam?
Ông Nguyễn Anh Tấn - Chủ tịch Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FVG (chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang) cho rằng, khi hạ tầng cung đường di sản hoàn thiện cùng với các sản phẩm du lịch hấp dẫn, lượng du khách đến với Đông Giang sẽ rất đông.
Có thể nghiên cứu quy hoạch một trung tâm du lịch mới lấy Cổng Trời Đông Giang làm vùng lõi, từ đó giúp phân bổ lượng du khách hợp lý ra vùng phụ cận, giảm áp lực hạ tầng tại khu vực chính, đồng thời tạo cơ hội phát triển kinh tế cho cộng đồng địa phương. Trung tâm du lịch vệ tinh này được kỳ vọng trở thành một trung tâm du lịch miền núi mới của tỉnh.
Ông Tấn đề xuất nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Hội An - Mỹ Sơn - Đông Giang để đảm bảo chất lượng mặt đường, an toàn cho phương tiện và thuận lợi cho du khách. Trong đó có đề xuất nối dài tuyến đường từ Khu đền tháp Mỹ Sơn thông qua đường 14H đến 609C đang thi công gần hoàn thành cắt đến 14B và nối dài men theo trung tâm dân cư ra đến cầu Hà Tân. Đồng thời xây dựng hệ thống biển báo chỉ dẫn, trạm dừng chân, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn dọc theo cung đường.
Theo bà Tạ Thị Tú Uyên - Giám đốc Ban sản phẩm dịch vụ, Công ty Vietravel, trước hết, lợi ích dễ thấy nhất là tạo ra một sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn với hành trình “một chuyến đi – nhiều trải nghiệm”. Du khách khi tham gia tuyến này có thể trong vài ngày được trải nghiệm đa dạng loại hình du lịch: từ du lịch văn hóa – lịch sử (tại Hội An, Mỹ Sơn) đến du lịch sinh thái – cộng đồng (tại Đông Giang). Sự đa dạng này giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách trong vùng, tăng mức chi tiêu và đem lại nguồn thu lớn hơn cho địa phương.
“Tuyến xe buýt du lịch Hội An – Mỹ Sơn - Đông Giang khi đi vào hoạt động trong tương lai cần có lịch trình linh hoạt phù hợp giờ tham quan các điểm đến, giá cả cạnh tranh. Về lâu dài, cân nhắc các phương án giao thông bền vững khác như tuyến xe điện nội vùng, xe đạp cho thuê ở Hội An và Đông Giang, vừa bảo vệ môi trường cũng như tăng trải nghiệm cho du khách.
Nên thành lập một ban quản lý chung cho cung đường di sản này, gồm đại diện các địa phương và doanh nghiệp liên quan, nhằm thống nhất chiến lược phát triển, quảng bá và quản lý chất lượng dịch vụ. Cạnh đó, cần thiết lập các cơ chế phối hợp công tư (PPP) trong việc đầu tư hạ tầng, đào tạo nhân lực, xúc tiến thị trường”, bà Tú Uyên nhận định.
Chủ nhân của Leaf Village and Farm (Làng Lá Farm) tại xã Hòa Bắc (Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) là một người trẻ quê Tam An (TP.Tam Kỳ). Chủ nhân của làng du lịch Toom Sara, hay còn gọi Suối Hoa tại xã Hòa Phú (Hòa Vang) cũng là một người trẻ quê huyện Thăng Bình.
Và ở quanh các xã của huyện Hòa Vang, nương theo dòng sông Cu Đê, có rất nhiều khu du lịch sinh thái trải nghiệm thu hút khách theo mô hình như vậy.
Các mô hình này đang vận hành khá đặc biệt khi dựa trên nguyên tắc tôn trọng bản sắc và nỗ lực “bán” cho du khách những trải nghiệm chân thật nhất, gần nhất với thiên nhiên. Du lịch trang trại kết hợp nghỉ dưỡng đang là xu hướng du lịch của thế giới, bên cạnh các trải nghiệm của du lịch mạo hiểm.
Làng Lá Farm mới chỉ xuất hiện gần 1 năm trở lại đây nhưng được lựa chọn bởi tính chất sinh thái kết hợp trải nghiệm văn hóa bản địa.
Tại đây, du khách không chỉ được tận hưởng không gian xanh mát với những căn nhà tranh mái lá mộc mạc, mà còn có cơ hội tham gia các hoạt động thủ công truyền thống như dệt chiếu, làm bánh tráng, nấu rượu gạo hay chế biến các món ăn đặc trưng của vùng quê.
Một điểm nhấn của Làng Lá chính là các chương trình homestay, nơi du khách có thể ở lại, sinh hoạt cùng người dân địa phương và cảm nhận nhịp sống chậm rãi, chân thực giữa thiên nhiên.
Cách đó không xa, The Farmers - hình thành theo mô hình nông trại sinh thái, không chỉ cung cấp thực phẩm sạch mà còn mở cửa để du khách có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tại đây, du khách có thể tự tay hái rau, trồng cây, chăm sóc vật nuôi và học hỏi về nông nghiệp hữu cơ.
Ngoài ra, trang trại còn tổ chức các lớp học về chế biến thực phẩm, làm vườn, cũng như những buổi hướng dẫn về nông nghiệp bền vững, giúp người tham quan hiểu rõ hơn về cách thức bảo vệ môi trường và tận dụng tài nguyên thiên nhiên một cách thông minh. Những ngày cuối tuần, lượng khách đến với The Farmer lên đến hàng chục ngàn người. Trong tuần, khu du lịch này đón các em học sinh ở các trường học đến tham quan trải nghiệm.
Các mô hình du lịch tại huyện Hòa Vang hiện nay là nỗ lực của chính quyền Đà Nẵng về phát triển du lịch cộng đồng. Cùng với đầu tư hạ tầng giao thông, TP.Đà Nẵng hỗ trợ đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân, tạo các chương trình quảng bá điểm đến.
“Du lịch cộng đồng phải chạm được đến cảm xúc của du khách” là điều thường được đội ngũ đào tạo kỹ năng cho người dân làm du lịch hiểu được. Khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa và một đời sống cộng đồng chất phác, mới là điều mang lại cảm xúc cho du khách. Và đó, mới là đích đến của du lịch cộng đồng!
Những khu lưu trú nằm ven phố cổ Hội An, dù mới hay cũ vẫn mang nét “riêng có”, khiến du khách phải quay lại. Đây cũng là thế mạnh để UNESCO đưa ra nhận xét rằng “Hội An” là hình mẫu của việc kết hợp giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Những lời hứa với Hội An
Một ngày giữa tháng 3/2025, người đàn ông 51 tuổi Dairen Mellis đến từ nước Úc ngồi mê mẩn hàng giờ bên chiếc bàn cũ đặt cạnh hồ bơi nhỏ, phía bên kia là khoảng trời mênh mông. Ông Dairen nói rằng ông đã đến Hội An vào năm 2024, dự tính ban đầu cũng tới một lần thôi rồi đi nước khác để tiếp tục thưởng lãm. Nhưng rồi không biết thứ gì đã níu kéo ông trở lại vùng đất này.
“Tôi ở đây và cảm nhận rất rõ mùi của hoa cây “dừa” (hoa cau), mùi hương lúa. Ở đây có mọi âm thanh của đời sống làng quê, một địa điểm thực sự rất phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng. Đặc biệt tôi cũng rất ấn tượng với vợ chồng chủ khu lưu trú, họ hiền lành và được nhân viên gọi là “mother Dinh”” - Dairen nói khi ngồi trên chiếc ghế xưa cũ thường thấy của người Quảng Nam những năm 1980.
Lời khen của Dairen khiến bà Trần Thị Tuyết Dinh và ông Lê Huỳnh Hải, chủ khu lưu trú Ahoy Hội An Boutique resort bật cười. Hai năm kể từ khi dốc vốn liếng đầu tư khu lưu trú với mong muốn tạo ra một “ngôi nhà thu nhỏ của phố cổ Hội An”, bà Dinh nói rất ấm lòng khi nhận được những đánh giá của khách sành Hội An như thế.
Ở Hội An, Ahoy không phải là cái tên được biết nhiều. Cũng bởi gia chủ vốn không xuất thân từ du lịch mà làm khác nghề rồi có quá trình tích lũy, ấp ủ để chuyển qua làm lưu trú. Nhưng ông Hải, bà Dinh rất hiểu “gu” khách Tây khi họ không chọn một tòa lâu đài lộng lẫy, mọc lên giữa làng quê trong thiết kế mà lại theo xu hướng “boutique, nhỏ xinh”.
“Ai đã sống ở Hội An đều yêu phố cổ. Chúng tôi cũng thế. Nên khi làm bất cứ việc gì, chúng tôi cũng nghĩ tới việc làm sao bật lên vẻ đẹp lộng lẫy như phố cổ trăm năm vốn có. Để bất cứ ai ghé đến đều cảm nhận họ đang gặp hàng xóm, như về lại nhà mình với bên kia hàng rào hoa dâm bụt là chỗ ở của mình” - bà Trần Thị Tuyết Dinh nói.
Kiến trúc cũng như nghệ thuật, sự cá nhân hóa và tình yêu dẫu mỗi người theo một cách nhưng sẽ tạo được cảm xúc tới người đối diện. Ahoy Hội An, cái tên lấy từ lời chào cổ xưa của các thủy thủ tàu buôn dành cho nhau mỗi khi thấy nhau trên biển khơi nay đã thành điểm lưu trú ấm cúng. Trên tổng diện tích không quá lớn, 80 phòng được thiết kế theo hướng nương tựa tự nhiên, lấy cảm hứng từ làng quê xứ Quảng với hàng cau được quấn quanh bởi dây trầu không, rặng dâm bụt, những lối đi lát đá rêu phong… đã chạm đến cảm xúc của khách.
Vẻ đẹp riêng có
Hội An mỗi năm đón khoảng 3-5 triệu lượt khách. Cũng chừng ấy nhu cầu khác nhau. Có dòng khách nội địa, khách Á, khách Âu, thậm chí cả châu Phi. Nhưng rất dễ nhận ra rằng một xu hướng lưu trú có sức sống mãnh liệt, chinh phục mọi đòi hỏi từ du khách đó là lưu trú lấy văn hóa làm nguồn cảm hứng.
Nhiều người Việt Nam bất ngờ và ban đầu không hiểu vì sao có nhiều villa, khu lưu trú, khách sạn… dù rất đơn giản, quy mô nhỏ, thậm chí “mời người Việt Nam vào ở miễn phí cũng chưa chắc đã vào” lại luôn nhận được chấm điểm cao trên các nền tảng đặt phòng quốc tế.
Chưa hết, nhiều tờ báo, tạp chí thế giới thỉnh thoảng lại tung các cuộc bình chọn và xướng tên những khu lưu trú bé nhỏ nằm ẩn mình giữa đồng quê Hội An như Chic Hội An (xã Cẩm Châu), An Villa (Cẩm Thanh) hay “ông lớn” La Siesta resort and spa Hội An… Lâu dần, khi thấy sự thay đổi nhanh của nhu cầu du lịch, người ta mới nhận ra rằng vẻ đẹp thẩm mỹ chung trong lưu trú chính là vẻ đẹp lấy thời gian làm son phấn, lấy văn hóa làm điểm trang chứ không phải cái bóng bẩy.
Chủ Chic Hội An - ông Phạm Vũ Dũng nói rằng bao nhiêu năm làm du lịch, ông “ngộ” ra rằng khách nước ngoài đến Hội An lý do là sự nổi tiếng của phố cổ, nhưng điều khiến họ nán lại là con người và văn hóa của Quảng Nam.
“Làm bất cứ công trình nào tôi cũng nghĩ đến việc làm sao đưa được nhiều yếu tố văn hóa vào trong sản phẩm. Từ bữa ăn ở nhà hàng, không gian bếp, không gian trải nghiệm làm đèn lồng cho tới từng lối đi, phòng ngủ của khách… Tất cả đều là một gallery thu nhỏ thể hiện hình ảnh của đất Quảng Nam xưa. Đó là chiếc cối xay bột, là con trâu, là những bờ tre vững chãi, những bếp khói nơi người mẹ lụi cụi tảo tần nấu cho con bữa ăn… Chính những thứ này mới tạo nên khác biệt, tạo ra cảm xúc và níu khách nán lâu hơn” - ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết với cách đưa văn hóa vào phô diễn trong không gian lưu trú, Chic Hội An luôn nhận được đánh giá “5 sao” trên các nền tảng bán phòng, dù đây chỉ là một khu lưu trú theo kiểu boutique nhỏ với 13 phòng. Rất nhiều khách, đặc biệt là Úc, Mỹ, châu Âu tới Chic khi được nghe kể câu chuyện về văn hóa làng quê Việt Nam, những đặc trưng xứ Quảng qua món ăn và các đồ trang trí trong không gian thì tỏ ra vô cùng phấn khích...
Du khách đến Hội An, không chỉ xem kiến trúc cổ. Họ muốn trải nghiệm văn hóa, cuộc sống bản địa của người xứ Quảng. Và những khu lưu trú biết cách đánh thức bản sắc, mới thật là nơi “làm vừa lòng cả thế giới”.
Dương Văn Dũng (Bỏng Ngô Mario) - chàng vlogger quê Đại Lộc, Quảng Nam đã dành nhiều năm rong ruổi mọi miền đất nước để thực hiện những thước phim du lịch tâm linh đặc sắc.
Không dừng lại ở việc giới thiệu danh lam thắng cảnh, những sản phẩm của Dũng còn kết hợp hài hòa giữa yếu tố hình ảnh, âm thanh và kỹ xảo điện ảnh, tạo nên sự khác biệt trong cách tiếp cận và truyền tải câu chuyện. Đây cũng là điều đặc biệt để thu hút du khách.
Từ “tay ngang” đến vlogger triệu view
Chọn cách kể lại bằng hình ảnh và những thước phim sống động về cảnh sắc, các giá trị văn hóa của quê hương mình, kênh YouTube Bỏng Ngô Mario của Dũng đã thu hút hàng triệu lượt truy cập toàn cầu.
Đặc biệt, các video về du lịch tâm linh, khám phá chùa chiền, đền thờ và những câu chuyện huyền bí gắn liền với các địa danh nổi tiếng đã giúp anh tạo dựng thương hiệu riêng biệt trong cộng đồng vlogger Việt Nam.
Một trong những video đầu tiên đưa tên tuổi Dũng đến gần hơn với khán giả chính là hành trình khám phá Thiên Cấm Sơn được mệnh danh là nóc nhà đồng bằng Sông Cửu Long - nơi linh thiêng bậc nhất tỉnh An Giang.
Cạnh đó, loạt video về các ngôi chùa nổi tiếng như chùa Một Cột (Hà Nội), chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), chùa Bà (Tây Ninh) hay hành trình khám phá những đền thờ linh thiêng như đền Trần Thương (Hà Nam), Thạch động (Hà Tiên) và một số địa điểm gắn với văn hóa dân tộc như Làng Vũ Đại, Làng hoa Đồng Tháp... đã giúp kênh YouTube của anh đạt hàng triệu lượt xem.
“Khi được kha khá khán giả yêu mến, mình bắt đầu trở về quê, thực hiện những dự án quảng bá danh lam thắng cảnh, một số địa điểm mang nhiều giá trị văn hóa nhưng ít người biết đến. Đầu tiên, mình chọn đỉnh Bằng An, nơi có cảnh sắc thiên nhiên kỳ vỹ nhìn ngắm đồng bằng trù phú và dòng Vu Gia uốn lượn. Tiếp theo đó là Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn, nhà trờ Trà Kiệu - nơi từng là kinh đô Sư Tử của Vương triều Champa, Khu dự trữ sinh quyển của thế giới Cù Lao Chàm. Tất cả video mình làm về Quảng Nam đều có lượt xem và tương tác rất cao” - Dũng kể.
Ngoài đầu tư nghiên cứu sâu về lịch sử, phong tục, tập quán tại các điểm đến, anh còn áp dụng những kỹ xảo điện ảnh như time-lapse (tua nhanh thời gian), slow-motion (chuyển động chậm), hiệu ứng chuyển cảnh mượt mà và tái hiện hình ảnh 3D để tăng thêm phần sinh động, tạo chiều sâu cho mỗi thước phim.
Quảng bá du lịch Việt Nam
Sau nhiều năm miệt mài với đam mê, Dương Văn Dũng không chỉ là một vlogger nổi bật trong nước mà còn có tầm ảnh hưởng nhất định với khán giả quốc tế. Kênh “Bỏng Ngô Mario” của anh hiện sở hữu hơn 400 ngàn lượt theo dõi, với nhiều video đạt triệu view và nhận được phản hồi tích cực từ người xem trong và ngoài nước.
Một trong những thành công đáng chú ý của Dũng chính là việc đưa hình ảnh du lịch tâm linh Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế. Nhiều video của anh có phụ đề tiếng Anh, giúp bạn bè thế giới hiểu hơn về những giá trị văn hóa đặc sắc của người Việt. Đặc biệt, loạt video về Phật giáo, phong tục lễ hội, các nghi thức tâm linh truyền thống đã nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả nước ngoài, nhất là những người yêu thích du lịch và nghiên cứu văn hóa phương Đông.
Không chỉ tập trung vào các điểm du lịch nổi tiếng, Dũng còn dành nhiều tâm huyết để khám phá những địa danh ít người biết đến, những ngôi chùa, đền miếu cổ kính ẩn sâu trong các làng quê Việt Nam. Chính nhờ cách tiếp cận này, anh đã góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu những vẻ đẹp tiềm ẩn của du lịch Việt Nam đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Không dừng lại ở những thành công đã đạt được, Dương Văn Dũng đang ấp ủ nhiều dự án mới để đưa nội dung của mình lên một tầm cao mới. Trong năm 2024, anh đã thực hiện loạt video chuyên sâu hơn về văn hóa tâm linh tại các quốc gia lân cận như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Nepal … nhằm so sánh, đối chiếu nét tương đồng và khác biệt giữa Phật giáo Việt Nam và các nước trong khu vực.
Hành trình của chàng vlogger xứ Quảng vẫn đang tiếp tục, với những dự án đầy tâm huyết và khát vọng mang hình ảnh quê hương Việt Nam vươn xa. Và với niềm đam mê không ngừng nghỉ, tin rằng trong tương lai, Dương Văn Dũng sẽ còn tiếp tục gặt hái nhiều thành công trên con đường đưa du lịch tâm linh Việt Nam đến gần hơn với thế giới.
Hạ tầng giao thông hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực thấp, sản phẩm dịch vụ chưa rõ nét… là những yếu tố khiến du lịch vùng dược liệu miền núi Quảng Nam nhiều năm qua vẫn chưa thể triển khai đón khách.
Dừng ở khâu bán dược liệu
Đại diện một hãng lữ hành khá lớn ở khu vực miền Trung chia sẻ, mặc dù các hãng lữ hành quốc tế quan tâm nhiều đến sản phẩm du lịch sức khỏe nhưng doanh nghiệp khó thể đáp ứng được. Nguyên nhân: địa phương nơi có vùng nguyên liệu chưa thật sự sẵn sàng để xây dựng tour trải nghiệm hoàn chỉnh.
“Dù rất muốn nhưng chúng tôi không có thông tin về các loại hình sản phẩm này để đưa vào chương trình giới thiệu chào bán khách. Chưa kể, những hạn chế về hạ tầng, giao thông đi lại cũng là “rào cản” đối với việc phổ biến sản phẩm du lịch dược liệu vì phần lớn địa phương có vùng nguyên liệu thuộc miền núi cao” – người này dẫn giải.
Du lịch chữa bệnh hoặc trải nghiệm vùng dược liệu phục hồi sức khỏe không hề mới, thậm chí một số địa phương lân cận như Đà Nẵng, Huế đã triển khai thực hiện hàng chục năm trước với các hoạt động như trải nghiệm vườn thuốc nam, tắm bùn, tắm suối khoáng… nhưng với Quảng Nam hầu như khá mờ nhạt hoặc manh mún.
Hiện tại, phần lớn địa phương có vùng dược liệu trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng ở việc sản xuất hàng hóa dược liệu bán ra thị trường chứ chưa nghĩ đến vấn đề gia tăng giá trị sản phẩm dựa trên các yếu tố văn hóa bản địa.
Theo ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch dịch vụ Duy Nhất Hội An, các địa phương có vùng dược liệu trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc sản xuất hàng hóa dược liệu bán ra thị trường chứ chưa nghĩ đến vấn đề gia tăng giá trị sản phẩm dựa trên các yếu tố văn hóa bản địa.
“Nếu các địa phương, ngành du lịch chuẩn bị nghiêm túc và có sự quyết tâm xây dựng một chương trình khám phá văn hóa miền núi kết hợp trải nghiệm vùng dược liệu hoàn chỉnh, đồng thời đẩy mạnh quảng bá, thông tin, kết nối doanh nghiệp lữ hành, hiệu quả mang lại chắc chắn rất tốt” - ông Hà phân tích. Được biết, đơn vị này đang kết hợp điểm du lịch văn hóa Âu Lạc (xã Điện Phong, Điện Bàn) tổ chức tour trải nghiệm vườn cây dược liệu gắn với tìm hiểu văn hóa làng quê.
Cụ thể, khách tham quan sẽ tự tay hái lá vối, được hướng dẫn cách chế trà và nghe giới thiệu công dụng trà lá vối đối với sức khỏe trước khi ăn bữa cơm chay Thần Nông được chế biến từ những nguyên liệu thảo dược địa phương. Kết thúc bữa ăn khách được thưởng thức ly trà Thần Nông (trà đậu đen), tiếp tục nghe giới thiệu về công dụng của trà đối với sức khỏe con người trong tiếng đàn bầu truyền thống.
Chậm rãi thực hiện
Vùng núi Quảng Nam không chỉ sở hữu những lợi thế về văn hóa, thiên nhiên. Đây là vùng nguyên liệu thuốc nam phong phú với nhiều loại cây đặc hữu, có giá trị cao như sâm Ngọc Linh, sâm ba kích… Phát triển du lịch vùng dược liệu được xem là hướng đi phù hợp nhằm đa dạng điểm đến, tạo nên những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đồng thời giúp tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 463 phê duyệt Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”. Bên cạnh những cơ chế, chính sách nhằm nâng cao giá trị sản phẩm sâm Ngọc Linh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vấn đề phát triển du lịch dựa vào vùng dược liệu cũng được nhắc đến.
Dù vậy, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, hiện thực mục tiêu phát triển du lịch vùng dược liệu không hề đơn giản vì phụ thuộc nhiều yếu tố như hạ tầng giao thông, dịch vụ, lưu trú, nguồn nhân lực, kể cả công nghệ thông tin, y tế… Cần sự tham gia đồng bộ của nhiều sở ngành, địa phương nên phải thực hiện từng bước một.
“Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh cũng đã xác định mở rộng không gian về phía Nam và phía Tây. Trong đó có trải nghiệm văn hóa bản địa và tài nguyên thiên nhiên, nông sản, dược liệu miền núi, đặc biệt là sâm Ngọc Linh… nhưng cũng chỉ mang tính chung tổng thể, chứ phát triển riêng vùng sâm thì chưa. Tất nhiên, Chính phủ cũng chỉ mới phê duyệt nên mình chưa thể làm liền được, nhưng trong kế hoạch chiến lược chung của tỉnh thì có nội dung đó” - ông Hồng nói.
Liên kết vùng dược liệu phát triển du lịch
Để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch tốt hơn, huyện Nam Trà My đã ký biên bản hợp tác du lịch với huyện Bắc Trà My, huyện Tiên Phước về liên kết vùng phát triển du lịch, dựa trên cơ sở 3 huyện có những nét tương đồng và bổ trợ cho nhau như: đều nằm trên tuyến quốc lộ 40B, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sinh thái núi rừng, du lịch văn hóa truyền thống của đồng bào.
Mỗi địa phương có những thế mạnh riêng, từ đó tương tác, hỗ trợ nhau, tạo ra chuỗi điểm du lịch phong phú, đa dạng, thu hút du khách.Sự liên kết này phấn đấu đưa du lịch 3 huyện trở thành điểm du lịch đặc sắc phía tây của tỉnh Quảng Nam lồng ghép trong chuỗi hành trình di sản Quảng Nam, tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, tạo liên kết bền vững về du lịch với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh, với các dịch vụ mũi nhọn như du lịch sinh thái, du lịch khám phá bản sắc văn hóa đặc trưng làng quê xứ Quảng, văn hóa đồng bào các dân tộc, du lịch khám phá đỉnh Ngọc Linh, gắn với trải nghiệm vùng trồng Sâm Ngọc Linh.
Nội dung: QUỐC TUẤN - CẨM PHÔ - PHAN VINH - VĨNH LỘC
Trình bày: MINH TẠO