Bạn văn, ở Huế

TRẦN TUẤN 04/09/2023 09:09

(VHQN) - Tình văn nghệ ở Huế, sao mà nó cứ “dắt dây”, từ gương mặt này vắt sang cái tên nọ, miên man, không dừng. Khi phần tuổi trẻ tươi sáng nhất của tôi đã “lỡ” để lại nơi ấy, trở thành kho báu của hoài ức, một thứ “cát bụi lộng lẫy” chỉ cần khẽ chạm vào bụi sẽ cất ngàn đôi cánh li ti bay lên làm sương khói.

Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc (ngoài cùng bên trái) cùng bạn văn xứ Huế tại nhà thi sĩ Nguyễn Khắc Thạch năm 1993. Ảnh tư liệu của Trần Tuấn
Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc (ngoài cùng bên trái) cùng bạn văn xứ Huế tại nhà thi sĩ Nguyễn Khắc Thạch năm 1993. Ảnh tư liệu của Trần Tuấn

Cuối tháng 7 mới đây ra Huế tiễn đưa đôi vợ chồng tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ, tôi ghé thắp hương nhà thơ Ngô Minh. Đầu tháng 12/2018 ông qua đời khi vừa vào tuổi 70 sau cú ngã dẫn đến tai biến.

Nhớ cuối những năm 80 thế kỷ trước, thời sinh viên nghèo đói ở Huế, tôi thường đạp xe ngược con dốc Phan Bội Châu đến nhà ông… ăn chực. Món khoái khẩu mà Ngô Minh thường đãi tôi là cá nục kho khô nhiều ớt, ăn kèm với trái ổ qua xanh bóp dập cho bớt đắng bẻ ra thành từng miếng, đưa cay cùng rượu trắng. Tráng miệng bằng chén cơm nguội. Rồi cứ thế rủ rỉ chuyện trò thơ ca.

Với tôi, Ngô Minh chính là một “hiệp sĩ” của giới văn nghệ, là người chép biên niên về bè bạn, bằng thơ, bằng sách. Ông lưu giữ, giới thiệu, in tập thơ đầu tiên của Phùng Cung sau khi được “chiêu tuyết”. Suốt mười mấy năm trời, ông tìm tòi, cất giữ từng trang bản thảo của Phùng Quán, để lần lượt in ra nhiều đầu sách của tác giả “Vượt Côn Đảo”, trong đó đặc biệt phải kể tới cuốn “Ba phút sự thật” của Phùng Quán mà ông biên soạn.

Chính từ Phùng Quán - Ngô Minh, mà chúng ta được biết tới Tuân Nguyễn, một cuộc đời văn chương đẹp và cay đắng. Ngô Minh là người đứng ra kêu gọi bạn bè văn nghệ sĩ góp nhặt cát đá xây mộ vợ chồng thi sĩ Phùng Quán - Bội Trâm tại Huế. Ông cũng là một trong những người khởi xướng chương trình Viếng mộ thi nhân ở Huế vào mỗi dịp Nguyên tiêu - Ngày thơ Việt Nam, để qua hàng chục năm nay đã trở thành một mỹ tục đáng quý về tình nghệ sĩ.

Đôi bạn văn tiêu biểu xứ Huế Hoàng Phủ Ngọc Tường - Nguyễn Trọng Tạo trên đỉnh núi Kim Phụng ngày 2/9/1995. Ảnh: TRẦN TUẤN
Đôi bạn văn tiêu biểu xứ Huế Hoàng Phủ Ngọc Tường - Nguyễn Trọng Tạo trên đỉnh núi Kim Phụng ngày 2/9/1995. Ảnh: TRẦN TUẤN

Trong rất nhiều bài thơ viết về bạn bè của Ngô Minh, tôi luôn bồi hồi mỗi lần nhớ đến những câu thơ này của ông: “Bạn ơi bạn ơi rượu hay nước mắt/ Cạn túi mươi đồng cạn cốc tiễn nhau/ Cay đắng trong veo nồng nàn cũng trong veo/ Trong veo câu thơ thương người biết khóc”. Bài thơ ông viết trên sân ga Huế một chiều đông lạnh tiễn người bạn thơ thân thương Nguyễn Khắc Thạch lên đường ra Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du những năm 1980.

Nhắc tới thi sĩ Nguyễn Khắc Thạch, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, tôi lại nhớ cuộc rượu ở nhà anh nơi căn phòng nhỏ tầng tư khu tập thể Đống Đa, cùng với cặp đôi văn chương Hòa Vang - Nguyễn Lương Ngọc khi ấy từ Hà Nội đi bộ xuyên Việt dừng chân tại Huế mùa hè 1993.

Anh Thạch từ thời đó đã ăn chay trường, nhưng vẫn cùng vợ là chị Thủy chuẩn bị rượu thịt đầy đủ đãi khách. Gần nửa đêm, cuộc nhậu tàn, tôi mượn xe đạp chở thi sĩ Nguyễn Lương Ngọc ghé nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ở số 2 Nguyễn Huệ để… xin rượu!

Trời nóng nực, Nguyễn Trọng Tạo ngủ dưới đất. Khách vào, anh bật ngọn đèn nhỏ bên cạnh (có lẽ để viết) rồi chỉ vào trong màn, thì thào: “Con tôi đang sốt, khẽ mồm thôi nhé!”.

Rồi anh lôi đâu ra bình rượu ngâm, rót cho anh Ngọc và tôi mỗi tên mấy ly. Uống như ăn vụng! Biết thi sĩ tác giả của “Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt/ một đứa vợ la... chục đứa kinh” đang rơi vào cảnh huống “đặc biệt”, uống xong vài ly, tôi bấm anh Ngọc chuồn êm. Tiễn chúng tôi ra ngoài rồi khóa cổng, anh Tạo nắm tay Nguyễn Lương Ngọc, tần ngần: “Ông thông cảm…!”.

Văn nghệ sĩ cả nước về Huế tiễn đưa vợ chồng tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ cuối tháng 7/2023. Ảnh: TRẦN TUẤN
Văn nghệ sĩ cả nước về Huế tiễn đưa vợ chồng tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ cuối tháng 7/2023. Ảnh: TRẦN TUẤN

Anh Tạo ra đi đến nay đã hơn 4 năm, sau anh Ngọc 18 năm. Mới đây, nhân tưởng niệm anh Hoàng Phủ Ngọc Tường - chị Lâm Thị Mỹ Dạ, chị Thanh vợ anh Tạo đưa lên bức ảnh tôi chụp anh đang ngồi với anh Tường trên đỉnh núi Kim Phụng buổi sáng sớm ngày 2/8/1995.

Phiến đá có ghi 4 cái tên Ứng - Tường - Tạo - Tuấn. Nhà nghiên cứu sử Mai Khắc Ứng tổ chức chuyến lên thăm lại chiến trường xưa của anh Tường. Và đáng lẽ trong đoàn có cả anh Ngô Minh, nhưng trước giờ xuất phát anh Minh bị sốt cao đành ở lại.

Từ cái đêm trên đỉnh mù sương ấy, tôi càng hiểu thêm Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng những tâm sự nặng trĩu của ông. Rồi lại nhớ căn gác nhỏ tầng 2 trên phố Nguyễn Trường Tộ một thời gian gia đình ông ở sau khi được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trao lại khi vào Sài Gòn (Nay trở thành Café Gác Trịnh - không gian lưu niệm Trịnh Công Sơn). Thời xưa tôi thường lui tới nơi này. Cũng bởi cách đó khoảng 2 căn, khi đó là nơi ở của Nguyễn Xuân Hoàng, một đồng nghiệp và là bạn văn nghệ thân thiết của tôi.

Một đêm đông lạnh buốt của 17 năm về trước (tháng 12/2006), gió và sương hun hút lùa qua hành lang tầng 2, lũ chúng tôi tứ xứ kéo về, ngồi gục bên quan tài của Hoàng. Một đêm tơi bời rượu, thơ và nước mắt. Hoàng khi ấy mới 40 tuổi, những thiên bút ký trác tuyệt về cỏ cây nắng mưa xứ Huế đột ngột dừng lại nửa chừng.

Hôm ra Huế mới đây ghé về ngôi nhà hiện nay của vợ con Hoàng nơi cuối dốc Nam Giao, thắp hương cho bạn, chợt sững lại trước gốc ngô đồng lực lưỡng cao vút trước cổng. Hoàng từng có những tuyệt bút về cây ngô đồng, từng đếm được xứ Huế có một trăm cây ngô đồng, từng mơ ước trước nhà sẽ trồng một gốc ngô đồng.

Bởi chỉ loài cây này phượng hoàng mới bay về đậu, “ở đâu có cây ngô đồng mọc, ở đó có sự khang khác, như là cuộc sống đã nguyên sơ và trinh bạch hơn”. Giờ thì trước nhà bạn, thân ngô đồng đã bước vào tuổi thanh niên 17, vóc dáng cây thẳng độc nhất vô nhị “lao thẳng lên trời xanh một cách dũng mãnh cương cường”.

Những chiếc áo đề thơ các văn nghệ sĩ trong một sự kiện văn nghệ bên bờ sông Hương Huế. Ảnh: TRẦN TUẤN
Những chiếc áo đề thơ các văn nghệ sĩ trong một sự kiện văn nghệ bên bờ sông Hương Huế. Ảnh: TRẦN TUẤN

Xứ Huế, thuở xa xanh ấy, đã cho tôi biết bao tình văn chương, dìu đỡ nhau đến tận bây giờ. Nơi ấy một đêm thơ của những năm 1980 ở 26 Lê Lợi, tôi lặng người đi khi chứng kiến Phùng Tấn Đông chàng trai xứ Quảng râu tóc tơi bời cất giọng sang sảng đọc bài thơ “Maria Tố Chân” của Trần Quang Long: “Có phải không Tố Chân/ Lời yêu đầu tiên là nước mắt/ Lời tin nhau dài lâu là sự thật/ Trong suốt hồn ta/ Như một bài hoan ca/ Của đàn họa mi ngập ngừng buổi sáng…”.

Đó là lần đầu tiên tôi gặp họ Phùng, để dan díu đến tận bây giờ. Lại nhớ một đêm thơ ở hội trường Đại học Huế số 3 Lê Lợi gần 40 năm trước, bắt gặp cảnh một gã cao lớn, tóc râu bụi bặm ngang tàng dựng cái bánh xe xích lô vào tường rồi bước lên sân khấu đọc thơ.

“Vắng khách đôi khi về chở gió/ Không tiền, không bạc vẫn cười vang/ Dừng lại bên cầu nghe nước chảy/ Chợt thấy mình: một giọt nước Hương giang”. Đọc xong, gã bước xuống nhặt cái bánh xe ráp vào cái xích lô cà tàng đang dựng ngoài sân, rồi phóc lên, đạp… Phương Xích lô đấy!

Giờ lục lại ký ức, tôi chợt nhận ra mình giàu có biết chừng nào. Với bao gương mặt văn nghệ yêu mến, Trần Vàng Sao, Thái Ngọc San, Nhất Lâm, Hoàng Đăng Nhuận, Dương Thành Vũ, Nguyễn Khắc Phê, Trần Thùy Mai, Mai Văn Hoan, Phạm Phú Phong, Lê Viết Tường, Trần Bá Đại Dương, Văn Cầm Hải, Võ Xuân Huy, Lãng Hiển Xuân, Đặng Mậu Triết, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Huỳnh Lâm, Phạm Nguyên Tường, Lê Văn Minh Tự, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nguyễn Phước Hải Trung, Đông Hà, Nhụy Nguyên, Lê Minh Phong, Nguyễn Lãm Thắng, Bùi Ngọc Long,…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bạn văn, ở Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO