Bán vật tư nông nghiệp tự phát ở Nông Sơn: Khó quản lý!

PHAN VINH 30/11/2016 09:01

Những ngày này, người dân trên địa bàn huyện Nông Sơn đang tất bật đi mua lúa giống và các loại vật tư nông nghiệp khác để chuẩn bị cho vụ đông xuân cận kề. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lúng túng vì các cơ sở bán vật tư nông nghiệp với những “ưu đãi” hấp dẫn mọc lên tràn lan, còn chất lượng ra sao không ai biết.

Mua vì được cho nợ

Chị Phan Thị Chỉ (43 tuổi, ở tại thôn Trung Nam, xã Quế Trung) có hơn 2ha đất trồng lúa. Nhận được lịch gieo sạ cho vụ đông xuân sắp tới, mấy hôm nay chị cùng gia đình đã bắt đầu xuống đồng làm đất. Tuy nhiên, điều chị đang băn khoăn nhất là chọn cơ sở để mua giống lúa sao cho tốt. “Khoảng gần nửa tháng nay, những tiệm tạp hóa trong các thôn, xóm đều có bày bán lúa giống, phân bón và các loại thuốc diệt cỏ, trừ sâu. Họ cho chúng tôi mua nợ, đến cuối mùa thu hoạch rồi trả cũng được” - chị Chỉ nói. Cũng theo nhiều người dân trên địa bàn huyện Nông Sơn, những cơ sở bán vật tư nông nghiệp này còn có những cách chiều khách rất hấp dẫn. Thông thường, những đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp được cấp giấy phép sẽ bán hàng theo bao bì, ít khi bán lẻ từng ký. Thế nhưng những cơ sở tự phát lại vô tư mở bao bì chia nhỏ hàng ra để bán theo ý người mua.

Chúng tôi tìm đến tiệm tạp hóa của bà Đ.T.M. (xã Quế Trung) để hỏi mua lúa giống. Tại cửa hàng này, nhiều bao bì lúa giống đã được mở sẵn, để ngổn ngang chào hàng. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua lúa giống, bà M. cho biết thích mua bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, nửa ký cũng bán.  “Bởi vì ở đây người dân làm ít, nhiều khác nhau, có người trồng một khoảnh nhỏ thì họ mua ít thôi” - bà M. giải thích. Một khách hàng đến mua lúa giống tại đây chia sẻ: “Vì chỗ này cho nợ nên tôi tới mua, bởi hiện giờ không có tiền. Chứ thực ra tôi cũng không biết chính xác giống lúa này có đúng như ngoài bao bì ghi hay không, vì bao nào cũng bị mở hết rồi”.

Nhiều bao bì lúa giống đã mở được bày bán ở tiệm tạp hóa.  Ảnh: PHAN VINH
Nhiều bao bì lúa giống đã mở được bày bán ở tiệm tạp hóa. Ảnh: PHAN VINH

Anh Nguyễn Tấn Mãi (41 tuổi, ở tại thôn Trung Nam, xã Quế Trung) có một thời gian cũng thường xuyên mua giống và vật tư nông nghiệp tại một cơ sở tự phát trong xóm. Nhưng vì một số vụ sản xuất không hiệu quả nên anh không còn tin tưởng những sản phẩm mua tại đó nữa. “Chấp nhận mua rồi trả tiền liền cho đảm bảo. Hơn nữa, ở các đại lý lớn họ còn tư vấn, chỉ cho mình kỹ thuật, phương pháp gieo trồng, bón phân để sản xuất hiệu quả hơn” - anh Mãi chia sẻ.

7/54 cơ sở được cấp phép kinh doanh

Theo thông tin từ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Nông Sơn, trên địa bàn hiện có 54 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Trong số đó chỉ có 7 cơ sở là đại lý cấp 2 của các nhãn hiệu uy tín và những cơ sở này đã được cấp giấy phép kinh doanh. Họ được tập huấn những tiến bộ khoa học kỹ thuật về gieo trồng lúa giống cũng như phương pháp bón phân, dùng thuốc bảo vệ thực vật để có thể tư vấn lại cho người mua. Còn 47 cơ sở tự phát lấy hàng ở nhiều nơi dẫn đến sự mập mờ về chất lượng. Hơn nữa, có nhiều cơ sở không biết cách sử dụng vật tư nông nghiệp sao cho hiệu quả vì họ vốn dĩ là những hộ kinh doanh tạp hóa.

Ông Lê Quốc Sỹ - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Nông Sơn cho biết, việc quản lý các cơ sở bán vật tư nông nghiệp tự phát gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết cơ sở nằm ở vị trí xa trung tâm huyện nên người dân các xã dễ tiếp cận. Hơn nữa, các chủ cơ sở nắm bắt được tâm lý và nhu cầu mua nợ của người dân áp dụng phương thức “bán trước lấy tiền sau”. Trong khi đó, chính quyền cấp xã không tập trung xử lý quyết liệt những cơ sở này, dù đây là chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương. “Trạm bảo vệ thực vật không có chức năng xử lý những trường hợp này mà chỉ là đơn vị tư vấn, góp ý cho các ban ngành liên quan. Trước đây huyện cũng đã thành lập đội kiểm tra liên ngành bao gồm Ban quản lý thị trường, Công an huyện, phòng NN&PTNT và trạm, nhưng giữa các đơn vị không có sự thống nhất về cách làm nên rất khó phối hợp. Trong những đợt kiểm tra trước, đội liên ngành của huyện cũng đã lập biên bản xử lý và buộc cam kết không tái phạm nhưng sau đó các cơ sở vẫn bán tràn lan” - ông Sỹ nói.
Theo ông Đỗ Đình Long - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn, trong thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho người dân biết địa điểm bán vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng và cách phân biệt hàng thật - giả. “Đối với tình trạng cơ sở tự phát bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn, phòng đã có văn bản đề nghị UBND huyện cho thành lập đội kiểm tra liên ngành để xử lý dứt điểm. Đồng thời ổn định giá cả và chất lượng vật tư nông nghiệp để người dân yên tâm chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp tới” - ông Long cho biết thêm.

PHAN VINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bán vật tư nông nghiệp tự phát ở Nông Sơn: Khó quản lý!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO