Bản vùng biên kết nghĩa

LĂNG A CÚI 27/09/2013 08:23

Đoàn kết, giao lưu, giúp đỡ lẫn nhau nhằm thắt chặt tình hữu nghị… là những thỏa thuận chung giữa các thôn, bản hai bên biên giới, vừa được UBND huyện Nam Giang và chính quyền huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào) phối hợp tổ chức tại Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc.

Đại diện thôn, bản hai bên biên giới trao Biên bản ký cam kết tại lễ kết nghĩa.Ảnh: LĂNG A CÚI
Đại diện thôn, bản hai bên biên giới trao Biên bản ký cam kết tại lễ kết nghĩa.Ảnh: LĂNG A CÚI

Vui hội kết đoàn

Sáng diễn ra lễ kết nghĩa giữa các thôn, bản hai bên biên giới thuộc các huyện Đắc Chưng (Sê Kông Lào) và Nam Giang (Quảng Nam), trời mưa như trút khiến đường lên Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc nhiều điểm bị sạt lở. Hơn 8 giờ sáng, trời vẫn mưa xối xả, lãnh đạo huyện Nam Giang đứng ngồi không yên khi nhận được tin “đoàn đại biểu của bạn có thể không tới dự lễ được, do suối lớn chia cách”. Sau nhiều lần hội ý, lãnh đạo huyện đã đưa ra phương án huy động lực lượng phối hợp cùng bộ đội biên phòng chặt nứa làm bè hoặc bắc cầu tạm để giúp đoàn đại biểu bạn vượt lũ. Cùng với đó, cử một đoàn xe đến tận bờ suối đón khách về dự lễ. Kế hoạch nhanh chóng được phân công tiến hành. Tất cả đại biểu có mặt đều hồi hộp chờ đợi tin tức. Đến quá trưa, cuối cùng đoàn “hộ tống” cũng đã đưa đại biểu và nhân dân bên biên giới Lào tới địa điểm tổ chức lễ kết nghĩa.

Thực hiện theo Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Quảng Nam với Ủy ban Chính quyền tỉnh Sê Kông, tại lễ kết nghĩa vừa tổ chức tại Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc, đại diện 8 cặp thôn, bản của 2 huyện Nam Giang và Đắc Chưng đã ký kết Biên bản thỏa thuận về thiết lập quan hệ kết nghĩa với các nội dung: đẩy mạnh tình đoàn kết, giao lưu văn hóa, cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội...

Đại diện ký kết thỏa thuận kết nghĩa với Trưởng bản Tăng Dơi (huyện Đắc Chưng), ông Pơloong Háo - Bí thư Chi bộ thôn Côn Zốt 2 (xã Chơ Chun, Nam Giang) cho biết: “Trước khi đi dự lễ, người dân trong thôn ai cũng vui mừng, gửi gắm rất nhiều điều và xem lễ kết nghĩa như ngày hội kết đoàn giữa nhân dân hai bên biên giới từ lâu vốn rất thân thiết và gần gũi”. Còn ông Sup Su May, ở bản Đắc Tà Oọc Nhày (Đắc Chưng) nói: “Cả 5 người trong bản đến dự lễ kết nghĩa ai cũng vui. Đây thật sự là ngày vui của chúng tôi cùng với các bạn Việt Nam”.

Dù lạnh vì trời mưa nhưng ai cũng cảm thấy ấm lòng khi chứng kiến những tiết mục văn nghệ đặc sắc được đại diện nhân dân thôn, bản hai bên biên giới thể hiện. Trong đó, tiết mục múa truyền thống của phụ nữ đến từ các cụm bản Đắc Chưng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem. Nói như bà Kim Hay, ở bản Đắc Tà Oọc Nọi (Đắc Chưng) thì “lễ ký kết không chỉ là để kết nghĩa thôn, bản mà còn là ngày hội giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em hai bên biên giới Việt - Lào”.

Thắm tình anh em

Ông Siêng Đi (63 tuổi, ở bản Đắc Tà Oọc Nhày) cùng nhiều người dân khác trong đoàn huyện Đắc Chưng không khỏi xúc động khi được các bạn trẻ Nam Giang đội mưa nhường dù che đón họ từ phía bên kia cửa khẩu. Ông Siêng Đi cho biết, để đến dự được lễ kết nghĩa các ông phải vượt rừng hơn 3 giờ đồng hồ dưới cơn mưa tầm tã. Đến đoạn suối chỉ cách cửa khẩu chừng 7 cây số, do lũ lớn nên họ không thể qua và phải nhờ đến sự giúp đỡ của thanh niên và Bộ đội Biên phòng Việt Nam.

Dân bản Cơ Tu đội mưa che dù đón bạn Lào.
Dân bản Cơ Tu đội mưa che dù đón bạn Lào.

Một tháng trước khi diễn ra lễ kết nghĩa, chính quyền huyện Nam Giang cũng đã có chuyến thăm và tặng 5 tấn gạo cùng 3 tấn cỏ voi cho chính quyền và nhân dân huyện Đắc Chưng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - Phạm Thị Như, không phải bây giờ mà từ hàng chục năm trước, cư dân ở vùng cao giáp ranh biên giới giữa hai bên đã có tình cảm sâu nặng trong tình đoàn kết, hữu nghị, keo sơn. Tình cảm đó nay tiếp tục được vun đắp thông qua những nội dung cam kết trong lễ kết nghĩa giữa các thôn, bản Việt - Lào. Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, lễ kết nghĩa là sự kiện quan trọng góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, tạo điều kiện để chính quyền và nhân dân Nam Giang - Đắc Chưng ở vùng giáp ranh hai bên biên giới có cơ hội giao lưu, hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau; chung tay giữ gìn và bảo vệ chủ quyền quốc gia của 2 nước. “Chúng tôi xác định giúp bạn, bảo vệ bạn cũng chính là tự giúp và bảo vệ mình để xây dựng vành đai biên giới vững chắc, bảo vệ chủ quyền quốc gia vững bền” - ông Mai nói.

Ông Nu Phết Chăn Tha Mạt - Phó Huyện trưởng Đắc Chưng chia sẻ rằng, lễ kết nghĩa là mốc son ghi dấu tình đoàn kết, hữu nghị đẹp đẽ giữa chính quyền và nhân dân 2 địa phương có chung đường biên giới của Việt Nam - Lào trong thời kỳ hội nhập, phát triển. Chính quyền và nhân dân tỉnh Sê Kông cũng như huyện Đắc Chưng luôn ghi nhận và đánh giá cao sự giúp đỡ từ phía chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Giang trong những năm qua về giáo dục, y tế, đời sống xã hội... “Trong thời gian tới, chính quyền 2 huyện sẽ tiến hành chỉ đạo các thôn, bản kết nghĩa phổ biến sâu rộng các nội dung đã ký kết đến với toàn thể nhân dân. Tổ chức triển khai cho nhân dân các cụm bản thực hiện có hiệu quả từng nội dung được nêu trong bản cam kết” - ông Nu Phết Chăn Tha Mạt nói.

Chiều biên giới. Mưa vẫn xối xả đổ về, tiết trời lạnh ngắt. Bên ngoài hội trường, những bàn tay nắm chặt tiễn những ngời bạn trở về bên kia biên giới. Nụ cười tươi đọng lại cùng bao nghĩa tình, ấm áp vùng biên.

LĂNG A CÚI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bản vùng biên kết nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO