Bandung, ký ức vương bụi đường

SONG ANH 31/12/2015 12:35

Ký ức về tiếng đàn Angklung dưới chân núi lửa Tangkubang Parahu, hay vị ngọt lịm tứa ra từ những nhụy hoa ở cánh đồng Cihidedung, khiến cảm xúc, nỗi nhớ Bandung (thuộc đảo quốc Indonesia) vẫn cứ mãi say lòng…

Một buổi chiều uống đầy Es Teler – thứ cocktail đặc biệt của người Sundanese, sau khi đã chếnh choáng với mùi sulfur bốc lên từ ngọn núi cao hơn 2.000m, tôi tự hỏi mình phải chăng Bandung là chỗ trú chân bình dị nhất cho những kẻ lữ hành bụi bặm?

Phố núi

Bandung là một cao nguyên nằm ở phía tây đảo Java. Khi Indonesia được biết đến như một đảo quốc với hàng vạn hòn đảo lớn nhỏ, thì Bandung trơ trọi đứng trên bản đồ với hình ảnh là một ngọn núi, cùng những đồi chè trải dài tít tắp. Nếu ở Jakarta, nhịp sống tất bật với những cao ốc, khu thương mại, thì chỉ cần 3 giờ đồng hồ chạy xe trên đường cao tốc, Bandung hiện ra với những không gian tươi màu thiên nhiên. Khác với Bali – nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch của Indonesia, Bandung bé nhỏ khiêm nhường với những người dân của bộ tộc Sudanese. Phần lớn khách lữ hành tìm đến thành phố phía tây Java này, như thể tìm một chỗ trú chân với vị mộc mạc của những con người chưa bị “hiện đại hóa”. Phố thị dọc ngang vài con đường nhỏ, và thật lạ lùng, đường sá chỉ nhỏ nhắn, những căn nhà mái ngói cong khiêm cung tương xứng với con đường, nhưng cây xanh thì lại to cao vạm vỡ, tỏa bóng cả một không gian rộng.

Hàng quán kinh doanh nằm cạnh miệng núi lửa.
Hàng quán kinh doanh nằm cạnh miệng núi lửa.

Bandung đã từng khép cửa trong một thời gian rất dài, khi là thuộc địa của Bồ Đào Nha rồi đến Hà Lan. Đầu thế kỷ XVIII, thời Indonesia còn là thuộc địa của Hà Lan, nhà cầm quyền Abraham van Riebeek đã khám phá ra Bandung, nhưng chỉ cải tạo nơi này thành một đồn điền trồng cà phê. Mãi đến thế kỷ XIX, khi quốc lộ, đường đèo nối liền với thủ đô Jakarta được xây dựng thì từ một làng quê nghèo, Bandung chuyển mình thành một đô thị với nhiều trường học và cả học viện nghiên cứu. Có lẽ vậy nên thành phố này bị ảnh hưởng kết cấu quy hoạch không gian của người Bồ Đào Nha, rồi Hà Lan với cây xanh rợp bóng và núi đồi trập trùng. Trước khi quyết định “xách ba lô lên và đi”, chúng tôi gia nhập Couch Surfing, một tổ chức bạn bè trải dài khắp các châu lục, bất chấp mọi rào cản về địa lý, tôn giáo, màu da, ngôn ngữ. Ekka Restu cùng với Cyndy Belinda, hai Couch Surfer tại Bandung đã không ngại ngần dắt chúng tôi đi mọi ngõ ngách của thành phố cao nguyên, gần đến nỗi hít thở bầu không khí ở một nơi xa lạ bỗng trở nên thân quen. Như tất thảy những người dân Bandung khác, mộc mạc, thân quen, đi đến đâu chúng tôi cũng nhận được những nụ cười mến khách, thân thiện.

Năm 1957, Bandung được cả thế giới biết đến khi tổ chức thành công hội nghị các nước Á - Phi với sự tham dự của 29 quốc gia cùng nhiều nguyên thủ nổi tiếng. Việt Nam cũng là một trong các nước tham dự hội nghị này. Kể từ đó, Bandung được nhắc đến nhiều hơn với truyền thông quốc tế. Và người ta gọi tên Bandung là một “Paris của vùng Java”, bởi sự trong lành, tươi mát của thiên nhiên và không gian sống bình yên. Người Sudanese nơi này không vội vã, cứ khoan thai bước trên những đoạn đường xanh mướt, thong thả trong những bộ phục trang truyền thống của người đạo Hồi, và êm ả cầu khấn ở mọi nơi. Ở Bandung, bất cứ nơi công cộng nào, từ những khu thương mại, học viện đến các địa điểm du lịch, người ta đều dành một không gian linh thiêng cho cư dân theo đạo đến cầu nguyện vào các buổi trưa. Trước khi hành lễ, họ buộc phải tắm rửa thật sạch sẽ. Nên nghiễm nhiên, các nhà vệ sinh công cộng tại những khu vực này đều được người dân ý thức giữ gìn.

Tác giả cùng 2 người bạn Indonesia tại núi lửa Tangkubang Parahu.
Tác giả cùng 2 người bạn Indonesia tại núi lửa Tangkubang Parahu.

Hoa và núi lửa

Người ta vẫn tự hỏi liệu Bandung có làm nên một cuộc thay đổi ngoạn mục về mắt nhìn của nhiều người trên một vùng đất đã từng là thuộc địa? Chỉ đơn thuần là một đô thị cao nguyên, hay thực sự là điểm nhấn của một vùng đất phía tây đang trỗi dậy sau những biến cố chính trị và thiên nhiên. Và Bandung khiến người ta ngạc nhiên về cách thức phát triển của mình. Giành lại độc lập gần một thế kỷ, nhưng chính quyền nơi đây vẫn giữ gìn nguyên vẹn mọi “di sản của kẻ thù”. Từ kiến trúc, quy hoạch, các công trình nghệ thuật, đều được bảo tồn như vốn quý. Cánh đồng hoa Cihidedung, với tulip – thứ hoa được người Hà Lan gieo trồng trên đất Bandung nhắc nhớ họ về cố quốc, vẫn giăng đầy. Hay hoa oải hương, lavender – thứ hoa của quý tộc châu Âu, vẫn trang trọng một góc riêng ở cánh đồng thơm nồng các loại hương. Vì Bandung có một khí hậu khá đặc biệt so với các vùng của Indonesia, khi nhiệt độ quanh năm ở nơi này luôn dưới 180C, mọi sự sinh sôi đều mang nét đặc trưng của vùng đất ôn đới.

Và nhiệt độ này được duy trì ngay cả khi đã đứng trên miệng núi lửa. Tangkubang Parahu – núi lửa vẫn âm ỉ sau gần 40 năm ngưng hoạt động, khói bụi vẫn bốc lên từ sâu thẳm. Nhưng cũng thật lạ, mặc cho mùi sulfur vây bủa, người dân Indo ở khắp mọi nơi vẫn ùn ùn kéo về đây quan chiêm, trong một tâm trạng vừa lo sợ vừa thích thú. Có lẽ vì thế mà Tangkuban Paharu trong ngôn ngữ của người Sundanese có nghĩa là “thuyền lật ngược”. Năm 2012, một đợt xoáy bụi từ Tangkubang Parahu khiến cả Jakarta phủ trong sương bụi. Và tôi hình dung, nếu ai đó cứ một mực khẳng định sương không mùi vị, thì chắc phải thay đổi trực quan của mình, khi đặt chân đến đây. Cả bốn bề núi đặc quánh màu khói. Nhưng cũng như cư dân lao động nghèo ở mọi nơi, bộ tộc Sudanese sống dưới chân núi lửa này, mặc kệ độc hại và hiểm nguy từ miệng núi lửa, ngày đêm bám lấy khu du lịch này để sinh tồn.

Buổi chiều đầy nắng, ở chợ nổi Lembang – một khu chợ trên sông của người Sudanese, tôi thả trôi lòng mình nhấp nhô theo từng đợt sóng nhỏ. Như thấy mình lộng lẫy với tuổi trẻ đầy những chuyến đi mới lạ, đi như để trở về, đi để thấy bình an. Mỗi chuyến đi dạy tôi về trải nghiệm. Như buổi chiều hôm ấy ở Bandung, bạn đường nhắc tôi về ca khúc “I’ve never been to me” của Charlene. Những câu từ, như nhắc về những chuyến phiêu lưu, thật ra, là đi tìm câu trả lời cho cảm xúc của mình mà thôi. “Tôi đã đi tới thiên đường, nhưng chưa từng tới mảnh đất của chính con người mình”. Và cô gái hay trải nghiệm mình trong những chuyến đi, nói với một người làm vợ, làm mẹ rằng, thiên đường, đó chính là đứa trẻ cô đang ẵm, là người đàn ông đã cùng cô cãi nhau nảy lửa sáng nay và cũng là người cô chọn yêu thương mỗi tháng ngày. Nên với mỗi cuộc đời, mỗi chuyến đi chỉ như đoạn đường ta phải tới để đến với tình yêu sâu bền, để thứ cuối cùng còn lại trong đời chính là những người thương bên cạnh mình…

SONG ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bandung, ký ức vương bụi đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO