Mùa thi tốt nghiệp THPT bắt đầu. Mười hai năm đèn sách, đây là thắt nút quan trọng cho chặng đường đời kế tiếp của một thế hệ. Tuy nhiên, mọi thứ đều tương đối. Xét cả một chu trình đời người, 60 năm, như thiên hạ hay bàn, thì đây chẳng hề là cú quyết định sinh - tử.
Ai cũng biết, thi đậu, đủ điểm thi hay xét tuyển đại học, thì cánh cửa tri thức mở ra và sẽ định hình đời sống của người đó sau đại học, nghĩa là thêm 4 năm nữa kể từ ngày thi tốt nghiệp THPT. Nhưng nếu không đậu, thì sao? Có thể đổ vỡ tâm lý, chán chường, lạc lõng, bơ vơ, đại khái là một đống tính từ biểu thị trạng thái cảm xúc tiêu cực, nhưng bảo số phận đến đây là hết, thì cần phải xem lại.
Lớp 12 tư duy đời sống khác đại học. Đại học tư duy khác người đã học và đi làm. Nhưng mọi thứ đều chung quy một điểm: làm chi để sống và nhận thức đời sống trong mối liên hệ với mình và cộng đồng quan trọng hơn cả áo cơm (tất nhiên phải sống, khi bao tử là tiếng nói chính xác nhất).
Không đậu tốt nghiệp, không vào đại học, thì không có nghĩa là mất tất cả. Ai cũng có những cơ hội riêng trong hành trình cuộc đời mình, cho nên xã hội, cha mẹ, đừng gây áp lực với con trẻ. Một bữa tôi chứng kiến người cha rút dây nịt quất thẳng vào lưng đứa con trai đang học lớp 7, rằng kiểm tra có 7 điểm toán thì răng vô trường THPT chuyên. Vô lý quá trong trường hợp này. Không vô trường chuyên thì đã sao chứ? Áp đặt như thế chỉ tạo thêm sự khủng hoảng trong hành trình tiếp cận tri thức.
Xã hội đang vật lộn với căn bệnh háo danh, thành tích, và đáng sợ hơn là căn bệnh này trở thành bối cảnh tạo ra những cơ chế, chế định này nọ trong dùng người, chọn người. Căn bệnh này đang giết dần sự minh định trong chọn lựa thái độ sống, làm việc, tiến thân, cạnh tranh. Cánh cửa cho người thực tài là khe cửa hẹp.
Bằng cấp xét cho cùng chỉ là chứng nhận cho một loại phương tiện để một người có thể làm việc. Năng lực thực sự mới quyết định khả năng làm việc, hiệu suất công việc, hàm cả trong đó phẩm chất của họ. Thế nhưng, có nhiều người “đam mê” bằng cấp đến nỗi không chịu nghĩ ngợi, đôi khi những tấm bằng đó giúp ích như thế nào cho công việc hiện tại.
Tôi dự một cuộc họp, người chủ trì nói về giáo dục, bỗng nghiêm giọng: “Tôi đây, thưa các anh chị, tôi tốt nghiệp bằng đỏ, thưa các anh chị, bằng đỏ nghen, ba má tôi vui lắm”. Nói đến đây là dừng.
Cả đám chưng hửng, ủa, kể ra làm chi chứ, đỏ - đen chi cái thời tuổi 20, bây giờ 50 rồi, tôi đang cần ông bà với tư cách là người đứng đầu, quyết ngay công việc hôm nay, tuần nay cho đúng hướng, chính xác điều thực tế đang cần.
Xung quanh ta, bao nhiêu người tài giỏi, hãy hỏi họ, từ ngày tốt nghiệp ra trường đến giờ, có ai hỏi đỏ - đen không? Có cơ quan tổ chức nào căn cứ đỏ - đen đó mà trao đặc quyền cho họ suốt cả đời không? Bao nhiêu người quyền cao chức lớn, nắm giữ những vị trí trọng yếu từ cơ sở đến trung ương, bằng cấp phủ kín người, nhưng hãy nhìn vào đơn vị, cơ quan họ đã làm việc ra sao, bản thân họ có chi hơn một người tốt nghiệp bình thường, làm việc bình thường không?
Dao nhíp để cắt ngọn rau, mổ cau, dao phay chặt xương, dao lỡ xắt chuối, còn thần sấm thần sét mới có búa rìu để mổ rồng. Cái chi ra cái nấy, làm đúng khả năng mình, chính là an vui, là tri túc, chứ đừng bày đặt “Sát long chi bối” (dùng dao mổ rồng) như truyện ngụ ngôn cao viễn của Trang Tử.