Ở Cha’lăng (xã Ch’ơm, Tây Giang) không khí như được lọc thật kỹ. Thi thoảng có tiếng xe máy vội vã ngang qua gươl, rồi thôi, nhường chỗ cho im ắng, dù bây giờ là chiều, mọi người đã đi rẫy về.
Sáng, từ trên gươl nhìn xuống, như lặp lại một điều bao sáng tôi đã thấy, lạ lắm, hình như sáng sớm đàn ông biến mất đi đâu đó, chỉ thấy những dáng đàn bà địu con hay túm lại xì xào...
Đêm qua, họ cũng ngồi mời khách uống tà đing ngọt lừ, lặng lẽ chỉ trỏ rồi che miệng cười, và trong phút khách lơ đãng, họ biến khỏi chân cầu thang, để sáng sớm, khi lũ đàn ông còn khật khừ với trận rượu tưng bừng qua giờ Tý, thì bếp nhà sàn đã tỏa khói. Tất nhiên là chính họ không ai khác, đang quỳ gối chụm mặt vào lửa để nấu cơm dằn bụng mà đi rẫy…
1. Mát lạnh, hơi se se, thật trong, như thể đọc được từ xanh thẳm kia điều gì đó mà ở đồng bằng không hề thấy. Thấy được cả ngọn Tà Xiên thật gần đang phơi trong mây.
Anh Ri’ah Nhó - Trưởng hội Nông dân thôn nói: “Đi bộ lên tới đó là 4 giờ, mà phải đi cho giỏi”. Trên đó còn xác máy bay L-19 bị bắn rơi thời chiến tranh. Đi bộ, tất nhiên, chứ đường xe pháo làm chi có.
Tôi cố nhớ con đường 12 năm trước đã đi theo cái khoát tay của anh Briu Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tây Giang, mà chịu. Lần đó, chúng tôi theo chân lãnh đạo huyện đi khảo sát khu tái định cư cho 4 thôn của Ch’Ơm. Hơn 10 năm, đất sạt, đá lở, cây rừng đã phủ, làm sao nhớ nổi. Anh Quân nói rằng, lúc anh em mình đi, chưa có chuyện làng chạy lần hai.
Chậm rãi và rành rọt, già Bh’ling Briu nói rằng: “Lúc đó à, chú đang làm chủ tịch xã. Phải đi thôi, bởi sét đánh chết 2 con trâu nằm dưới nhà sàn và một người, nó là anh ruột của Bh’ling Đắt - Chủ tịch MTTQ xã bây giờ, cũng là cháu ruột chú. Bà con sợ lắm, hồi mô tới chừ có thấy rứa mô, vết thương không thấy, mà chỉ thấy toàn thân lỗ chỗ những chấm đen”.
Sét đánh liên tục, không ngừng, nhất là sau tết. Thế là chạy qua thôn Réh. Khổ cho cái thôn này, qua đó được mấy năm, lại sạt lở…
Nghe anh Quân nói, huyện quyết định cho trở lại chốn cũ, có người không ưng, nhưng không thể khác, bởi tìm đâu ra mặt bằng. Nhập hai thôn Z’rượp và Réh lại thành Cha’lăng. Trở lại chốn cũ, cách chỗ sét đánh chết người một cái đồi nhỏ. Hơn 60 hộ, lấy tiền đâu ra?
“Mỗi hộ được Ủy ban MTTQ huyện hỗ trợ 40 triệu đồng, huyện san ủi mặt bằng, làm xong, trồng 5 cột thu lôi. Vận động bà con ráo riết, họ chấp thuận rồi hăng hái làm thôi, bởi hiểu khó khăn và quyết tâm của chính quyền, nếu mình không ở bên cạnh họ, thì khó lắm…”. Lời anh Quân tha thiết.
Ba lần dịch chuyển làng, nào có dễ dàng chi. Lần cuối là sau bão lụt 2021. An cư tại đây, san đồi, mở cái nhìn khoáng đạt, mà trên cao nhìn xuống, cả cái làng như ly rượu được rót lưng chừng…
Hai con đường nội bộ trong thôn, san sát nhà làm gỗ, rất đẹp và rất sạch. Tiếng loa vang lên: “Thanh niên ai sáng nay không đi rẫy thì tập trung làm bếp gươl”. Gươl to thật, bóng láng, họa tiết chưa kịp làm. Thú thiệt, lâu rồi tôi mới thấy mái gươl lợp tranh dày mo, no con mắt, không có kiểu lợp tôn ngang phè, lạc lõng.
“Nhà nước không cho lấy gỗ, nhưng ở rừng, làm nhà không gỗ thì lấy chi làm, phải đi thật xa ra bên kia núi” - Bh’ling Tình - Bí thư chi bộ thôn, nói.
2. Muốn tới được Cha’lăng thì phải qua trung tâm xã, và cách thôn Cha’nốc một quãng đường không dài. Ô tô tới được đây, nhưng cánh cửa mở cho đời sống khá hơn, không dễ.
Anh Tình cho hay, có tới 46/84 hộ nghèo. Ở đây trồng đảng sâm, nhưng giá cả trồi sụt từ 30 - 200 ngàn đồng/kg, do các hiệu tạp hóa quyết định. Chăn nuôi không có, vì thường xảy ra dịch.
“Biện pháp phòng ngừa, có được dạy không?”. Những cái lắc đầu trả lời tôi. “Có, nhưng ít lắm và chậm”. Lúa, bắp, gừng, sắn, sâm, có hết, nhưng như bao bản làng hút tắp vùng cao, đầu ra là một câu hỏi lớn mà câu trả lời còn lang thang đâu đó. Bà con có ai muốn đói đâu, nhưng kèm thêm nỗi thời tiết khắc nghiệt, mưa làm sạt lở, hư hại hết.
Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Nguyễn Văn Lượm cho hay là huyện đang làm đường nối Cha’lăng và Cha’nốc dài hơn 10km, xây dựng vùng nguyên liệu cây đảng sâm ở đó. Ch’ơm là xã hiếm hoi ở khu 7 trồng đảng sâm.
“Không ai thu mua tập trung là thiệt thòi, nhưng chừ cũng đỡ rồi, có tạp hóa mua, thì cứ coi là mình bắt đầu sản xuất hàng hóa, chứ mấy năm có ai mua đâu” - giọng anh Tình bâng khuâng.
Ông Briu nhớ, rằng chừ có đường rồi, hy vọng sẽ đỡ, chứ hồi ông còn làm ở xã, đường sá làm chi có. Bà con làm không đủ ăn, cứ chạy dời làng, vừa lo đói, vừa sợ, làm cán bộ như ông, nói thiệt khổ còn hơn bà con, bởi gánh trách nhiệm lớn. Tôi, hôm qua lấy làm lạ, là hỏi lãnh đạo thôn cho tôi vài thông tin đời sống, làm ăn, học hành, mấy cán bộ nhìn nhau, để rồi người nói là ông Briu.
Thoáng ngay trong tôi rằng, ông là “thái thượng hoàng” ở đây, từng trải, uy tín, có tiếng nói nặng ký. Lớp trẻ có thay ông đi nữa, nhưng họ nhường lời cho ông nói trước. Hình như đó là quy ước bất thành văn hay sao?
Một kiểu kính lão đắc thọ, tôn trọng già làng như là phép ứng xử không mất ở chốn này. Con số tốt nghiệp đại học cứ dài ra, và họ nói ở đây ham học lắm, từ cái thời còn huyện Hiên kia, họ đi bộ xuống học, cha mẹ gùi gạo muối theo con. Ch’ơm cũng là xã góp cán bộ dưới huyện rất nhiều. Các chi hội trưởng ở đây phần lớn đã tốt nghiệp đại học.
3. Mùa mưa ở đây, theo anh Quân, lúc lạnh nhất là 9 độ. Tôi ngồi uống rượu với họ, ly làm bằng ống tre, sóng sánh không ngừng tà đing. Tôi nhớ năm đó, ở Đồn biên phòng A Xan, hình như tháng 11 thì phải, lạnh thấu xương, thêm ngựa ở đồn biên phòng không ngừng hí, ngủ không được, nghĩ tới những người lính biên tái trong thơ Đường của Cao Thích, Sầm Tham.
Còn ở đây, là bà con. Họ đón tôi, để ý, những cái bắt tay rất nhẹ mà ấm, có chút rụt rè. Không vội vã, không lạnh nhạt, không vồ vập, cũng chẳng nghi ngờ, kiểu của những người… biết đủ. Đó là tôi nghĩ, và một đêm ngồi với họ, tôi chợt hiểu cái bắt tay như ánh mắt kia.
Alăng Thị Tre - Chi hội trưởng phụ nữ, nói như muốn giấu nước mắt: “Cháu học như người ta, học đêm học ngày, thành tích học giỏi, nhưng thi không đậu trường nội trú dưới Hội An. Thôi cái số cháu mất học giữa chừng”.
Nói được câu đó, rõ là ham học lắm, và tôi nhận được cái gật đầu liên tục từ Tre, là ở đây đã có sóng di động, điện thoại thông minh, ti vi, nhà nào cũng có, thì hãy học đi, internet không biên giới mà, đại học cũng chỉ là một cánh cửa.
Tuổi trẻ hãy nhìn lên. Mà lạ, tôi hải hồ không ít, lần thứ 2 gặp một người mà khi nói cứ ngước nhìn lên, là Tre. Tôi nói với Tre điều đó, rằng hãy vượt lên, đứng lại là thụt lùi. Tre dạ, rồi ngước nhìn lên, vẫn không giấu chút bâng khuâng trong mắt.
Có đường, có điện thoại, đời sống dân trí chốn hẻo lánh này không… hẻo lánh nữa, nhưng nỗi bâng khuâng như mây Tà Xiên khi nắng lên không chịu tan đi. Tôi nhớ lời Tre, là cháu muốn đi học. Tôi nghĩ, nó như lời của bao người Cha’lăng lành hiền, kham khó, tốt bụng đến mức trên cả tốt bụng (làng có khách, ai có chi mang tới đãi, cán bộ mặt trận ghi sổ, cuối năm tổng kết, nhà nào nhiều nhất là được biểu dương, khen thưởng).
Nhưng chỉ mình họ, không dễ. Bạn đồng nghiệp đi cùng hỏi, sao phụ nữ, thanh niên không lập tổ sản xuất, gom nguyên liệu về một đầu mối, tìm chỗ giá cao mà bán, khi bây giờ đường từ đây về trung tâm huyện quá thuận rồi? Đáp lại là… bâng khuâng im lặng.