Băng tan rất nguy hiểm ở Nam Cực

NAM VIỆT 19/05/2015 10:25

Hôm qua (18.5), các nhà khoa học Mỹ công bố kết quả nghiên cứu cho thấy hiện tượng băng tan ở Nam Cực diễn ra rất nhanh và nguy hiểm.

Trong đó, đáng chú ý là một trong những phần còn lại của thềm băng ngầm Larsen B của Nam Cực với ít nhất 10 nghìn năm tuổi, có thể sẽ tan chảy và biến mất hoàn toàn vào cuối năm 2020. Đây là công trình nghiên cứu qua hình ảnh được chụp từ thiết bị vệ tinh của phòng thí nghiệm Jet Propulsion, thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ở Pasadena, bang California do nhà khoa học Ala Khazendar làm trưởng nhóm.

Thềm băng ngầm Larsen B thuộc dạng lớn nhất nhì tại Nam Cực, bắt đầu tan chảy vào năm 1995. Larsen B đo được 11.512,5km2 vào tháng 1.1995, sau đó giảm xuống còn 6.664km2 do tan chảy nhanh, tiếp tục giảm xuống còn 3.462,8km2 và hiện nay, tàn dư của Larsen B chỉ vào khoảng 1.600km2. Các thềm băng ngầm đặc biệt nhạy cảm với khí quyển ấm lên và những biến đổi nhiệt độ của đại dương.

Các nhà khoa học lý giải, các thềm băng ngầm vốn là sự mở rộng của các sông băng và có chức năng như là rào chắn. Do vậy, khi các tảng băng này biến mất cũng đồng nghĩa với việc gây nên hiện tượng mực nước biển dâng cao, nguy cơ nhấn chìm nhiều quốc gia, nhiều khu vực. Ala Khazendar nói trong buổi họp báo hôm qua (18.5): “Những hình ảnh chụp được từ vệ tinh vào năm 2002 và năm 2012 cho thấy, Nam Cực xuất hiện rất nhiều tảng băng bị vỡ vụn, tách ra từ thềm băng ngầm Larsen B. Đó là dấu hiệu cho thấy Larsen B đang tan chảy rất nhanh, gây nên các hiện tượng cực kỳ nguy hiểm cho hành tinh của chúng ta”.

Tương tự, nhà khí tượng học Eric Holthaus của tạp chí khoa học Slate nói, hiện tượng tan chảy ở thềm băng ngầm Larsen B được đưa ra ánh sáng vào năm 2002, khi đó chỉ trong 6 tuần, các nhà khoa học rất ngạc nhiên và không thể tưởng tượng được bởi tốc độ tan chảy của những tản băng trôi từ Larsen B diễn ra quá nhanh và biến mất sau đó. Hiện mỗi ngày có 4 - 5m sông băng tan chảy trôi ra biển.

Như vậy, không chỉ diễn ra “đầy kịch tính” ở Bắc Cực như các công bố trước đây mà hiện tượng tan băng đang diễn ra rất nguy hiểm ở Nam Cực và ở rất nhiều khu vực trên trái đất như tại các sông băng phần cực bắc Canada, tiểu bang Alaska (Mỹ), phía nam dãy núi Andes (Nam Mỹ), dãy núi cao thứ hai thế giới và Himalaya.

Trước diễn biến trên, các nhà khoa học Pháp trong tháng 4 vừa qua đề xuất một dự án lập “ngân hàng” để lưu trữ các mẫu băng hà cho những thế hệ tương lai. Chuyến đi đầu tiên sẽ vào mùa xuân năm 2016, với một ê - kíp làm việc trong khoảng 20 ngày, để lấy các mẫu băng hà tại vùng đèo Dôme, khu vực núi Mont-Blanc, ở độ cao 4.300 mét. Đây là một địa điểm tương đối dễ tiếp cận bằng trực thăng. Ngân hàng này theo dự kiến sẽ được xây dựng ở vùng Nam Cực, cụ thể là tại căn cứ Concordia của Pháp - Ý, nơi mà nhiệt độ lạnh tới - 35°C. Những mẩu băng này được xem như những chỉ dấu của biến đổi khí hậu và phục vụ cho công tác nghiên cứu.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Băng tan rất nguy hiểm ở Nam Cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO