Từ củ khoai lang do chính người dân địa phương trồng, chị Trịnh Thị Nở (thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) đã chế biến thành những chiếc bánh bao đẹp mắt và nhiều dinh dưỡng.
Từ lâu, củ khoai lang đã được trồng trên vùng cát của vùng đông Thăng Bình. Tại xã Bình Triều, loại cây này có diện tích sản xuất tương đối lớn. Trồng nhiều nên nông dân thường rơi vào cảnh được mùa mất giá. Xuất phát từ thực tế ấy, chị Trịnh Thị Nở đã tìm tòi và nghiên cứu cách chế biến bánh bao từ củ khoai lang.
Chị Nở kể, năm 2016, chị được Hội LHPN xã Bình Triều giới thiệu học cách làm bánh bao do Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm Đà Nẵng tổ chức. Sau 3 tháng học nghề, chị nghĩ tới việc sử dụng củ khoai lang làm nguyên liệu chính cho bánh bao. Thế nhưng để làm ra một chiếc bánh bao thì trải qua khá nhiều công đoạn và hoàn toàn bằng thủ công. Nếu mỗi buổi sáng để làm ra 100 bánh bao thì cả đêm hôm trước, thậm chí ngày trước, chị Nở phải thức trắng để rây mịn và nhào bột khoai lang. Nhận thấy công việc làm bánh bao từ củ khoai lang quá vất vả, chị Nở không theo đuổi ý tưởng này.
Sau nhiều năm không tơ tưởng gì đến củ khoai lang truyền thống, cuối năm 2019, chị Nở mạnh dạn vực dậy công việc làm bánh bao từ củ khoai lang. Vẫn theo cách thủ công truyền thống, những chiếc bánh bao được bán tại mỗi buổi chợ hay bỏ cho các đám tiệc, chị Nở đều phải thức suốt đêm để hì hục làm ra.
Theo chị Nở, câu chuyện làm bánh bao từ củ khoai lang vẫn cứ thôi thúc trong chị. Vậy nhưng khi hỏi thăm vài nơi, nhiều người cho hay, chi phí đầu tư hệ thống làm bánh bao tương đối lớn. Nếu đầu tư mà không thành công thì dễ mất trắng. Quyết định theo đuổi công việc này, đầu năm 2020, chị Nở đã vay mượn nhiều nơi đầu tư gần 100 triệu đồng để mua hệ thống máy làm bánh bao bằng khoai lang. Cụ thể, khoai lang sau khi được thu mua tại các hộ dân, chị đem về rửa sạch, gọt vỏ rồi cho vào máy hấp. Khi khoai chín, tiến hành cắt thành miếng nhỏ đưa vào hệ thống máy sấy khô. Khoai khô tiếp tục máy thành bột mịn.
Chị Nở cho hay, muốn làm bánh bao thì bột khoai lang phải đem trộn với một lượng bột mỳ, bột nở vừa phải để có độ kết dính. Nhân chính của bánh bao khoai lang gồm có nhân chay và nhân mặn. Nhân chay làm từ các loại đậu, dừa, nấm hương, đậu xanh, bí đỏ, bí đao; còn nhân mặn gồm thịt, trứng, mộc nhĩ...
Chị Nở cho biết, hiện tại mỗi ngày chị bán ra thị trường hơn 100 chiếc bánh để làm thức ăn sáng với giá 5.000 đồng/chiếc nên rất phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Cùng với đó, bánh bao khoai lang cũng đã có mặt tại các buổi tiệc trà của các gia đình. Ngoài ra, bột của khoai lang có thể làm trà sữa hoặc thức uống rất bổ dưỡng. Mỗi tháng chị Nở tiêu thụ khoảng 2 tạ bột khoai lang. Để có nguồn nguyên liệu làm bánh, bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4, chị trực tiếp xuống tận nhà các hộ dân để thu mua khoai lang. Nhờ vậy, bà con không phải vất vả để tìm mối bán cho thương lái.
Chị Ngô Thị Thảo - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Triều cho hay, bánh bao khoai lang của chị Nở được chế biến từ các nguyên liệu thu mua trực tiếp của người dân địa phương, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mô hình này đã được Hội LHPN huyện Thăng Bình công nhận đạt giải ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2020.