Các cơ sở sản xuất cá bánh đường tẩm gia vị phần lớn đặt tại Thăng Bình (Chợ Được lắm cá nhiều tôm…), Duy Xuyên (Mua tôm, mua cá đi chợ Trung Phường…), bởi các huyện vùng đông bắc Quảng Nam có nguồn cá dồi dào, thuận lợi cho việc kinh doanh chế biến. Hiện nay, sản phẩm cá bánh đường được các cơ sở sản xuất xuất khẩu ra các nước trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Cá bánh đường sau khi lóc bỏ xương, phần còn lại là nguyên liệu chính đưa vào chế biến. Nguyên liệu được tẩm ướp các loại gia vị: đường, muối, dầu phụng, tiêu, tỏi..., khi cá thấm đều các loại gia vị mới đổ vào khuôn đúc. Khuôn làm bằng cao su, nắp ép có hai lỗ hình bầu dục. Cá được ép chặt xong, người thợ dùng tấm ni lông cán phẳng lên rồi úp mặt khuôn lên khung lưới, những bánh cá xinh xắn rời ra. Kiểm tra, nếu phát hiện bánh nào bị rỗ (thịt không đủ) người thợ sẽ cho trám mặt bằng thịt cá đã xay nhuyễn. Sau đó, các khung lưới đầy những bánh cá được đem ra phơi nắng trên khoảng sân rộng. Bánh cá vàng ươm ánh lên trong nắng. Những ngày không được nắng, bánh cá tiếp tục được đưa vào lò để sấy khô.
Cá bánh đường có hương vị ngọt thơm và béo. Mỗi ngày các cơ sở gia công chế biến từ 700 - 800kg cá, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương lúc nông nhàn với khoản thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng/người. Khi sản phẩm hoàn thành khâu đóng gói, ngoài xuất khẩu, các cơ sở còn cung cấp cho các đại lý bày bán ở quầy chợ, cửa hàng, siêu thị sẽ là lựa chọn ưa thích của khách hàng trong dịp tết đến xuân về.
Nhắm tí bánh cá đường nướng, nhấp chút rượu nồng mới thấy không đâu đậm đà hơn hương vị quê nhà xứ Quảng.
Cá được ép thành bánh trong những khuôn đúc bằng cao su, mỗi khuôn có hai lỗ hình bầu dục. |
Bánh cá được xếp lên các khung lưới. |
Phơi bánh cá. |
Trám thêm thịt cá đã xay nhuyễn vào những bánh cá bị rỗ. |
Lao động ở các cơ sở chế biến hầu hết là phụ nữ. |
Sấy bánh cá. |
ANH TUẤN