Cuối năm về Kế Xuyên (Bình Trung, Thăng Bình), xen trong cái se lạnh, hình ảnh từng đòn bánh tét, bánh chưng được vớt lên từ những chiếc nồi nghi ngút khói, chừng như tết đang rất gần. Mùi lá chuối, nếp, thịt quyện vào nhau tỏa ra ấm áp, góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống của tết cổ truyền...
Vợ chồng Ngô Văn Nguyện và bà Trương Thị Thanh Toàn là một trong những hộ làm bánh tét, bánh chưng thường niên và lâu năm có tiếng của làng Kế Xuyên (thôn Kế Xuyên 1, xã Bình Trung, Thăng Bình).
Khoảng 2 giờ chiều là thời điểm bắt đầu công việc gói bánh tét, bánh chưng cho đến 11h đêm mới kết thúc. Công việc ấy cứ kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Mỗi năm, ông Nguyện, bà Toàn chỉ nghỉ ngơi duy nhất vào mùng Một tết âm lịch.
Từ ngày 20 tháng Chạp trở đi, ngoài hai vợ chồng ông Nguyện, còn có 3 lao động phụ thêm mới có bánh đủ bán.
Bà Toàn kể, nghề làm bánh tét, bánh chưng gắn với bà khoảng 9 năm trước. Thời điểm đó, bà cùng với người chị gái chuyên làm bánh tét, bánh chưng, bánh ít lá gai và cả xôi để bán và bỏ mối hàng ngày. Từ 5 năm trở lại đây, do điều kiện gia đình nên bà làm riêng tại nhà.
Theo bà Toàn, muốn làm bánh tét hay bánh chưng ngon phải chuẩn bị nhưn thật kỹ. Đối với bánh tét thì dùng nhưn đậu xanh đã nấu nhuyễn có trộn gia vị. Còn với bánh chưng, ngoài nhưn đậu xanh còn phải có thịt heo.
Thịt sau khi đã đặt mua ở chợ đem về rửa sạch, ướp gia vị cho thấm. Ngoài việc chọn nếp, đây là khâu quan trọng để có hương vị bánh riêng, chinh phục người tiêu dùng.
Giá bánh chưng tùy loại, dao động từ 5.000 đồng - 30.000 đồng/cái. Bà Toàn cho hay, bình quân ngày thường bà nấu bán ít nhất 40 đòn bánh tét, cả trăm bánh chưng và 200 - 300 bánh ít lá gai.
Đặc biệt các ngày rằm lớn như tháng Bảy, rằm tháng Mười, Tết Đoan Ngọ, đặc biệt là Tết Nguyên đán, lò bánh nhà bà nấu hàng nghìn loại nhưng vẫn hết hàng.
Ông Ngô Văn Nguyện chia sẻ: “Những ngày thường, bánh tét hay bánh chưng của gia đình tôi được làm ra từ loại nếp thơm ngon của địa phương. Tuy nhiên vào dịp tết như thế này, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, nguồn gạo nếp của địa phương không đủ cung cấp nên gia đình phải nhập nếp từ Lào về để làm bánh. Hiện nay, hàng trăm khách hàng đặt hơn 1.000 đòn bánh tét. Điều quan trọng nhất của khâu nấu bánh là canh lửa. Lửa nấu bánh không quá to, cũng không quá nhỏ để cho chiếc bánh được chín đều. Theo đó, bánh tét được nấu trong thời gian 6 tiếng, còn với bánh chưng khoảng 4 tiếng. Dù dịp cao điểm hay ngày thường, gia đình tôi luôn chú trọng chất lượng để giữ thương hiệu, giá cả hiện nay là 25.000 đồng/đòn bánh tét”.