Những ngày này, người dân Núi Thành quê tôi lại rộn ràng làm bánh củ gừng. Trong đó, làm bánh lâu năm và ngon nhất là chị em cụ Phan Thị Liên (xã Tam Mỹ Đông). Cụ Liên bảo, bánh củ gừng là biểu tượng của sự thủy chung, hòa hợp, giống như tình cảm gắn bó của chị em cụ vậy.
Hàng chục năm qua, chị em cụ Liên gắn bó với công việc làm bánh. |
Nhà cụ Liên (79 tuổi) đã qua nhiều đời làm bánh củ gừng. Lúc đầu bánh củ gừng có hình dạng đơn giản, về sau cụ Liên và người chị chồng - cụ Võ Thị Nhi (95 tuổi) đã mày mò “thiết kế” kiểu dáng mới trông đẹp mắt hơn. Kể từ ngày đất nước giải phóng, hình ảnh chiếc bánh củ gừng đẹp mắt được làm ra từ đôi bàn tay của hai chị em có mối quan hệ chị chồng - em dâu đã trở nên quen thuộc với người dân huyện Núi Thành. Năm 1975, sau khi chồng mất, cụ Nhi đưa các con về ở cùng vợ chồng em trai (vợ chồng bà Liên). Từ đó tới nay, chị chồng - em dâu đùm bọc, nương tựa lẫn nhau mà nuôi con, nuôi cháu ăn học thành người. Bà con chòm xóm vẫn tấm tắc khen ngợi vì gần 40 năm nay chị dâu em chồng ở chung một mái nhà, cùng làm, cùng ăn nhưng chưa một tiếng nặng nhẹ với nhau.
Mỗi chiếc bánh củ gừng được tạo thành từ 16 dây bột hình chữ S. Ảnh: THIÊN NGA |
Cụ Liên bảo, bánh củ gừng là biểu tượng của sự thủy chung, hòa hợp, giống như tình cảm gắn bó của chị em cụ. Để có được những chiếc bánh củ gừng thơm ngon, hai cụ phải trải qua 5 công đoạn: ngâm - xay bột, ép bột - trộn trứng, nắn tạo hình chiếc bánh, chiên, nhúng đường - rắc mè. Theo cụ Liên, bánh củ gừng không kén chọn loại nếp, nhưng để có nguyên liệu đúng chuẩn, nếp phải được vo thật sạch, ngâm nước khoảng 2 tiếng đồng hồ rồi xay nhuyễn, sau đó bỏ vào túi vải bòng (ép) cho ráo nước. Bột được ép khô cho vào thau rồi đập trứng bỏ vào (mỗi ký nếp cho khoảng 3 quả trứng vịt hoặc trứng gà) trộn nhuyễn. Sau đó, nắn bột thành những hình chữ S nhỏ khoảng 3cm. Mỗi bánh được tạo thành từ 16 chữ S nhỏ trắng mịn trên nền lá chuối xanh. “Chữ S chính là khắc họa dáng hình đất nước Việt Nam mình, được đặt trên màu xanh của lá chuối chính là điều tôi mong đất nước mình luôn hòa bình, xanh tươi” - cụ Liên chia sẻ. Sau khi hoàn tất các công đoạn còn lại, bánh được bỏ vào túi bóng cột kín để bảo quản được lâu và giữ được độ giòn. Cụ Liên cho biết, một ký nếp làm được 15 chiếc bánh, mỗi chiếc có giá 8.000 đồng. Bánh gừng dù mộc mạc nhưng hấp dẫn bởi hương vị thơm lựng của nếp và hạt mè, ngọt ngào của đường, giòn tan pha lẫn vị béo của dầu. Bánh củ gừng của hai cụ luôn đắt khách mỗi dịp tết đến xuân về nên thời gian này mỗi ngày hai cụ làm đến hơn 200 chiếc.
Như lời cụ Liên đã nói, bánh củ gừng biểu tượng của sự thủy chung, hòa hợp, và càng quý biết bao khi chúng được làm ra từ những đôi bàn tay của mối tình chị chồng - em dâu mặn nồng.
THIÊN NGA