Bánh cuốn "Hai Nga"

D.LỆ - NG.ANH 25/02/2015 09:14

Sau 4 năm làm việc tại TP.Hồ Chí Minh với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng nhưng anh Nguyễn Đông Nhựt (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) đã quyết định quay về quê và xây dựng thương hiệu  bánh cuốn đa nem “Hai Nga” do chính mình làm chủ, tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Tốt nghiệp ngành kiến trúc Trường Đại học Văn Lang (TP.Hồ Chí Minh), anh Nguyễn Đông Nhựt may mắn tìm được công việc đúng chuyên ngành với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhưng với mức sống đắt đỏ ở thành phố, anh Nhựt đi làm vài năm cũng không thể giúp cha mẹ trả hết những khoản nợ vay cho anh đi học. Một quyết định táo bạo của anh Nhựt khiến nhiều người ngăn cản nhưng anh vẫn quyết tâm làm, đó là quay về quê và tìm một hướng đi khác. Về quê, anh Nhựt đối mặt với nguy cơ thất nghiệp vì khó tìm việc làm, nhưng anh không nản chí. Những ngày ở gần gia đình, thấy nghề bánh tráng mà gia đình anh đang làm có thu nhập ổn định song chưa có sự đầu tư đúng hướng, năng suất và thu nhập còn hạn chế. Anh Nhựt liền nghĩ đến việc mở rộng cơ sở, đổi mới hướng sản xuất bánh tráng từ thủ công đến hiện đại hơn, từ nhỏ lẻ đến quy mô lớn hơn.

Cơ sở sản xuất bánh cuốn đa nem “Hai Nga” giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương. Ảnh: L.A
Cơ sở sản xuất bánh cuốn đa nem “Hai Nga” giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương. Ảnh: L.A

Tận dụng kinh nghiệm hiểu biết từ nghề bánh tráng thủ công, cùng với điều kiện đất vườn rộng rãi, thuận tiện cho việc phơi bánh. Đầu năm 2014, được sự tư vấn và hỗ trợ 50% nguồn kinh phí từ Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình, cộng thêm vốn vay mượn bà con, anh quyết định đầu tư máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng sản xuất bánh cuốn đa nem với tổng kinh phí 340 triệu đồng. Cuối tháng 4.2014, anh Nhựt được tham gia một chuyến tham quan mô hình tại các tỉnh phía Bắc để học hỏi kinh nghiệm. Là một người trẻ, lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên lúc đầu anh gặp phải không ít khó khăn từ vấn đề bảo quản, phân phối sản phẩm, vận hành máy móc… dù đã qua không ít lần đi học tập kinh nghiệm, nhưng không thể làm giống được với các mô hình. Bánh tráng ra hư rồi bỏ đi gây thiệt hại lớn, nên để giảm bớt thiệt hại từ số lượng bánh tráng bỏ đi, anh đã quyết định đầu tư nuôi 40 con heo chuồng. Lối thoát này giúp anh Nhựt vừa không bỏ bánh tráng lãng phí, vừa có thêm nguồn thu nhập. Nhưng theo như anh Nhựt tâm sự, có nhiều lúc, số bánh hư phải bỏ đi nhiều đến mức 40 con heo cũng không thể ăn hết.

Anh Nhựt không nản chí, bám lấy nghề, từ thất bại tự đúc kết kinh nghiệm, và với quyết tâm “dám nghĩ dám làm”, cơ sở của anh đã đi vào hoạt động ổn định và đem lại mức thu nhập khá. Ban đầu, anh Nhựt chỉ dám thuê 3 đến 4 lao động, mỗi ngày sản xuất khoảng 50kg gạo, đến nay số nhân công đã tăng lên 15 người, trung bình mỗi ngày chế biến tới 100kg gạo. Thương hiệu bánh cuốn đa nem “Hai Nga” đã vươn ra nhiều nơi trong địa bàn tỉnh như Tiên Phước, Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ… Năm 2015 này, anh Nhựt đã tìm được đầu ra và sẽ mở rộng thị trường ra các vùng lân cận như Đà Nẵng, Kon Tum.

Quyết tâm của anh Nhựt không chỉ giúp chính gia đình và bản thân có thu nhập ổn định, anh còn tạo ra công ăn việc làm cho nhiều nhân công nhàn rỗi tại địa phương. 15 lao động làm việc với mức thu nhập trung bình khoảng 100.000 đồng/ngày. Tùy theo công suất làm việc, chế độ làm tăng ca và nhận bánh về nhà để đóng gói vào buổi tối nên mỗi nhân công có thể kiếm được 200.000 đồng/ ngày. Vào những dịp lễ tết, cơ sở của anh Nhựt chế biến gần 200kg gạo/ngày, tăng công suất làm việc lên gấp đôi mới đủ bánh cung ứng cho bạn hàng ở nhiều nơi. Số nhân công lên đến gần 20 người và phải tăng ca vào buổi tối.

D.LỆ - NG.ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bánh cuốn "Hai Nga"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO