Bánh in bột nếp

THANH LY 31/01/2016 09:25

Một chiều gần tết, đi chợ đã thấy hàng quán bày bán các loại bánh trái, tôi lại nhớ về một thời tuổi thơ gắn liền với món bánh in nơi quê nhà. Đấy là những năm thập niên 80, cuộc sống của người dân xứ Quảng cũng còn lắm chật vật, bộn bề khó khăn. Giai đoạn này, vào ngày lễ, tết để mua được những loại bánh kẹo bắt mắt thì thật xa xỉ. Thế nên, với tôi cũng như bao đứa trẻ quê khác, những ngày giáp tết được quanh quẩn bên mẻ mứt dừa, bên thau bột làm bánh in, nhất là những lúc mẹ cho nhâm nhi những chiếc bánh in thử khuôn chưa được nguyên vẹn hình dáng là niềm vui sướng tột cùng của tuổi thơ.

Những chiếc bánh in xinh xắn – món ngon truyền thống trong dịp tết người Quảng Nam.
Những chiếc bánh in xinh xắn – món ngon truyền thống trong dịp tết người Quảng Nam.

Ở quê tôi, ngày tết nhà nào cũng làm bánh in. Có lẽ một phần từ lâu bánh in đã là món bánh truyền thống nên không thể thiếu trên bàn thờ ông bà, tổ tiên cũng như mời khách trong mấy ngày tết.

Để làm được mẻ bánh in thơm ngon, giữ nguyên hương vị phải chuẩn bị khá công phu từ khâu chọn bột. Bột làm bánh in là bột nếp dẻo, trắng tinh đã xay mịn. Mỗi lần làm bánh mang bột nếp trộn với bột năng rồi đi phơi sương, sau đó cho bột vào bao cột kỹ, cứ 3 lần phơi sương như thế, bột sờ vào mát mịn cả da tay và khi làm bánh bột dễ kết dính, bánh in ra lại mịn và đẹp.

Tiếp tục rang bột với lá dứa, chọn khóm lá dứa xanh tươi nhất, rửa sạch  cắt đoạn ngắn, cho vào chảo cùng với bột, rang nhỏ lửa (nếu rang với lửa quá lớn thì bột dễ bị cháy khét, bột ngả màu vàng lại mất đi hương thơm tự nhiên của nếp). Tay đảo đều cho đến khi lá dứa chuyển màu xanh rêu, hương lá dứa thơm nồng là lúc bột chín. Đợi bột nguội, dùng rây lược bỏ lá dứa.

Công đoạn tiếp theo là thắng đường. Cho nước cốt dừa vào một lượng đường phù hợp với tỉ lệ bột, bắc lên bếp thắng sệt lại. Khi nước đường nguội, cho bột vào nước, trộn đều và cán bột bằng hai chai tròn hoặc chày. Cán đi, cán lại bột nhiều lần cho thật nhuyễn. Chà bột và đường đến khi nào bột và đường quyện vào nhau, bỏ thử vào lưỡi thấy tan đều không còn hột đường là được.

Cuối cùng là công đoạn in bánh, thường người ta in bánh  bằng khuôn gỗ bên trong khắc những hình thù khác nhau. Cho bột vào đầy các lỗ khuôn, ém chặt bột, úp ngược mặt khuôn xuống và gõ nhẹ đáy khuôn để lấy bánh ra. Bánh sau khi in được đặt lên những chiếc nia lót giấy báo và mang đi phơi ngoài nắng giòn. Thường những chiếc bánh in xinh xắn nhất dành để cúng ông bà, mời bạn bè đến thăm nhà hoặc làm quà quê gửi người thân phương xa.

Ngày nay đời sống đã khấm khá hơn nhiều, nên chỉ còn vài gia đình ở xóm nhỏ quê tôi  giữ  thói quen xay bột làm bánh in. Khi cái tết đang rộn ràng qua phố, tôi vẫn chỉ mong nhanh được về quê, để thêm một lần nữa ngồi bên má in từng chiếc bánh rồi nhâm nhi, thưởng thức vị bánh quê hương, vừa mát lạnh, ngọt thanh lan dần nơi đầu lưỡi.

THANH LY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bánh in bột nếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO