Bánh mì ký sự

Ghi chép của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 25/08/2018 00:42

Với tôi, bánh mì là cả một kỷ niệm ấu thơ. Vừa ăn những ổ mì Việt trên đất Mỹ vừa nhớ tới những ổ bánh mì trong tiệc cưới ở làng mình, nhớ đến những ổ bánh mì múp ở nhà dì dượng, mà lòng tôi cứ rưng rưng…

Một tiệm bán bánh mì ở Đà Nẵng.Ảnh: T.L
Một tiệm bán bánh mì ở Đà Nẵng.Ảnh: T.L

1. Ở nhiều vùng nông thôn bây giờ, nhiều làng có đến một hai cơ sở dịch vụ nấu ăn phục vụ cưới hỏi, giỗ chạp rất chuyên nghiệp. Có thực đơn và nhân viên phục vụ mặc đồng phục trông rất bài bản. Kèm theo đó là những dịch vụ che rạp, trang trí, âm thanh ánh sáng và cả người dẫn chương trình (MC) thuộc nhiều thơ lục bát hẳn hoi.

Nhưng ấn tượng với tôi, là bên cạnh những dịch vụ được phân chia thành từng công đoạn theo “chuỗi giá trị” đó, còn có những lò bánh mì đun bằng củi hoặc lò điện cung cấp bánh nóng hổi, làm tăng lên hương vị của những bát la goût trong tiệc cưới. Tôi quen biết với chủ của bốn lò bánh mì ở nông thôn như vậy. Họ là những hộ gia đình sản xuất theo kiểu lấy công làm lời. Chủ lò là thợ chính, vợ con phụ việc, nếu đặt hàng nhiều vào những ngày có cưới hỏi, họ có thể thuê thêm vài người làm việc vào ban đêm. Sáng ra, chủ lò chở bánh bằng xe máy đi giao cho các nhà bếp phục vụ đám, lễ hoặc các tiệm bánh mì chả thịt, các tiệm bún, mì trong từng khu vực. Từng lò bánh mì đó mỗi ngày có thể cung ứng từ năm trăm đến vài ngàn ổ, tùy quy mô hoạt động… Nếu các dịch vụ liên quan đám cưới hoạt động chính vào các ngày cuối tuần, thì các lò bánh mì ở nông thôn đỏ lửa quanh năm. Đến tết họ còn làm thêm nhiều loại bánh nướng, bánh con sâu bỏ mối cho các tiệm tạp hóa.

Nghề làm bánh mì tuy vất vả nhưng “sống được” theo cách nói của một chú em họ. Bởi vậy vợ chú là giáo viên mấy năm trước đã xin nghỉ dạy để về phụ việc với chồng và quản lý tài chính. Một anh khác từ bánh mì còn làm thêm bánh sinh nhật, bánh cake khấm khá, nuôi hai con học đại học mà trông khá thong thả. Một anh làm bí thư chi bộ ở thôn kiêm chủ lò bánh mì, có hôm bận họp hành, tôi thấy chị vợ và cả con trai vừa thức đêm đứng lò, sáng ra đã nhảy lên xe máy đi giao hàng, thu tiền rồi mới đi làm việc khác. “Nhờ đó mà việc nhà và việc làng đều trôi chảy cả!” - anh nói với tôi…

Ở nông thôn bây giờ, tỷ lệ tiểu thủ công nghiệp quy mô gia đình phát triển, cho nên công việc ruộng nương dồn hết cho những hộ không có nghề phụ. Giao thông và điện năng góp phần đáng kể để phát triển ngành nghề, trong đó có nghề làm bánh mì mà tôi vừa kể. Khác với cách đây mấy chục năm, ít nhất là vào thời tôi học tiểu học, muốn có ổ bánh mì phải ra tận Đà Nẵng hoặc xuống phố Hội An. Thời ấy, chỉ nghe cái mùi bánh mì thôi đã thèm chảy nước miếng!

2. Những năm 1960, mấy chị, dì, cô tôi mỗi lần ra Hàn, xuống phố trở về, lúc nào trong giỏ cũng có vài ổ bánh mì mang về cho trẻ con. Lần đầu tiên tôi ăn được nửa ổ bánh mì Ông Tý ở ngã tư Chợ Cồn là sau trận lụt năm Giáp Thìn 1964 mà dì tôi mua cho khi tôi ra Hàn sau trận lụt để xin sữa về cho đứa em mới đẻ. Bánh mì Ông Tý là một tên tuổi mà bất cứ người Đà Nẵng nào cũng biết, nhờ vào món chả bò ông tự làm, không bỏ phèn sa. Chả bò và muối tiêu Ông Tý có hương vị khá đặc biệt thu hút nhiều thế hệ học trò và giới cần lao ở Đà Nẵng. Năm chục năm sau, khi tôi đã nghỉ hưu, con cháu ông vẫn giữ nguyên thương hiệu ấy và mở ra nhiều cửa hàng bánh mì, mặc cho nhiều hiệu bánh lớn và cả hamburger đã tràn vào thị trường nội địa.

Bánh mì Lee Sandwich ở phố Bolsa (Mỹ).
Bánh mì Lee Sandwich ở phố Bolsa (Mỹ).

Nghe nói từ cái quày bánh mì xưa cũ ấy, con cháu ông Tý nhiều người đã học hành thành đạt. Quả xứng danh là một “nhất nghệ tinh”, cho dù toàn cầu hóa đến đâu!

Vào thời tôi mới ra Đà Nẵng sau trận lụt Giáp Thìn, dì dượng tôi đã có một lò bánh mì trên đường Đoàn Thị Điểm cung cấp cho nhiều hiệu ăn ở Đà Nẵng, trong đó có tiệm Ông Tý với gần một chục người làm, hoạt động cả ngày và đêm. Từ nhồi bột trong các thùng gỗ, vô bột nở đến vê bánh, vô lò… là do chủ lò hoặc các thợ lành nghề đảm trách, công việc phụ khác là những người học nghề. Lò nướng bánh xây bằng gạch và đất sét, có khoang đun củi để lấy nhiệt bên dưới. Bánh vê từ bột trên bề mặt một thùng gỗ lớn rồi đặt vào các máng gỗ. Bánh được đưa vào lò bằng những chiếc dầm dài khoảng hai mét rưỡi. Khi sắp bánh tươi lên máng, người thợ cả dùng một lưỡi dao lam mỏng cắt nhẹ theo chiều dọc để chiếc bánh nở bung ra khi gặp nhiệt độ cao trong lò. Sau một thời lượng nhất định, người thợ đứng lò lại đưa dầm vào kéo những chiếc bánh chín ra bỏ vào những chiếc giỏ cần xé để chuyển cho những nhân viên chở bánh đi giao cho khách hàng. Các giỏ cần xé luôn có vải lót và đậy kín khi vận chuyển để giữ cho bánh lâu nguội…

Tối nào tôi cũng sang nhà dì dượng, đứng ở cửa lò bánh phía sau nhà, chờ sai vặt, như nhặt bánh bỏ vào giỏ, khiêng các giỏ bánh ra ngoài hoặc đun thêm củi vào lò… với thù lao là những chiếc bánh mì múp (tức không nở do lỗi khi dùng dao lam xẻ bánh tươi trước đó). Những chiếc bánh múp có lẽ mang một hương vị thơm bùi đặc biệt, phần ruột của nó nóng dẻo đến lạ thường. Mỗi tối như vậy tôi thường “ních” vài cái và giữ lại vài cái mang về cho buổi sáng hôm sau ăn với đường cát trước khi đi học…

Nghe nói bột mì là loại lương thực cung cấp năng lượng rất cao mà người Pháp đã du nhập vào Việt Nam. Những năm 12 - 13, tuổi đang sức lớn, tôi được “hưởng xái” những ổ bánh mì múp ở lò dì dượng tôi như vậy, tuy là bánh mì không hoặc với chút đường cát, không biết có giúp sức khỏe tăng lên bao nhiêu, nhưng cái hương vị của những chiếc bánh mới ra lò ấy cứ ám ảnh mãi đến giờ! Có nghĩa là tôi chưa bao giờ ngán ăn bánh mì là vậy!

3. Những ngày lang thang qua xứ Cờ Hoa, tôi lại làm quen với những loại bánh mì kẹp thịt do người Việt Nam mang qua đất Mỹ. Suốt cả tháng từ bờ Đông xuống bờ Tây hoặc từ miền Nam ra miền cực Bắc nước Mỹ, sáng nào tôi cũng điểm tâm bằng các loại bánh mì mang các thương hiệu Thim Hing, Ba Lẹ, Lee Sandwich. Đi xe đò từ  phố Bolsa ở phía Nam Cali đến San Jose ở phía Bắc trên những chuyến xe đò Hoàng, bạn sẽ được nhận một ổ bánh mì trị giá 3 đô và chai nước lọc. Buổi sáng ở Houston, ghé uống cà phê ở các khu thương mại, có thể vào quày mua thêm ổ bánh mì Thim Hing rồi ra dãy bàn ngoài hành lang nhai ngấu nghiến. Nếu bạn không hút thuốc thì cứ ngồi bên trong phòng, ấm cúng hơn. Xuống khu phố Việt Eden ở ngoại ô Washington, D.C hay vào thủ phủ Boston của miền Đông Bắc Mỹ, hiệu bánh mì Ba Lẹ (Bale) cũng sẵn sàng phục vụ bạn…

Bánh mì Thim Hing ở Houston, Texas (Mỹ).Ảnh: T.Đ.T
Bánh mì Thim Hing ở Houston, Texas (Mỹ).Ảnh: T.Đ.T

Nghe nói ông chủ đầu tiên dòng họ Lê của Lee Sandwich ngày xưa chỉ bằng chiếc xe tải nhỏ cũ kỹ đi bán dạo bánh mì Việt ở các cổng trường học, giờ đã là một chuỗi các cửa hàng cà phê bánh mì ở các thương xá lớn khắp miền Nam Mỹ. Còn ông chủ Ba Lẹ giờ đã được hợp đồng hàng triệu đô la cung cấp suất ăn hàng không cho một số hãng bay lớn ở phía Bắc Mỹ…

Bánh mì Việt ở Mỹ khác bánh mì Ông Tý vì có thêm rau dưa kiểu Hamburger của Mỹ nhưng hương vị ngon giòn và có thể chọn món thịt kẹp đa dạng hơn món Mỹ, nên đã hấp dẫn cả thực khách bản xứ chứ không riêng gì người gốc Việt. Còn tôi, bánh mì là cả một kỷ niệm ấu thơ, trên đất Mỹ lại yên tâm với những loại rau dưa không có dư lượng kháng sinh, nên cứ ăn mệt nghỉ. Vừa ăn  bánh Ba Lẹ, bánh Thim Hing vừa nhớ tới những ổ bánh mì trong tiệc cưới ở làng mình, nhớ đến những ổ bánh mì múp ở nhà dì dượng, mà lòng cứ rưng rưng…

Ghi chép của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bánh mì ký sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO