Bánh tổ duyên quê

DIỆU NGỌC 24/12/2022 06:13

Mỗi dịp cuối năm, tôi lại da diết nhớ thương hương bánh tổ, là hương quê của ngoại tôi nơi xứ người, để chị em tôi biết vọng quê nhà trong vị bánh bình dị...

Bánh tổ gắn với ký ức tuổi thơ xưa.
Bánh tổ gắn với ký ức tuổi thơ xưa.

Ngược về ấu thơ mờ xa, tôi nhìn thấy tôi líu ríu bên ông ngoại giữa những chiều cuối năm giăng mờ sương lạnh. Khi nhà người ta chộn rộn cúng lễ tất niên với bông ba quả phẩm đơm đầy hai bàn thượng hạ, ngoại lụi cụi lau dọn bàn thờ rồi bày ít phẩm vật đơn sơ đón ông bà tổ tiên về ăn tết.

Tôi kiễng chân dán mắt vào cái tô trẹt gấp bằng lá chuối, bên trong có bánh màu nâu đen lấm tấm hạt mè. Ngoại nói đó là ổ bánh tổ của người bà con từ trong Quảng mang ra biếu để dâng cúng ông bà tổ tiên ba ngày tết, rồi bảy ngày xuân sẽ cho con cháu chút quà quê.

Tôi mỏi cổ chờ hết ba ngày tết, để ổ bánh tổ làm xong nhiệm vụ dâng thảo thơm lên tổ tiên như tên bánh đã định danh. Rồi ngày mùng ba cũng hết, nhưng ngoại vẫn chưa cho mấy chị em tôi được nếm lộc của ông bà.

Ngoại biểu tụi con ráng chờ ít ngày, để mặt bánh lên mốc thì chiên ăn mới ngon. Đến giờ tôi vẫn không biết liệu bánh mốc thì ngon hơn thiệt không, chỉ biết rằng mãi sau này ngoại mới nói hồi đó nhà mình nghèo quá nên ngoại cố kéo dài ra, để lũ cháu có thêm chút hương xuân khi Tết vẫn còn mùng, bớt thấy tủi thân khi ngó sang nhà hàng xóm.

Bà cháu. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Bà cháu. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

Sáng sớm ngày xuân mưa phùn lạnh, ngoại lập cập cạo qua lớp mốc trên mặt bánh, gượng nhẹ để lớp mè trên mặt không bị trôi đi. Ngoại cắt nửa chiếc bánh thành từng miếng nhỏ hình chữ nhật, chờ mỡ sôi trên chảo thì cho bánh vào rán xèo xèo.

Căn bếp cũ kỹ chợt sáng ấm lên, như sang trọng hơn khi không gian lãng đãng hương gừng thơm thơm quyện vào vị ngọt ngào của nếp và đường mật. Bánh rán giòn, vừa dẻo dai, đủ mềm mại.

Bữa đại tiệc của trẻ nhà nghèo kết thúc chóng vánh, để mấy đôi mắt háo hức lại dán vào nửa cái bánh nhịn đến sáng hôm sau. Chúng tôi lại say mê trong bữa tiệc huy hoàng khác khi ngoại rán nửa cái bánh tổ còn lại rồi rưới chút nước mắm tỏi, móm mém thành thơ: “Cho tụi cháu ăn ngon miếng bánh tổ, thấy đời đỡ khổ, ngoại quá chừng vui...”.

Vài cái tết năm sau, ngoại thành mây trắng, ba mẹ dắt nhau đi làm ăn xa xứ có lúc năm cùng tháng tận vẫn không về. Chị họ của tôi lập nghiệp gần xứ Quảng, mỗi tết về lại mang bánh tổ qua cúng ngoại rồi làm quà cho mấy đứa em đón tết trong lặng lẽ.

Khi những mâm cúng tất niên vương vấn khói hương trầm sưởi ấm sân nhà hàng xóm, chị em chúng tôi đứng quanh bàn thờ ngoại, hết ngó ngoại cười hiền lại ngó cái bánh tổ chơ vơ hình cái tổ chim xây bằng lá chuối. Chính ở giây phút lạc cha xa mẹ ấy, tôi bỗng có một niềm tin rất mạnh mẽ rằng người ta gọi tên bánh tổ vì nó giống hệt cái tổ ấm cho lũ chim con giữa giá lạnh giao mùa.

Tết của nhiều năm sau nữa tôi đi xa thật xa, rồi tôi lại về nhà, có khi loay hoay nhớ ngoại và hương vị của miếng bánh tổ một thuở mờ xa sương khói ấy. Chị họ tôi vẫn mang bánh tổ về cúng tổ tiên, những chiếc bánh tổ về sau này được đổ rất khéo, tươi trong màu của đường kính trắng, khoác lớp áo điểm hoa trắng của hạt mè.

Tôi thẩn thơ tìm hình bóng chiếc tổ chim xây bằng lá chuối héo ngọn của riêng tôi. Tôi ngẩn ngơ nhớ sắc bánh tổ nâu thẫm, vị bánh tổ ngọt dịu, hương bánh tổ thơm thơm trong căn bếp xưa ấm tình thương của ngoại.

Là duyên quê đó, mà sao thương quá đỗi, mà sao nhớ quá chừng, giữa chập chùng ký ức tết xưa.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bánh tổ duyên quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO