Banjiro - tên gọi lời tri ân

TRẦN TRUNG SÁNG 11/02/2020 10:43

Tình cờ một người khách mời tôi dự bữa cơm tối tại nhà hàng có tên Banjiro ở đường Nguyễn Chí Thanh, Đà Nẵng. Đó là một nhà hàng nhỏ hẹp, nhưng cách sắp xếp, bày biện thật ấn tượng. Bởi từ nhân viên phục vụ cho đến các món ẩm thực, các vật dụng xung quanh đều mang nét đặc trưng văn hóa Nhật Bản. Và một điều quan trọng hơn cả: cái tên Banjiro còn gợi nhớ đến điều gì đó vọng lại từ quá khứ xa xôi mà rất gần gũi với quê nhà xứ Quảng.

Nhà hàng Banjiro tại đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Đà Nẵng.
Nhà hàng Banjiro tại đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Đà Nẵng.

Cơ duyên

Tìm hiểu nhiều hơn, tôi mới biết ra, chủ nhân nhà hàng Banjiro vốn là một người yêu văn hóa Nhật Bản, và đang làm những công việc liên quan đến đất nước mặt trời mọc. Ông này kể lại: “Một lần, cùng vài người bạn Nhật vào tham quan phố cổ Hội An, trên trục đường dẫn ra làng rau Trà Quế, nhóm chúng tôi bắt gặp biển chỉ dẫn tìm đến phần mộ của thương gia Banjiro. Nơi đây, trong một khu vườn của người dân ở thôn Trường Lệ, phường Cẩm Châu, là một trong 3 ngôi mộ cổ của các thương gia Nhật Bản tại Hội An có niên đại gần 400 năm, gồm: Gu Sikukun, Banjiro và Yajirobei. Đứng trước ngôi mộ cổ hơn vài trăm năm tồn tại, những người bạn Nhật cùng đi với chúng tôi không kiềm được nước mắt, nhất là khi họ biết được nơi đây, người dân địa phương đã tình nguyện chăm sóc, hương khói suốt nhiều năm dài. Anh bạn tôi rất xúc động nói: “Mai này có điều kiện mở nhà hàng ta nên lấy tên là Banjiro nhé!”. Không lâu sau, nhân tìm gặp một ngôi nhà ở đường Nguyễn Chí Thanh chưa sử dụng, chúng tôi cùng nhóm bạn Nhật thuê, và nhà hàng Banjiro đã ra đời trên tinh thần như thế”.

Phần mộ của thương gia Banjiro trong khu vườn của gia đình ông Nguyễn Nước tại thôn Trường Lệ, phường Cẩm Châu, TP. Hội An.
Phần mộ của thương gia Banjiro trong khu vườn của gia đình ông Nguyễn Nước tại thôn Trường Lệ, phường Cẩm Châu, TP. Hội An.

Chủ nhân nhà hàng cũng cho biết, hiện nay, trên phía sau tờ gấp menu quảng bá nhà hàng luôn ghi rõ nội dung tri ân ông Banjiro: “Chúng tôi muốn tiếp nối ý chí ông ấy là đưa nền văn hóa Nhật Bản đến với mảnh đất này (Đà Nẵng). Vì thế, chúng tôi đặt tên nhà hàng này là Banjiro với mục đích truyền đạt văn hóa Nhật Bản và nâng cao tình hữu nghị giữa hai nước. Ngoài ra, chúng tôi muốn tạo ra một “tình bạn” thông qua những “món ăn” tại mảnh đất được nhiều bạn bè ghé thăm…”. Như vậy Banjiro ở đây còn có ý nghĩa “Tri ân những người bạn Nhật đã đến sinh sống và làm ăn tại Hội An”, để nhắc nhở đến mối quan hệ của tiền nhân trong mối quan hệ Việt - Nhật. Vài năm gần đây, chúng tôi có hỗ trợ vài nhóm bạn nữa mở thêm mấy nhà hàng Nhật tại Đà Nẵng như: Võ sĩ đạo, Takimi, Carmen Nhật…Trong đó, chúng tôi tâm đắc nhất là ý tưởng nhà Banjiro và Võ sĩ đạo. Hiện nay các nhà hàng này đều đưa vào sách hướng dẫn quốc tế, được du khách nhiều nước rất quan tâm.

Dấu ấn tình Việt - Nhật

Trở lại câu chuyện ngôi mộ của doanh nhân Banjiro. Tôi cũng nhớ, thời thơ ấu lớn lên ở vùng ngoại thành Hội An, hàng ngày nhìn thấy, xen lẫn trong những ngôi nhà những cánh đồng hoang vắng, có rất nhiều ngôi mộ to lớn xây bằng đá vôi không rõ có xuất xứ từ đâu, nhưng về sau, cùng với những biến động của thời gian, phần lớn bị xóa mất dấu vết. Đến nay, còn lại ngôi mộ của Banjiro là một trong những ngôi mộ được gìn giữ và chăm sóc cẩn thận nhất. Mộ có quynh hình tròn bao quanh, cách quynh 1,5m về hướng Nam có một tấm bia xi măng làm năm Chiêu Hòa 3 (1928) ghi nội dung Bác sĩ (một học vị Nhật Bản trước đây) KUROITA KATSUMI đề xướng những người Nhật Bản sống tại Đông Dương nhất trí giao cho ông NAKAJAMA ở phủ Thuận Hóa đứng ra tu sửa ngôi mộ này. Đến nay, phần bên trong mộ hầu như còn nguyên vẹn, chỉ riêng quynh mộ vỡ nhiều mảng, bên ngoài, thành xung quanh bị phá hủy làm lối đi.

Một điều thú vị, cách đây không lâu, vào những ngày diễn ra lễ hội “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” tại Hội An, ông Gusoku Takeshi, cháu nội đời thứ 21 của thương gia Banjiro đã có mặt tham dự lễ hội và đến viếng hương tại ngôi mộ của cụ tổ. Ông này đã vô cùng bất ngờ, khi nhận ra phần mộ của thương gia Banjiro yên nghỉ ngay trong khu vườn của gia đình ông Nguyễn Nước tại thôn Trường Lệ, phường Cẩm Châu, Hội An. 400 năm qua rồi, mà phần mộ thương gia Banjiro vẫn nguyên vẹn với các bia đá khắc chìm cùng những dòng chữ bằng tiếng Nhật. Ông Gusoku Takeshi cho biết: “Nơi đây tôi đã gặp hai người của gia đình, là hai ông bà già rất lớn tuổi, nhưng họ thường xuyên chăm sóc khói hương ngôi mộ của cụ tổ tôi, thật trân trọng và cảm tạ họ vô cùng. Và càng ấm lòng hơn, khi tôi nghe kể là mỗi lễ, tết người dân Hội An cũng đến viếng ngôi mộ của cụ”.

Hiện nay, Đà Nẵng có trên 20 nhà hàng Nhật Bản. Điều này có thể được xem là một sự góp mặt tích cực, khá độc đáo, tạo nên sự phong phú trong hoạt động du lịch của thành phố. Và nhà hàng Banjiro vẫn là địa chỉ thu hút hấp dẫn nhất, bởi Banjiro còn là tên gọi đầy cảm xúc… gợi nhớ một thời xứ Quảng xưa.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Banjiro - tên gọi lời tri ân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO