Báo cáo đặc biệt về biến đổi khí hậu

NAM VIỆT 14/08/2021 06:08

Đầu tuần này, Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cống bố bản phúc trình dài 42 trang như một “báo động đỏ cho nhân loại”, đồng thời khuyến cáo cắt giảm khí thải nhà kính để giữ nhiệt độ trái đất ổn định, ngăn chặn biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu.

Các đám cháy rừng nghiêm trọng tại Mỹ và nhiều nước châu Âu được xem là thực tế nghiệt ngã của biến đổi khí hậu. Ảnh: Gettyimage
Các đám cháy rừng nghiêm trọng tại Mỹ và nhiều nước châu Âu được xem là thực tế nghiệt ngã của biến đổi khí hậu. Ảnh: Gettyimage

Báo cáo mới nhất của IPCC được xem là toàn diện nhất và cập nhật nhất về BĐKH. Theo IPCC, nhiệt độ trái đất đang dần tăng, BĐKH vì thế cũng diễn ra nhanh hơn mức chúng ta nghĩ, thậm chí một số lĩnh vực có xu hướng biến đổi không thể đảo ngược.

BĐKH với các hiện tượng thời tiết trở nên khắc nghiệt ở mọi khu vực trên toàn cầu như hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, dông lốc, bão... đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sức khỏe con người.

Báo cáo của IPCC, do 234 nhà khoa học đến từ 66 quốc gia thực hiện, được công bố khi thế giới chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH lần thứ 26 (COP26) dự kiến diễn ra tại Vương quốc Anh vào tháng 11 tới.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đánh giá: “Báo cáo lần này của IPCC là một lời cảnh báo nghiêm khắc nhất từ trước đến nay về tác động của hoạt động con người đối với hành tinh của chúng ta”.

Theo IPCC, ngay từ năm 2030, nhiệt độ của trái đất sẽ tăng thêm từ 1,5°C cho đến 1,6°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tức là sớm hơn 10 năm so với dự báo mà IPCC đưa ra cách đây 3 năm.

Trước đó, giai đoạn 2011 - 2020, nhiệt độ bề mặt toàn cầu cao hơn gần 1,1 độ C so với giai đoạn 1850 - 1900. Hoạt động của con người làm khí hậu nóng lên với tốc độ chưa từng có trong ít nhất 2.000 năm qua.

Các nhà khoa học cũng đang quan sát những thay đổi trên toàn bộ hệ thống khí hậu của trái đất, trong khí quyển, đại dương, băng trôi và trên đất liền. Nhiều thay đổi trong hệ thống khí hậu là chưa từng có, một số thay đổi đang diễn ra ngay trong lúc này như mực nước biển tiếp tục dâng là “không thể đảo ngược”.

Cụ thể, mực nước biển hiện dâng cao thêm 20cm tính từ năm 1900 và nhịp độ tăng mực nước biển đã nhanh gấp 3 trong 10 năm qua, do tác động của hiện tượng băng tan diễn ra kỷ lục trên các dòng sông băng thế giới.

Trong kịch bản bi quan nhất, các chuyên gia của IPCC thậm chí không loại trừ khả năng mực nước biển sẽ dâng cao thêm 2m ngay từ năm 2100, đe dọa đến hàng tỷ người sống ở các khu vực ven biển, dễ ngập lụt. 

Dù vậy, các chuyên gia của IPCC cho rằng, vẫn còn thời gian dù là mong manh để thế giới hành động quyết liệt,  làm cho trái đất mát hơn. Như việc giảm phát thải CO2 và các khí nhà kính khác một cách mạnh mẽ và bền vững, bên cạnh các tiến bộ khoa học, công nghệ… có thể nhanh chóng làm cho chất lượng không khí tốt hơn, bảo vệ môi trường sống.

Qua đó, trong 20 đến 30 năm tới, nhiệt độ toàn cầu có thể ổn định, ngăn chặn một phần tác động của BĐKH. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres nói, nền kinh tế bền vững, xanh, thịnh vượng, không khí sạch hơn và sức khỏe tốt hơn là điều có thể thực hiện được cho tất cả mọi người, nếu chúng ta ứng phó với cuộc khủng hoảng này bằng sự đoàn kết và lòng dũng cảm.

Nếu con người cắt giảm được một nửa khí thải nhà kính vào năm 2030 và đạt mức khí thải bằng 0 vào giữa thế kỷ 21, thực hiện các cam kết thỏa thuận khí hậu Paris rằng giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C, tương lai của hành tinh sẽ trở nên tươi sáng hơn. Thế giới đã đến lúc cần một sự tiếp cận nghiêm túc với vấn đề môi trường và BĐKH trong các hoạch định chính sách phát triển.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Báo cáo đặc biệt về biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO