“Nha Trang ngày 9.11.1995
Gởi chú Sao Biển, Báo Thanh Niên,
Đến bây giờ tôi mới biết bộ mặt thiệt của chú, một thứ nhà báo vô lương tâm, thiếu tinh thần trách nhiệm, không dám đấu tranh chống tiêu cực. Có thể chú đã ăn nhậu với mấy ông lãnh đạo ở Khánh Hòa để ỉm hồ sơ của tôi, trơ tráo đóng kịch trước mặt tôi, không dám tự xưng mình là nhà báo Vũ Đức Sao Biển. Chú đã quay lưng lại với hoàn cảnh khốn khó của một người như tôi… Chú là con ông Tư A., là bà con với tôi, là đồng hương với tôi mà chú coi tôi như người dưng nước lã. Tôi mà biết đích xác chú là thằng Sao Biển thì hôm ấy tôi đã đấm bể mặt chú ra trong khách sạn 23 Trần Phú, Nha Trang rồi. Chú mà làm báo chi. Chú đi về mà giữ bò cho xong. Làm báo như chú nhục lắm”.
Tôi gấp bức thư lại, lòng không biết nên buồn hay nên tức cười. Trong đời làm báo của mình, tôi đã nhận được khá nhiều thư, khen ngợi có, hăm dọa có, chửi bới có. Thế nhưng, có lẽ bức thư trên đây của ông X. là nặng ký hơn cả. Tôi không cảm thấy tổn thương vì biết mình đã hành động đúng. Tôi chỉ cảm thấy se lòng bởi đúng ra, một đời làm báo như tôi không xứng đáng nhận được một bức thư lời lẽ nặng nề như vậy. Nhiều năm qua rồi, tôi nghĩ ông X. - người viết lá thư, đã hiểu ra được vấn đề. Và có lẽ ông cũng sẽ hối hận khi nhớ ra mình đã viết lá thư trên.
Cuối tháng 10.1995, Báo Thanh Niên thực hiện một đợt cứu trợ bà con bão lụt miền Trung. Tôi là chủ nhiệm của chương trình này. Chiều 28.10, chiếc Jeep của báo do Lê Văn Quý lái, đưa tôi và Thanh Dũng từ Phú Yên về Nha Trang. Xe về đến Nha Trang khoảng 5 giờ; thành phố ướt sũng trong cơn mưa tầm tã. Chúng tôi vào nhà khách số 23 Trần Phú, thuê một phòng ba giường. Quý và Dũng nhường tôi tắm trước. Cả ba anh em cùng đói meo. Tôi bảo: “Tắm xong là xuống đi ăn cơm”.
Tôi tắm xong, thay bộ đồ mới, mặc áo ấm vào và đi xuống phòng khách. Vừa thấy tôi, chị lễ tân nói:
- Thưa anh, anh có khách.
Tôi hơi ngạc nhiên, nhìn ông khách. Ông trạc tuổi sáu mươi, ăn mặc rất chỉnh tề, cầm theo một gói thuốc Jet và một xấp hồ sơ. Tôi hỏi:
- Chào ông. Ông muốn gặp ai?
- Dạ, tôi muốn gặp ông Vũ Đức Sao Biển, Báo Thanh Niên.
Nói xin lỗi các bạn đồng nghiệp, làm báo là phải có cái mũi đánh hơi tinh nhạy của một con chó săn. Tự nhiên, tôi hiểu ra ngay lý do người đàn ông này đến tìm mình trong khách sạn 23 Trần Phú. Anh em văn nghệ sĩ ở Khánh Hòa rất quen thuộc với chiếc Jeep lùn của Báo Thanh Niên. Có lẽ, các anh đang ngồi uống cà phê trong hội quán trên đường Yên Thế thì nhìn thấy chiếc Jeep chạy ngang qua. Và thấy chiếc Jeep, các anh biết tôi vừa đến Nha Trang. Người đàn ông này biết tôi đến Nha Trang chỉ sau mươi phút là như vậy. Ông tìm ra ngay chỗ chúng tôi ở nhờ chiếc Jeep đang đậu trong mưa.
Cái mũi chó săn của một nhà báo cho tôi biết trước có chuyện gì đó không mấy ngay ngắn và vui vẻ. Tôi tỉnh bơ, trả lời:
- Thưa ông, tiếc quá, anh Sao Biển vừa lên xe đi Cam Ranh rồi!
- Vậy anh tên là gì?
- Thưa ông, tôi là Đồ Bì, cùng đi chung với anh Sao Biển. Ông quen biết với anh ấy không ạ?
- Chú ấy là người thân của tôi, bà con ở Quảng Nam.
Tôi cố lục lọi ký ức để nhớ ra cho được người bà con này. Nhưng hơn mấy mươi năm rồi, làm sao tôi nhớ cho nổi?
Người đàn ông nói tiếp:
- Tôi là X. cán bộ hưu trí. Hồi chú Sao Biển mới đi học thì tôi đã rời làng, hoạt động. Chú không biết tôi nhưng tôi gặp chú ấy là biết ngay (?).
- Thật tiếc quá, anh ấy mới đổi xe vào Cam Ranh cách đây năm phút. Ông đến sớm một chút là gặp rồi. Tuy nhiên, nếu có việc gì cần, ông có thể nói cho tôi biết. Tôi sẽ nói lại với anh ấy.
Lê Văn Quý và Thanh Dũng đã tắm xong, cùng xuống phòng khách. Các em yên lặng (và có lẽ cũng đang bấm bụng cười) khi nghe tôi nói chuyện với khách. Điều may mắn là trong cơ quan, anh em thường thân mật gọi tôi là “anh Bì”. Cái bút danh Sao Biển chỉ có trên tờ báo. Cho nên, trước mặt ông khách, tôi vẫn là “anh Bì”.
Người đàn ông rút ra xấp hồ sơ:
- Đây là đơn khiếu nại của tôi gởi ban biên tập Báo Thanh Niên để nhờ các anh viết cho một bài báo giúp đỡ. Đây là hồ sơ căn nhà hợp pháp của tôi trên đường N., Nha Trang. Nhà nước mở đường N., tôi đồng ý. Tôi chỉ yêu cầu tỉnh Khánh Hòa đền lại cho tôi một lô đất ở nội thành và hỗ trợ cho tôi tiền xây dựng một ngôi nhà mới. Rứa mà các ổng không chịu, chỉ đền cho tôi đất ở trên Đồng Bò. Các anh coi tôi một đời hy sinh...
- Thưa ông, vậy hiện nay căn nhà của ông ra sao rồi?
- Mấy ổng đòi cưỡng chế, đập bỏ, buộc tôi lên Đồng Bò. Tôi chỉ biết có Báo Thanh Niên mới bảo vệ được quyền lợi cho mình. Chú Sao Biển đang làm ở báo, tôi hy vọng chú ấy sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tôi.
Kinh nghiệm cho tôi biết ai cần thì cũng nói như vậy. Tôi hình dung ra ngay được căn nhà đó và tôi hiểu khá tường tận về nó. Nó nằm trên đường N., đối mặt với nhà của Trung tá Vũ Đức Khánh, người anh em của tôi. Mỗi khi đi Nha Trang, tôi thường ghé thăm anh Khánh. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực làm đẹp thành phố Nha Trang, mở rộng các con đường. Đường N. được làm lề, tráng nhựa, trồng cây bằng lăng, trở thành một trong những con đường đẹp của thành phố này. Nhưng cái “nhà” của ông X. thì nằm chình ình ngay trên lề đường như thách đố chính quyền, làm mất vẻ đẹp của con đường.
Đất này ngày trước nguyên là sân vườn của một cán bộ ngành hải quan, chưa được làm hàng rào. Ông X. đã chiếm dụng một phần đất, làm nên cái nhà. Thấy cán bộ làm được, một hộ dân cũng đến “ăn có”, làm tiếp theo một căn nhà kế cận. Khi thành phố Nha Trang mở đường, cả hai căn nhà đều nằm trong lộ giới bị giải tỏa. Ông X. yêu cầu tỉnh Khánh Hòa phải đền cho ông một lô đất mặt tiền trong nội thành và hỗ trợ tiền xây dựng, ông mới chịu giải tỏa. Thấy cán bộ làm khó, ông dân bên cạnh cũng làm theo, cương quyết chống lệnh giải tỏa. Sự đòi hỏi quá đáng của hai hộ này khiến nhân dân trong khu vực bất bình. Chính quyền tỉnh thấy ông X. là cán bộ cũng có ý tương trợ, đề nghị đền bù đất cho ông ở Đồng Bò, một khu vực khá đẹp bên kia cây cầu mới. Thế nhưng ông không chịu, gởi đơn kiện tụng khắp nơi. Bây giờ thì ông muốn tờ báo làm “lính đánh thuê” cho ông, bảo vệ sự sai trái của ông và phê phán chính quyền tỉnh Khánh Hòa.
Tôi có ý kiến ngay:
- Thưa ông, không phải vụ việc nào về nhà đất cũng được đưa lên báo chí. Báo chí chỉ đưa những vụ việc tiêu biểu, chỉ có thể bảo vệ những cái đúng của dân...
- Thì đây là một vụ tiêu biểu...
- Chưa hẳn. Tôi không dám hứa với ông điều gì. Ông cho phép anh em tìm hiểu lại.
- Vậy thì cho tôi gặp ông Sao Biển.
- Anh ấy đi Cam Ranh rồi! Nhưng nếu có anh ấy ở đây, ảnh cũng chỉ nói như tôi nói với ông vậy thôi. Anh ấy không có điện thoại di động. Nếu ông tin chúng tôi, xin cứ gởi hồ sơ cho bộ phận công tác bạn đọc, chúng tôi sẽ mang về.
Cuối cùng rồi người đàn ông cũng gởi lại một bộ hồ sơ. Ông đưa cho chúng tôi gói thuốc Jet.
- Các anh cầm mà hút.
- Dạ không, tụi tôi không hút thuốc.
Lê Văn Quý ngồi cười. Tôi và Quý là hai “ống khói tàu” của cơ quan mà bây giờ đành phải chê thuốc! Ông khách ra về; tôi đưa bộ hồ sơ cho Dũng và nói:
- Đây là một trường hợp mà chúng ta không thể bảo vệ cái sai, phê phán chính quyền Khánh Hòa. Chính quyền đã làm đúng. Em nhận, báo cáo lên luật sư Nguyễn Công Thắng, trưởng ban và nói rõ ý kiến của tôi.
- Ông đó là ai vậy?
- Một người bà con của tôi ở Quảng Nam nhưng cả hai đều chưa gặp mặt nhau bao giờ. May mà ông ấy không biết được Đồ Bì cũng chính là Sao Biển!
Bức thư với những lời xúc phạm thật nặng nề của ông X. sau đó làm tôi buồn quá đỗi. Cái tin tôi gặp ông X. mà không nhận ông là người bà con, không giúp đỡ bảo vệ cho ông bay về tới làng quê tôi ngoài Quảng Nam. Có người còn hỏi tôi một cách sỗ sàng rằng chắc UBND tỉnh Khánh Hòa đãi tôi trọng thị lắm hay sao nên hồ sơ của ông X. mới bị ém nhẹm và sau đó nhà ông bị cưỡng chế giải tỏa. Tôi giữ lại bức thư như một kỷ niệm buồn trong đời làm báo.
Người ta mới vào nghề báo thường có não trạng rằng cái gì sai là thuộc về chính quyền, rằng phê phán chính quyền là nhân dân sướng, tờ báo sẽ bán chạy. Tôi đã đọc nhiều bài báo viết theo não trạng mị dân đó. Không, báo chí không được phép dùng làm phương tiện bảo vệ cái sai. Rõ ràng, khi giải tỏa được hai căn nhà quái chiêu trên đường N., thành phố Nha Trang có thêm một con đường văn minh, tươi đẹp. Quyền lợi của nhân dân Nha Trang luôn luôn lớn hơn quyền lợi của một vài người lấn chiếm đất bất hợp pháp.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN