(QNO) - Ngay sau khi tàu đánh cá mang số hiệu Ðna-90152 của ngư dân Ðà Nẵng bị hàng chục tàu Trung Quốc bao vây và đâm chìm vào ngày 26.5 vừa qua, dư luận cũng như báo chí quốc tế tiếp tục đưa tin lên án hành động leo thang, vô nhân đạo của Trung Quốc.
Nhiều tờ báo quốc tế trích dẫn tuyên bố phản đối của ông Lê Hải Bình đối với hành động leo thang của Trung Quốc. Ảnh: BBC |
Báo Bloomerg hay Hãng truyền thông Reuters, New York Times của Mỹ, AFP của Pháp, trang mạng Asianews, đến tờ báo Thế giới (die Welt), Thời đại (die Zeit), Tấm gương (die Spiegel) của Đức, …đều chỉ trích hành động ngang ngược và khiêu khích ngày càng nguy hiểm của Trung Quốc trên biển Đông. Bloomberg số ra ngày 27.5 (theo giờ Mỹ) trích dẫn lời của ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng, con tàu đánh cá mang số hiệu Ðna-90152 của Việt Nam đang hoạt động đánh bắt hòa bình ngay trên vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam đã bị khoảng 40 tàu của Trung Quốc bao vây và đâm chìm, may mắn 10 ngư dân đã được cứu sống.
Hãng tin AP đưa tin, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn biển Đông và điều này đã khiến chính quyền Bắc Kinh ở thế đối đầu với các nước nhỏ hơn, trong đó có Việt Nam và Philippines. Vài năm gần đây, Trung Quốc đã tỏ ra cứng rắn hơn trong việc “khẳng định chủ quyền” và từ chối hoạt động đàm phán. Tờ báo đưa tin, trong cuộc họp báo thường ngày tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki ngày 27.5 tuyên bố, chỉ có các hành động của Trung Quốc là mang tính khiêu khích.
Trang tin BBC của Anh đưa tin, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc gia tăng sau khi Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Đà Nẵng hôm 26.5 ở khu vực nam tây nam và cách giàn khoan HD-981 khoảng 17 hải lý. Ngày 27.5, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối. Cùng ngày, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt những hành động vô nhân đạo, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam”. Ông Lê Hải Bình nói: “Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế đồng thời xử lý nghiêm những người có liên quan, không để tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam”. Trước đó, ngày 17.5, ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc số hiệu 21102, khống chế, lấy đi một số tài sản và ngư lưới cụ.
Từ Nhật Bản, nhiều trang báo số ra hôm qua (28.5) đăng lại phát biểu của Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo (Nhật) khẳng định: “Việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam là hành động vô cùng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của người dân. Điều quan trọng là các nước liên quan phải kiềm chế hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng và xử lý các vấn đề một cách bình tĩnh, tuân thủ luật pháp quốc tế”. Ngoài ra, Ông Yoshihide Suga gọi đây là “hành động rất đáng báo động”. “Bất chấp thực tế là nhiều quốc gia đã yêu cầu Trung Quốc kiềm chế các hành động đơn phương trên biển Đông, Trung Quốc vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục tiến xa hơn nữa. Chúng tôi cho rằng hành động này vô cùng đáng tiếc” - ông Yoshihide Suga nói.
Báo Làn sóng Đức (Deutsche Welle) cũng đưa tin, ảnh đậm nét về hành động ngang ngược của Trung Quốc và nêu rõ “hành động khủng bố” của tàu Trung Quốc khi đâm chìm một tàu cá Việt Nam. Bài báo dẫn lời một đại diện của lực lượng cứu hộ Việt Nam nói tàu của Việt Nam đã bị đâm chìm và 10 người trên tàu đã được đưa an toàn vào bờ. Cũng theo bài báo, việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với 2/3 diện tích biển Đông đã và đang vấp phải sự phản đối của các nước ven biển khác như Việt Nam, Philippines…
QUỐC HƯNG (tổng hợp)