Một nền kinh tế chỉ có thể phát triển mạnh và bền vững khi có được các chiến lược đúng đắn và những giải pháp hữu hiệu, trong đó, hàng đầu là giải pháp về thể chế kinh tế, cơ chế quản lý và nâng cao trình độ, năng lực quản trị quốc gia.
Để có thể lựa chọn và xác định đúng các chiến lược, giải pháp, thì nhất thiết phải hiểu đúng thực trạng của nền kinh tế, những lợi thế so sánh và lợi thế đặc thù, nhận định đúng xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu. Và để có được những hiểu biết như vậy, vai trò của truyền thông, báo chí là vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất.
Ngày nay, trong thời đại kỷ nguyên thông tin và thị trường toàn cầu, thông tin là một lực lượng rất mạnh, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, quản lý và quản trị quốc gia. Trong kinh tế tri thức, thông tin càng quan trọng. Khác với xưa kia, ngày nay thông tin đã tham gia trực tiếp vào lực lượng sản xuất xã hội. Không chỉ đối với kinh tế, sản xuất, thông tin còn quyết định nhận thức, tạo ra những con người với trình độ, kỹ năng cao hơn, và chính họ sẽ tạo ra năng suất lao động mới, đem lại hiệu quả đầu tư và hiệu quả quản lý cao hơn. Chính con người chứ không phải cái gì khác sẽ quyết định sự phát triển mạnh và bền vững của nền kinh tế.
Cảng Chu Lai - Trường Hải có ý nghĩa quan trọng đối với THACO, với tỉnh Quảng Nam và đặc biệt là với lĩnh vực logistics tại miền Trung. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Thông tin trung thực
Muốn thực hiện chức năng quan trọng ấy, truyền thông phải cung cấp thông tin một cách trung thực nhất để giúp cộng đồng xã hội hiểu đúng thực trạng. Báo chí mà né tránh sự thật, né tránh phản biện thì tự làm giảm lòng tin của công chúng và mất bạn đọc. Trung thực là nhân cách đáng quý, là một trong những đặc trưng rất cơ bản của đạo đức xã hội. Một xã hội thiếu trung thực, phổ biến sự giả dối, là một xã hội suy đồi về văn hóa. Nói thẳng, nói thật, bao giờ cũng là cần thiết, tốt cho sự phát triển bền vững. Giả dối không đem lại lợi ích, mà còn gây hại lớn. Khi cố ý nói sai, không chỉ là việc xấu, mà rất nhiều trường hợp còn là việc ác. Nói thẳng nói thật phải gắn với nói đúng và đạo đức nghề nghiệp. Nói sự thật với một tinh thần xây dựng, một tấm lòng nghĩa hiệp, nhân văn. Khi đã vô tình nói sai là ân hận lắm, day dứt lắm, muốn tìm mọi cách để nói lại rõ ràng, để xin lỗi bạn đọc, một cách sớm nhất và chân thành thực sự để tránh đi một điều ác, một điều xấu dù là không cố ý. Đó là những người cầm bút biết tự trọng, có nhân cách. Nói thẳng, nói thật và nói đúng giúp người nghe tiếp cận được bản chất, chân lý.
Để nói thẳng nói thật đòi hỏi phải có bản lĩnh, nhất là khi những người lãnh đạo không muốn nghe sự thật. Nếu tôi nhớ không nhầm thì trong một câu chuyện, nhà văn Liên Xô nổi tiếng Tuốc-giê-nhép có viết đại ý: Khi vua hỏi một cận thần vì sao lại nói dối vua, người ấy trả lời là mấy lần trước nói thật thấy vua nổi giận. Đó là lý do mà sau đó ông ta phải nói dối. Môn tâm lý học đã chỉ ra rằng, nói dối trong nhiều trường hợp là cơ chế tự vệ. Bệnh thành tích, tâm lý thích khen, không muốn bị chê, không ai muốn phủ định mình cũng là lý do không thích nói thẳng, nói thật, nếu tình hình xấu mà lại liên quan đến trách nhiệm của mình. Không nhiều, nhưng vẫn có những người lãnh đạo chân thành muốn nghe sự thật về yếu kém của mình. Có được những người lãnh đạo như vậy quý lắm, tốt lắm.
Tư duy độc lập
Không có tư duy độc lập và không dám nói thật, luôn thụ động và nói theo, là tự đánh mất chính mình. Để nói đúng thì đòi hỏi phải có thái độ và phương pháp khoa học, biết tiếp cận và biết xử lý thông tin, không chủ quan, tự phụ, luôn tự phản biện và sẵn sàng lắng nghe ý kiến khác mình, kịp thời điều chỉnh khi thấy ý kiến khác ấy có cơ sở khoa học. Tự tin, không đa nghi, nhưng biết lắng nghe. Trong lễ “Thổi lỗ tai” của đồng bào Tây Nguyên có một thông điệp lý thú: Không phải bằng cái gì khác, chỉ thông qua lỗ tai mà đứa trẻ mới thành người. Để tiếp cận được chân lý, tờ báo cần có nhiều cộng tác viên là các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và trên mặt báo luôn phản ánh tiếng nói của dân chủ, tiếng nói nhiều chiều, có thể rất khác nhau, có khi tranh luận thẳng thắn, không một chiều, nhất là đối với những dự án lớn, công trình lớn. Nếu như nói thẳng nói thật đòi hỏi bản lĩnh, thì biết nghe vừa là khoa học, cũng vừa là bản lĩnh. Khoa học mới chiếu sáng để có thể vượt qua bóng đen của chính mình. Bản lĩnh để có thể chiến thắng được chính mình. Thắng người khác đã khó, thắng chính mình còn khó hơn gấp bội. Nhiều nhà tư tưởng tiền bối đã nói vậy. Nếu trong một xã hội mà báo chí không đấu tranh với tiêu cực thì cơ thể xã hội ấy bị mất sức đề kháng – căn bệnh thế kỷ chết người mà cả thế giới phải quan tâm dồn sức để chạy chữa như mọi người đã biết.
Nền kinh tế nước nhà mấy năm nay tuy có nhiều cố gắng, giữ ổn định vĩ mô và có tăng trưởng trong hoàn cảnh phải vượt qua nhiều khó khăn. Gần đây có một số tiến bộ trong quản lý điều hành. Đó là điều đáng ghi nhận. Các nhân tố mới cần được động viên, cổ vũ và phát huy. Mặt khác, phải nhìn nhận cho rõ những mặt yếu rất cơ bản, liên quan đến bản chất của thực trạng, đã có từ lâu, bệnh kinh niên khó chữa, để từ đó mà huy động trí tuệ tìm cho được lối ra. Đó là năng suất lao động xã hội quá thấp, vào loại thấp nhất khu vực, mấy chục năm qua khoảng cách tụt hậu xa hơn so với các nước; hiệu quả đầu tư rất thấp, thất thoát và lãng phí lớn; thu nhập thấp, đang rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình thấp; ba mươi năm công nghiệp hóa chưa thành công, mục tiêu cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 sẽ không thực hiện được, các chương trình nội địa hóa không đạt kết quả, Việt Nam hầu như chưa có sản phẩm công nghiệp của mình để xuất khẩu, chủ yếu là làm thuê gia công và cho nước ngoài thuê mặt bằng, sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn…
Chống lợi ích nhóm
Kinh tế của tỉnh Quảng Nam tuy có nhiều cố gắng và tiến bộ đáng kể, tuy nhiên, vẫn trong tình hình chung ấy. Cần xem lại để làm rõ nguyên nhân năng suất lao động xã hội quá thấp. Hiệu quả đầu tư có việc gì kém không? Chắc chắn là có! Mức thu nhập thấp quá, còn thấp hơn mức bình quân rất thấp của Việt Nam, giá trị gia tăng ít…
Tất cả quốc gia bị “bẫy” thu nhập trung bình kéo dài nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ, không thoát ra được đều có nguyên nhân trực tiếp và hàng đầu của “lợi ích nhóm” tiêu cực. Và khi “lợi ích nhóm” phát triển đến mức phổ biến, có sự kết hợp giữa đồng tiền và quyền lực tạo ra sự độc quyền kinh tế gắn với độc quyền chính trị, thao túng đất nước thì quốc gia ấy sẽ đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản thân hữu, một loại hình tha hóa mà ngay cả thế giới tư bản hiện đại cũng rất sợ nguy cơ này. Nó làm tàn mạt đất nước, tha hóa về quyền lực và suy đồi về văn hóa đạo đức, làm đổ vỡ nền tảng phát triển bền vững của xã hội và giảm sút nghiêm trọng sức mạnh nội sinh của dân tộc, dẫn đến những nguy cơ và hệ lụy lâu dài đối với sự phát triển của quốc gia và dân tộc.
Nước ta, những năm gần đây tình hình “lợi ích nhóm” phát triển phức tạp và lan rộng, báo hiệu nguy cơ rất đáng lưu ý. Quảng Nam có thể có ít (và hy vọng là thế), nhưng cũng không được chủ quan!
Báo chí nói riêng, truyền thông nói chung, cần tích cực tham gia chỉ rõ những yếu kém, lối ra và giải pháp khắc phục, đấu tranh chống “lợi ích nhóm”, tiêu cực và tham nhũng, lãng phí; xây dựng ý thức và tâm huyết đối với sự phát triển của quê hương, cải thiện cuộc sống của nhân dân, tiếp tục giảm nghèo nhanh hơn và bền vững. Đồng thời báo chí phải trực tiếp tham gia thúc đẩy đổi mới tư duy, chuyển đổi căn bản cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà, đưa Quảng Nam thành một trung tâm du lịch (nghỉ dưỡng và văn hóa), có công nghiệp phụ trợ ít ô nhiễm môi trường và giá trị tăng cao, có nền nông nghiệp chủ yếu sản xuất nguyên dược liệu và thực phẩm công nghệ cao và tham gia sản xuất phần mềm công nghệ thông tin…, ra sức phổ biến các thông tin khoa học và công nghệ mới để ngày càng nâng cao nhận thức, tạo niềm tin và sự quan tâm đối với con đường khởi nghiệp, nhất là đối với thế hệ trẻ.
TS. VŨ NGỌC HOÀNG