Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các gia tộc vẫn luôn cố giữ những di văn của tiền nhân như gia phả, sắc phong, sổ bộ, khế ước… Thậm chí, những di văn này còn được coi trọng hơn cả của cải, điền sản của gia tộc. Hơn thế, những di văn tự thân còn có giá trị về mặt khoa học, là những cứ liệu lịch sử cần thiết và ý nghĩa. Di văn của tộc Hồ Tiên Châu xã Bình Sa, huyện Thăng Bình (gọi tắt là tộc Hồ Tiên Châu) là một ví dụ.
Một trang di văn của tộc Hồ Tiên Châu, xã Bình Sa, Thăng Bình. |
Hiện nay tộc Hồ Tiên Châu còn giữ ít nhất 5 tập tài liệu văn bản Hán Nôm và một số văn bản chữ Quốc ngữ khác. Mỗi văn bản có nhiều trang. Ngoài ra, theo truyền miệng của gia tộc tộc Hồ Tiên Châu, còn có một số tài liệu văn bản Hán Nôm khác như gia phả, sắc phong… nhưng đã bị thất truyền vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Năm tập tài liệu văn bản Hán Nôm được ghi chép trên chất liệu giấy dó, có dấu ấn triện của “cơ quan chức năng” đương thời, gồm: Tập tài liệu số 1 (trình bày sự tích tiền hiền, viết năm Bảo Đại thứ 15 - 1940); Tập tài liệu số 2 (xin xác nhận của quan trên về tộc họ tiền hiền, năm Bảo Đại thứ 16 - 1941); Tập tài liệu số 3 (tờ ưng thuận của chư phái tộc trong xã, năm Bảo Đại thứ 15 - 1940); Tập tài liệu số 4 (sao lại Tập tài liệu số 3, 1940); Tập tài liệu số 5 (liên quan đất đai, viết vào các năm Quang Hưng thứ 13 - 1590, Chính Hòa thứ 10 - 1689, Cảnh Thịnh thứ 9 - 1801).
Bảo chứng tộc tiền hiền
Trong nhiều văn bản đều có thông tin về tộc Hồ Tiên Châu là tộc tiền hiền của làng. Tập tài liệu số 1 ghi “Ngài Hồ Đại lang là tiền hiền của làng ta”. Tập tài liệu số 2 ghi: “Tiền hiền Châu Đại lang và Tiền hiền Hồ Đại lang, vào khoảng thời gian dưới triều Hoằng Định (1601 - 1619) nhà Lê, đã từ vùng đất Nghệ An vào đây” (thực ra, theo Tập tài liệu số 5, tộc Hồ Tiên Châu đã vào đây trước thời Hoằng Định). Tập tài liệu số 3 ghi “Vốn trước đây, Phái Quốc quận Châu tiền hiền, An Định quận Hồ tiền hiền cùng đến vùng đất này”.
Trong các văn bản liên quan đến đất đai có niên đại sớm (1590, 1689, 1801) của tập tài liệu số 5 cũng đã nhắc đến tên của những người tộc Hồ Tiên Châu, trong đó có tên Hồ Nhơn Soái (còn gọi là Hồ Đại lang).
Điều khách quan của 3 văn bản của tập tài liệu số 1, số 2 và số 3 không phải do người thuộc tộc Hồ soạn thảo mà do người tộc Châu là Châu Phiên (nguyên Giáo sư của xã) soạn thảo. Các văn bản có chữ ký xác nhận của người chức sắc (quản lý chính quyền) như Lý trưởng Trịnh Quyền, cựu Lý trưởng Châu Tế, Hương kiểm Châu Mai, Hương bộ Châu Chương, Hương dịch Châu Tùng, Hương bản Châu Bút, Hương thơ Châu Vĩ. Ngoài ra, một số văn bản còn có chữ ký và lăn dấu vân tay của chư phái tộc trong làng, mà những cá nhân đại diện như: Châu Năm, Châu Khóa, Châu Quân, Châu Bá Trân, Châu Tải, Châu Quý, Châu Khuyến, Châu Hà, Nguyễn Thoại, Trần Sinh, Nguyễn Bản, Nguyễn Khanh, Đặng Đều/Đèo, Phan Trúc, Lương Thùy, Nguyễn Hạnh, Nguyễn Ninh, Bùi Tích, Hà Vận, Trần Huệ, Nguyễn Tùng, Bùi Ẩm, Chu Giới, Nguyễn Tảo, Châu Lạp, Đoàn Trí, Nguyễn Triện… Trong đó có một số người ghi rõ chức tộc trưởng. Hiện nay, những tộc họ nêu trên đều đang tồn tại trên địa bàn; hậu duệ của những người có tên trên cũng đang sinh sống tại địa phương. Những tính danh của tộc họ khác được lưu trong di văn của tộc Hồ Tiên Châu cũng là một bảo chứng quan trọng của những tộc họ đó.
Đặc biệt, tập tài liệu số 2 là văn bản xin xác nhận và xin được công nhận tộc Hồ Tiên Châu là tộc tiền hiền của làng do nguyên Giáo sư Châu Phiên soạn thảo, đã được Lý trưởng Trịnh Quyền “nhận thực” (có nghĩa chứng thực) và có “lời phê”: “Như vậy (thì) thuận theo”. Như vậy, từ năm Bảo Đại thứ 16 (1941) “quan trên” đã xác nhận tộc Hồ Tiên Châu là tộc tiền hiền của làng.
Bảo chứng về công tích
Tộc Hồ Tiên Châu không chỉ là một trong những tộc tiền hiền của làng mà còn có công lao trong quá trình xây dựng và phát triển làng. Các văn bản Hán Nôm đã khẳng định điều này.
Tập tài liệu số 1 ghi: “Hồ Đại lang (…) cùng với tôn hiền Phái Quốc (tức là tộc Châu tiền hiền) vào đây, khai thác ruộng đất ở cánh đồng Tiên để làm nông nghiệp” đã làm cho vùng đất Tiên Châu trở nên phát triển yên ổn: “Tiên sa mạc mạc hề/ Châu thủy ương ương/ Giai khẩn dĩ canh hề/ Vu thử chi cương = Cồn Tiên mênh mông/ Lạch Châu thăm thẳm/ Cùng nhau khẩn canh/ Tạo dựng bờ ranh” và được “làng, tộc ngưỡng vọng công lao như núi cao sông dài (Hương tộc ngưỡng kì công hề/ Sơn cao thủy trường)”.
Tập tài liệu số 2 và tập tài liệu số 3 & 4 cũng ghi chép quá trình dựng làng lập ấp của tộc Hồ Tiên Châu: “kiến canh điền bạ, quy dân lập ấp” (Tập tài liệu số 2); “hiệp đồng xuất lực khai khẩn xã nội địa phận” (Tập tài liệu số 3); “chiêu mộ an dân” (Tập tài liệu số 4).
Đất Quảng nói riêng và miền Trung, miền Nam nói chung, là vùng đất nam tiến của cư dân Việt phía bắc. Cho nên ở vùng đất mới, những cư dân cộng tồn luôn luôn ghi nhận và ghi ơn những bậc tiền nhân, những tộc họ tiền hiền đã có công khai khẩn, quy dân lập ấp. Tộc họ tiền hiền có một vị thế rất được coi trọng trong làng xã và theo đó có những vinh hạnh trong tổ chức thiết chế văn hóa làng xã. Những gia tộc nào còn lưu giữ được những di văn chính là lưu giữ được những bảo chứng quan trọng có giá trị truy về nguồn cội.
NGUYỄN DỊ CỔ