Bảo đảm an toàn cho ngành thủy sản khi có bão, áp thấp nhiệt đới

M.L 25/09/2022 15:10

(QNO) - Hôm nay 25.9, Sở NN&PTNT có văn bản đề nghị các địa phương và đơn vị liên quan tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống thiên tai trong lĩnh vực thủy sản.

Đưa tàu cá vào nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: N.T
Đưa tàu cá vào nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: N.T

Theo đó, đối với hoạt động khai thác thủy sản, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá cho chủ tàu/thuyền trưởng.

Khi có bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), cam kết đưa tàu tìm nơi tránh trú an toàn và thông tin về gia đình, chính quyền địa phương. Yêu cầu chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định và đảm bảo thiết bị hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu rời cảng đến khi tàu cập cảng.

Các địa phương có khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã được nhà nước đầu tư xây dựng, có phương án quản lý khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định. Phối hợp các ban quản lý cảng cá hướng dẫn, sắp xếp tàu cá neo đậu đảm bảo an toàn.

Rà soát điều kiện đảm bảo an toàn, có phương án cho tàu cá neo đậu, tránh trú tại các khu neo đậu tránh trú bão tự nhiên (cửa sông, vùng sông, vùng biển kín, vùng bãi ngang), hướng dẫn chủ tàu/thuyền trưởng neo đậu thành cụm, mỗi cụm không quá 3 tàu (khoảng cách mỗi cụm tối thiểu bằng chiều dài lớn nhất 1 thân tàu), có đệm tránh va, thả neo, dù neo, buộc, chằng chéo kiên cố tránh va đập, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của ngư dân.

Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu cá khi bão đổ bộ vào bờ. Yêu cầu các chủ tàu cá neo đậu trong cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão phải tuân thủ quy định phòng chống cháy nổ, ngắt các nguồn điện trên tàu tránh chập, cháy. Tuyệt đối không nấu ăn, thắp hương trên tàu cá khi đang neo đậu trong cảng cá, khu tránh.

Neo chắc lồng bè để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Ảnh: H.A
Neo chắc lồng bè để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Ảnh: H.A

Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, chính quyền địa phương cần có các biện pháp đồng bộ triển khai xuyên suốt đến tận cơ sở. Các hộ nuôi thủy sản lồng bè tại cửa sông phải di dời lồng nuôi vào các sông, rạch neo đậu an toàn. Tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè, sơ tán toàn bộ lao động trên lồng bè về nơi trú bão an toàn.

Các hộ dân nuôi tôm, cá, đặc biệt là các ao nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh phải chủ động dự trữ thức ăn, vôi, hóa chất xử lý môi trường ao nuôi trong những ngày thời tiết xấu. Gia cố bờ bao, lưới chắn nhằm tránh triều cường lên, nước dâng làm vỡ bờ thất thoát vật nuôi. Chủ động chằng chống hệ thống điện, gia cố chòi canh, kho chứa vật tư cho an toàn, dự trữ nhiên liệu, máy nổ đảm bảo hệ thống quạt nước ao nuôi vận hành trong thời gian có bão nhằm hạn chế thiệt hại.

Sở NN&PTNT yêu cầu Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và Quản lý cảng cá tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn trên hệ thống loa truyền thanh của cảng các quy định về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá tránh trú bão an toàn; đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong thời gian tàu cá neo đậu ở vùng nước trước cảng. Cập nhật, phát thông báo các bản tin dự báo bão, ATNĐ.

Đồng thời yêu cầu chủ tàu/thuyền trưởng đang neo đậu tàu trong khu vực cảng di chuyển vào khu tránh trú bão khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, thống kê số tàu cá neo đậu ở vùng nước trước cảng báo cáo về Sở NN&PTNT.

Chi cục Thủy sản phối hợp với chính quyền địa phương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, nắm bắt kịp thời tình hình, hướng dẫn tàu cá đang khai thác trên biển di chuyển theo hướng phù hợp để tránh trú bão, ATNĐ. Theo dõi, giám sát hoạt động nuôi trồng thủy sản trước, trong và sau bão, ATNĐ. Phối hợp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương, các ban quản lý cảng cá hướng dẫn, sắp xếp cho tàu cá vào neo đậu tại các khu neo đậu tránh trú bão theo đúng nơi quy định, đảm bảo an toàn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo đảm an toàn cho ngành thủy sản khi có bão, áp thấp nhiệt đới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO