Bảo đảm bình đẳng giới trong thu hồi đất

VINH ANH 02/03/2023 07:53

Ngày 27/2, Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 7 (khóa XIV) nhằm tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bà Lê Thị Na Vi - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiên Phước góp ý. Ảnh: V.A
Bà Lê Thị Na Vi - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiên Phước góp ý. Ảnh: V.A

Tại hội nghị, ngoài bố cục, nội dung và những vấn đề trọng tâm của dự thảo luật, cán bộ Hội LHPN tỉnh quan tâm đến các nội dung về trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất... Nhiều nội dung góp ý mong muốn Nhà nước quan tâm, đảm bảo bình đẳng giới, quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong lĩnh vực đất đai.

Liên quan đến Điều 89 khoản 2 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định nguyên tắc bồi thường về đất ở khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ.

Bà Lê Thị Na Vi - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiên Phước cho biết qua tổ chức lấy ý kiến góp ý của cán bộ, hội viên phụ nữ, đa số ý kiến thống nhất mở rộng chủ thể được hưởng chính sách bồi thường và hỗ trợ đến những người trực tiếp sử dụng đất, hay có sự ảnh hưởng trực tiếp khi bị thu hồi đất.

Theo bà Vi, việc thu hồi đất đang gây bất lợi cho nữ nhiều hơn nam. Nguyên nhân là nhiều trẻ em gái và phụ nữ chưa kết hôn đang ở với cha mẹ, tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất “có quyền sử dụng đất chung” trong hộ gia đình của cha mẹ.

Tuy nhiên, phụ nữ sau khi lấy chồng, về sống trong gia đình nhà chồng, họ không phải là người “có quyền sử dụng đất chung” với gia đình nhà chồng. Mặc dù họ có thể là người sử dụng đất chính (theo nghĩa đen của từ này).

Ví dụ, bố mẹ chồng già yếu, chồng đi làm ăn xa, con dâu là người trực tiếp sử dụng đất cho các hoạt động như cày cấy, chăn nuôi, trồng trọt… trên đất mà hộ gia đình nhà chồng có quyền sử dụng đất hoặc con dâu là người tạo ra thu nhập chính cho gia đình bằng việc mở cửa hàng, bán tại nhà đất mà bố, mẹ chồng và chồng có quyền sử dụng.

Vì vậy, theo bà Vi, quy định “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” tại khoản 2 Điều 89 đúng, “nhưng chưa đủ để bảo đảm bình đẳng giới”. Vì chủ thể được bồi thường là người có đất bị thu hồi.

Như vậy, con dâu hoặc con rể (trên thực tế chủ yếu là con dâu) sống chung với gia đình nhà chồng hoặc nhà vợ - người trực tiếp sử dụng đất bị thu hồi – bị mất nguồn sinh kế, bị loại khỏi các chính sách bồi thường cũng như hỗ trợ của Nhà nước, khi Nhà nước thu hồi đất.

Do đó, bà Vi đề nghị mở rộng chủ thể được hưởng chính sách bồi thường và hỗ trợ đến những người trực tiếp sử dụng đất, hay có sự ảnh hưởng trực tiếp khi bị thu hồi đất.

Đồng thời có thể gọi họ là người sống cùng với người có đất bị thu hồi. Như vậy, chủ thể được hưởng bồi thường và hỗ trợ sẽ là người có đất bị thu hồi và người sống cùng với người có đất bị thu hồi.

Để tránh cụm từ người sống cùng với người có đất bị thu hồi bị hiểu khác nhau, cụm từ này cần được giải thích tại Điều 3 của dự thảo luật. Chủ thể này cần ít nhất 3 điều kiện: con dâu hoặc rể, vợ hoặc chồng của người có đất bị thu hồi; trực tiếp sử dụng đất mà bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ, chồng hoặc vợ là người có đất bị thu hồi; thời gian sống cùng và trực tiếp sử dụng đất từ bao nhiêu năm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo đảm bình đẳng giới trong thu hồi đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO