Thời điểm này, các địa phương trong tỉnh bước vào mùa trồng rừng của năm nên việc chuẩn bị nguồn cây giống đảm bảo chất lượng luôn được ngành lâm nghiệp quan tâm.
Nói không với giống quế ngoại lai
Để phục vụ cho kế hoạch bảo tồn, trồng mới cây quế Trà My năm 2019, các huyện Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My đã tổ chức gieo ươm được 1,1 triệu cây quế con. Toàn bộ các hạt giống quế này được thu hái từ rừng giống chuyển hóa và các cây quế trội đã được Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận. Trong đó, Nam Trà My sản xuất 450 nghìn cây, Bắc Trà My 470 nghìn cây và Phước Sơn 220 nghìn cây. Sở NN&PTNT cho rằng, nguồn giống này đảm bảo phục vụ cho kế hoạch trồng rừng quế Trà My năm 2019 tại các huyện nêu trên.
Vùng quy hoạch bảo tồn, phát triển quế Trà My được UBND tỉnh phê duyệt gồm các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Phước Sơn. Theo đó, sẽ phát triển 834,5ha cây quế, hỗ trợ trồng xen 83,2ha; chăm sóc rừng giống chuyển hóa là 8ha; chăm sóc 60 cây trội. Còn nhớ, việc trồng rừng quế Trà My năm 2018 gần như “vỡ” chỉ tiêu đề ra. Theo kế hoạch của năm ngoái, các địa phương trồng 510ha cây quế Trà My và hỗ trợ trồng xen cây nông nghiệp, dược liệu dưới tán rừng quế chưa khép tán 129ha. Tuy nhiên, do số lượng cây giống quế Trà My hạn chế nên trước mắt UBND tỉnh cho phép triển khai tại huyện Nam Trà My với diện tích 83ha và diện tích trồng xen dưới tán rừng quế 74ha. Mới đây, Sở NN&PTNT công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp cho 30 cây quế trội tại huyện Phước Sơn và 10ha rừng giống quế chuyển hóa từ rừng trồng tại thôn 1, xã Trà Dơn (Nam Trà My).
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – Trần Văn Mẫn, khi quy hoạch bảo tồn, phát triển cây quế Trà My, địa phương rất quan tâm đến khâu sản xuất nguồn giống bản địa, vì cây giống luôn trong tình trạng cầu vượt cung. Trong mỗi vườn quế ở xã Trà Leng (Nam Trà My), chính quyền khuyến cáo người dân nên giữ lại vài cây cổ thụ để lấy hạt, ươm thành cây con để nhân rộng nguồn gen quý của giống quế bản địa.
Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng – ông Lê Hoàng Việt cho biết, chính quyền tuyên truyền, vận động người dân chỉ gieo trồng và thu mua cây giống từ các vườn ươm trên địa bàn xã, không nên bán những vườn quế; tuyệt đối không mua bán, tiêu thụ giống quế ngoại lai. “Vùng quế bản địa của xã nằm phân tán, nguồn cây giống chỉ đủ phục vụ cho công tác bảo tồn nguồn gen quý là chính, chứ cũng chưa nhiều để phục vụ cho các địa bàn lân cận” – ông Việt nói. Trong khi đó, theo UBND huyện Nam Trà My, nguồn quế giống ở Trà Leng được lựa chọn cung cấp cho người dân các xã khác trồng nhân rộng.
Cần đầu tư vườn ươm chất lượng
Trước những khó khăn trong phát triển rừng trồng gỗ lớn, bảo tồn các loài dược liệu quý hiếm, từ năm 2018 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh ưu tiên đầu tư, hỗ trợ vườn ươm cây giống đảm bảo chất lượng. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – ông Lê Minh Hưng cho biết, ngành đã tham mưu, hướng dẫn các địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh về các thủ tục liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định mới tại Thông tư số 30, ngày 16.11.2018 của Bộ NN&PTNT. Nhiều doanh nghiệp đã lên miền núi phát triển vườn ươm cây giống, như dự án đầu tư khu sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Hào Hưng tại xã Mà Cooih (huyện Đông Giang); vườn ươm cây giống lâm nghiệp tại xã Cà Dy (huyện Nam Giang) của Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Phú Ninh và Trung tâm Sản xuất giống nông, lâm nghiệp công nghệ cao của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam.
Lịch thời vụ trồng rừng năm nay của tỉnh bắt đầu từ giữa tháng 9 cho đến đầu tháng 1 năm sau. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng hơn 9.000ha rừng sản xuất, phòng hộ. Theo Xí nghiệp Giống lâm nghiệp Chiên Đàn (Phú Ninh), mỗi năm cơ sở cung cấp khoảng hơn 1 triệu cây giống lâm nghiệp cho các huyện Tiên Phước, Quế Sơn, Phú Ninh, Thăng Bình. Thời điểm này, chưa phải là mùa cao điểm trồng rừng nên số lượng cây giống, chủ yếu keo cấy mô và keo tai tượng Úc bán ra thị trường chưa nhiều. Còn theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn Quảng Nam có khoảng 50 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp có giấy phép kinh doanh; nhiều hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất vườn ươm nên khó kiểm soát chất lượng nguồn giống.
Nhiều năm nay, tiến độ trồng rừng gỗ lớn ở hầu hết các địa phương miền núi diễn ra hết sức chậm chạp do thiếu hụt nguồn giống keo cấy mô, người dân mua giống trôi nổi trên thị trường. Vào mùa trồng rừng mới, người dân lẫn doanh nghiệp đều ra Đà Nẵng hay vào Bình Định mua giống keo cấy mô, hoặc giống ngoại nhập.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh thống kê, các vườn ươm trên địa bàn tỉnh đã tổ chức gieo ươm cây con phục vụ cho mùa vụ trồng rừng năm 2019 với số lượng hơn 54 triệu cây (gồm các loài cây chủ yếu như keo, sao đen, lim xanh, quế...). Giống cây lâm nghiệp là một khâu quan trọng và có tính quyết định đến toàn bộ chuỗi sản xuất hàng hóa đối với ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc bị động về nguồn cây giống và số lượng cơ sở vườn ươm đảm bảo chất lượng vẫn còn hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế lâm nghiệp của tỉnh chậm phát triển so với các địa phương lân cận.