Hiến pháp 2013 đã khẳng định nguyên tắc Nhà nước “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người và quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.
|
Cử tri Quế Sơn bày tỏ phấn khởi với những thông tin về Hiến pháp 2013 tại cuộc tiếp xúc cử tri của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN |
Một thay đổi về nhận thức
Theo GS-TS. Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội), điểm thay đổi lớn nhất, đáng chú ý nhất là những quy định của Hiến pháp mới về quyền con người và quyền công dân. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam đã đưa cách tiếp cận của thế giới về nhân quyền vào Chương II: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Việc thay đổi vị trí từ Chương V trong Hiến pháp 1992 lên Chương II trong Hiến pháp sửa đổi 2013 và bổ sung “Quyền con người” vào tên chương, không đơn thuần chỉ là sự chuyển dịch về mặt cơ học, một hoán vị về bố cục, mà là một thay đổi về nhận thức.
Đáng chú ý, Hiến pháp đã thay đổi cách thức hiến định về các quyền con người, từ công thức “Nhà nước “quyết định”, “trao” quyền cho người dân”, sang công thức “Các quyền con người là tự nhiên, vốn có, Nhà nước phải ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện, không phân biệt đẳng cấp, màu da, giới tính…”. “Đây là một thể hiện quan trọng bậc nhất trong tư duy chính trị pháp lý của Việt Nam” - GS-TS. Nguyễn Đăng Dung nói.
Bảo đảm thực thi trong thực tế
Quyền con người, quyền công dân không chỉ được quy định trong Chương II mà là nội dung xuyên suốt, nhất quán trong toàn bộ Hiến pháp năm 2013. Việc đưa các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân vào nhiều chương khác của Hiến pháp nhằm tạo ra cơ chế hiến định bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Tại Điều 3 trong Chương I: Chế độ chính trị, đã ghi nhận quan điểm, chính sách của Nhà nước Việt Nam là công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Từ đây, đặt ra nghĩa vụ của tất cả chủ thể ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều phải công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Các quy định tại Chương III của Hiến pháp sửa đổi về chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường có vai trò rất quan trọng đối với thực hiện quyền con người, quyền công dân. Đây chính là điều kiện để bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.
Cũng lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước ta, Hiến pháp trực tiếp quy định nhiệm vụ của Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân về bảo vệ quyền con người, quyền công dân - một nhiệm vụ hiến định. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, việc quy định các quyền con người trong Hiến pháp là cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người và mỗi công dân được hưởng thụ và thực hiện cũng như bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là các quyền đó phải được thực thi trong thực tế. Trong cơ chế thi hành pháp luật hiện nay, nhiều quyền hiến định trong Hiến pháp sửa đổi có thể vẫn sẽ là quyền hình thức nếu không được thể chế hóa trong các luật cụ thể.
Hỏi đáp Hiến pháp - Hỏi: Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dựa trên những căn cứ nào? - Trả lời: Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dựa trên sáu căn cứ sau: 1. Trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp; chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có đủ cơ sở, nhận được sự thống nhất cao và phù hợp với tình hình mới. 2. Tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992, đó là: Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. 3. Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 4. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị, vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 5. Tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân; thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. 6. Sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng nên phải tiến hành chặt chẽ, khoa học có sự lãnh đạo của Đảng; bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân và các cơ quan, tổ chức; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền không để các đối tượng xấu, các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá, xuyên tạc trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG) |
KIẾN QUỐC (Theo dangcongsan.vn)