UBND tỉnh vừa ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND tỉnh chuyển đến. Theo quy chế, kiến nghị của cử tri do Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến bao gồm: các nội dung, ý kiến phản ảnh của cử tri trong tỉnh thông qua các đợt tiếp xúc cử tri trước, sau mỗi kỳ họp, các đợt tiếp xúc cử tri chuyên đề, tiếp xúc cử tri tại nơi công tác và kết quả giám sát của ĐBQH tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh. Các kiến nghị này được Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, phân loại theo lĩnh vực và gửi đến UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương để giải quyết, trả lời theo thẩm quyền (khiếu nại, tố cáo của công dân không thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của quy chế này, việc xem xét, giải quyết được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo).
Theo quy chế, công tác tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị phải bảo đảm các nguyên tắc: kiến nghị phải được các sở, ngành, địa phương tiếp nhận, giải quyết, trả lời theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và có sự phối hợp chặt chẽ, tránh sự chồng chéo giữa các sở, ngành, địa phương trong quá trình giải quyết. Các sở, ngành, địa phương tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị phải bảo đảm tính dân chủ, khách quan, đầy đủ, đúng trọng tâm, đúng pháp luật, báo cáo kết quả về UBND tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan và cử tri theo quy định của pháp luật. Việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác của các sở, ngành, địa phương; là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương.
Theo quy chế, kiến nghị của cử tri được phân loại theo thẩm quyền giải quyết (kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh; kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết, trả lời của các sở, ngành thuộc tỉnh; kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết, trả lời của chính quyền địa phương) và phân loại theo kết quả giải quyết (kiến nghị đã được giải quyết xong; kiến nghị đang giải quyết; kiến nghị sẽ giải quyết; kiến nghị giải trình, thông tin lại với cử tri).
UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm tiếp nhận, phân loại kiến nghị có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, văn bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị, Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm tham mưu văn bản UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh phân công các sở, ngành, địa phương tiếp nhận, tham mưu giải quyết, trả lời ý kiến cử tri; đồng thời theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện của các sở, ngành, địa phương. Ngoài ra, UBND tỉnh quy định cụ thể trách nhiệm và thời hạn của các sở, ngành, địa phương trong việc trả lời kiến nghị trả lời kiến nghị của cử tri. Quy chế nêu trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10.1.2018.
TÙNG CHI