Một Biên bản ghi nhớ cam kết thực hiện toàn diện về sự liên kết tuyên truyền phát triển du lịch tại Hội thảo báo Đảng lần 2, vòng IV khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Báo Quảng Nam tổ chức vừa qua là một sáng kiến mới, lần đầu tiên trong “lịch sử” hội thảo báo Đảng khu vực.
|
Ký kết hợp tác. Ảnh: T.P |
Khoảng trống liên kết tuyên truyền
Theo nhận định của các báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tất cả báo Đảng địa phương đã xác định việc tuyên truyền du lịch vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược. Các báo đã cổ xúy cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ưu tiên phát triển dịch vụ, du lịch. Mảng đề tài du lịch luôn xuất hiện trên các chuyên mục, chuyên trang của báo in và báo điện tử, cùng các ấn phẩm đặc biệt. Nhiều tờ báo đã dành “đất” thích đáng cho tuyên truyền về du lịch, giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương, giới thiệu các tour/tuyến, điểm đến hấp dẫn. Báo Đảng các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã tìm tòi, hiến kế cho ngành du lịch những sáng tạo, phát triển đa dạng các loại hình du lịch; phê phán những hiện tượng tiêu cực, lệch chiều trong tổ chức dịch vụ du lịch, ảnh hưởng xấu môi trường, xúc tiến đầu tư. Trên tiến trình định hình thương hiệu của một cơ quan truyền thông, các báo địa phương đã tích cực cải tiến nội dung, hình thức, hình thành sơ khởi loại hình báo chí đa phương tiện. Trên các mặt báo, tin tức, hình ảnh về du lịch, các sự kiện du lịch của quốc gia, khu vực, các lễ hội ở các tỉnh, thành… liên tục được cập nhật và tuyên truyền rộng rãi đến với độc giả.
Trên một bình diện khác, mặc dù đã có khá nhiều thành công nhưng các báo Đảng cũng đã thừa nhận việc tuyên truyền của các báo Đảng địa phương còn thiếu tính liên kết, hợp tác trong tổ chức thông tin về du lịch cho nhau. Những chuyên trang, chuyên mục có tính nối kết du lịch liên vùng vẫn còn quá “mỏng”. Tất cả đều ở dạng tự phát, phần ai nấy làm, chưa hề có được một “sợi dây” gắn kết. Những chuyên mục hay như “nhìn ra tỉnh bạn”, “góc lữ hành”, “ảnh dọc đường”… đã được mở nhưng không thường xuyên và đăng tải không đều kỳ. Ngoài ra, các báo Đảng cũng không tận dụng hết ưu thế của báo điện tử để tạo ra sự liên kết, tạo sản phẩm có sức lan tỏa trên truyền thông đến với công chúng và du khách ngày càng rộng rãi hơn. Vì thế, các sản phẩm có tính nối kết cả vùng đã được định hình thương hiệu trong giới du lịch như “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Đường Trường Sơn huyền thoại”… vẫn chưa có được sức hút mạnh mẽ. Sự thiếu hụt này cũng do việc quảng bá trên báo chí địa phương và hợp tác liên vùng còn hạn chế nên chưa thể tìm được tiếng nói chung…
Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa Trần Thị Thủy cho rằng, khuynh hướng mạnh ai nấy tỏ, đèn ai nấy rạng trong cách làm du lịch hiện nay là không riêng tỉnh nào trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên. “Dải đất này vốn có nhiều tương đồng về địa lý, khí hậu lịch sử, văn hóa, con người… Đó là cơ sở đầu tiên tạo “chất keo” cho sự gắn kết vùng miền. Tuy nhiên, vì thiếu sự liên kết nên các địa phương chưa tìm được tiếng nói chung trong việc hạn chế sự cạnh tranh không cần thiết cũng như sự nghèo nàn, đơn điệu, dẫm chân nhau trong phát triển du lịch” - bà Thủy nói.
Hiến kế liên kết và hợp tác
Tại hội thảo “Liên kết tuyên truyền phát triển du lịch” được mở lần này, một chương trình nghị sự đã bàn định, đánh giá, nhìn nhận, mổ xẻ một cách chính xác, đầy đủ về thực trạng du lịch, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức thông tin tuyên truyền hiệu quả về lĩnh vực này của tự mỗi cơ quan báo chí. Tất cả cơ quan báo Đảng khu vực đều cho rằng sự liên kết lúc này là điều hết sức cần thiết. Rất nhiều ý kiến đưa ra hội thảo hiến kế nhằm xác lập mối liên kết dài hơi hơn. Đó là việc các báo viết nên dành đất cho các chuyên mục nhìn ra tỉnh bạn, mở thông tin kết nối tour và hỗ trợ thông tin tuyên truyền và giao lưu khi có sự kiện văn hóa du lịch. Các báo cần khai thác thế mạnh báo điện tử để mở các chuyên mục giới thiệu các điểm đến du lịch, tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương để giới thiệu rộng rãi trên toàn vùng… Kết nối vùng miền qua đường link báo điện tử và phối hợp tổ chức các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề du lịch trên các ấn phẩm đặc biệt. Vấn đề mở rộng một cuộc vận động cổ xúy cho các sản phẩm kết nối liên vùng như “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên” hoặc xuất bản ấn phẩm chung về du lịch và trao giải thưởng cho tác phẩm đạt chất lượng cao… là điều đã được đặt ra.
Không ít báo Đảng cho rằng cần hợp lực, chung tay để xây dựng thương hiệu du lịch miền Trung. Đó là phải tập trung khai thác tính độc đáo, đặc trưng của sản phẩm du lịch, tạo diễn đàn tương tác giữa tòa soạn và du khách, cộng tác viên để trao đổi những vấn đề quan tâm. Một cuộc thi báo chí về du lịch nhằm phát hiện, quảng bá những điển hình trong kinh doanh du lịch dịch vụ và phát hiện những điểm mới trong ngành để nhân rộng hoặc cần sự “chia lửa”, “tiếp sức” trong những sự kiện du lịch lớn là điều nhanh chóng cần thực hiện.
Thành công lớn nhất của hội thảo lần này chính là 19 cơ quan báo Đảng miền Trung – Tây Nguyên đã tìm ra con đường hợp tác “đôi bên cùng có lợi” khi thống nhất ký một biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác tuyên truyền du lịch để góp phần cho sự phát triển chung của du lịch toàn vùng. Đây là sáng kiến mới mẻ đầu tiên trong “lịch sử” các kỳ hội thảo báo Đảng miền Trung – Tây Nguyên. Điều này có thể sẽ tạo bước ngoặt mới để “thống nhất tuyên truyền liên vùng”, mở ra cơ hội vàng cho việc tạo dựng thương hiệu du lịch toàn vùng và làm sống lại những thương hiệu mạnh đã từng bị xem như những đứa con vô thừa nhận như “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên” hay “Con đường cái quan” đã được mở từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã bị đứt đoạn trong quá khứ.
Không giống như những cuộc bàn định liên kết giữa các địa phương thường bị “tắc” vì không ai chịu ai, không tìm ra nhạc trưởng hay vì lợi ích cục bộ địa phương, kết quả của sự liên kết tuyên truyền của các báo Đảng sẽ là tất cả đều có lợi. Tuy nhiên, nói dễ nhưng làm sẽ khó nếu như tư duy lãnh đạo của chính tờ báo vẫn bó hẹp trong không gian biệt lập địa phương hay các cơ quan báo chí không đủ “mạnh” để đề nghị chính quyền, cơ quan quản lý địa phương “mời” phóng viên các báo Đảng miền Trung – Tây Nguyên tham dự những sự kiện văn hóa du lịch của mỗi địa phương trên toàn vùng.
Cần mở rộng phạm vi tác nghiệp của các phóng viên Ông Cao Trường Sơn, Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Bình cho rằng lúc này mới đặt vấn đề liên kết là hơi bị… chậm. Không đòi hỏi quá nhiều nguồn lực vật chất cho hoạt động này, nhưng nếu liên kết tuyên truyền của các báo có sự chia sẻ của doanh nghiệp thì càng có điều kiện nâng cao chất lượng tuyên truyền. Có thể liên kết toàn khu vực hoặc có thể từng cặp, vài ba tỉnh… tùy thực tế phát triển du lịch của mỗi địa phương. Ông Mai Đức Lộc – Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng cho rằng khi các địa phương đang dần kết nối để bắt tay làm nên những sản phẩm du lịch chung thì các báo Đảng vẫn chưa có sự thống nhất nào cho việc thông tin chung về tình hình phát triển du lịch của các địa phương. Các báo Đảng vẫn đang bó hẹp không gian không tin trên địa bàn, chưa chủ động phát triển thông tin sang các tỉnh, thành phố lân cận. Điều đó đã làm mất đi các kênh quảng bá hiệu quả cho du lịch vùng, nhất là các sự kiện lớn như festival Huế, festival Di sản Quảng Nam, festival cà phê… hay Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng… “Các báo cần tạo điều kiện cho phóng viên mình tham gia tác nghiệp ở các địa phương đang diễn ra sự kiện, thay vì khu biệt thông tin trên địa bàn như hiện nay. Điều này rất cần một nhạc trưởng có thể điều phối hoạt động thông tin về du lịch miền Trung – Tây Nguyên, khắc phục tình trạng đơn điệu, thiếu chiều sâu trong công tác quảng bá du lịch” - ông Lộc nói. |
TÙY PHONG