Báo động dịch cúm gia cầm lan rộng

NAM VIỆT 20/01/2014 12:01

Đầu năm 2014, dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại, số ca lây nhiễm và tử vong do vi rút cúm A/H7N9 tiếp tục được phát hiện. Biện pháp phòng tránh và tiêu diệt triệt để dịch cúm đang được triển khai rộng rãi tại nhiều nước…

Ngày 18.1, Cục Y tế Trung Quốc thông báo số ca nhiễm mới cúm A/H7N9 tại nước này là 8 ca, xảy ra tại các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông. Như vậy, kể từ khi trường hợp nhiễm cúm H7N9 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 3.2013 đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận gần 200 người nhiễm với tổng số ca tử vong là 54 người. Các chuyên gia Trung Quốc khẳng định, vi rút cúm A/H7N9 chủ yếu lây nhiễm từ gia cầm sang người, chưa có bằng chứng cho thấy vi rút này có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên, để làm tốt công tác phòng chống bệnh dịch, Cục Y tế Trung Quốc yêu cầu cơ quan y tế các địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan rộng, nhất là thời tiết ẩm và lạnh như hiện nay tương đối thuận lợi cho việc truyền nhiễm các loại vi rút cúm gia cầm.

Các quan chức y tế Trung Quốc tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh cúm.
Các quan chức y tế Trung Quốc tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh cúm.

Hiện, Cục Y tế Trung Quốc đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, cũng như cơ quan y tế các quốc gia tiếp giáp biên giới với Trung Quốc để kiểm soát diễn biến tình hình, phối hợp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Cục Y tế Trung Quốc cũng cảnh báo người dân không nên đến khu vực từng xuất hiện dịch cúm, hạn chế tiếp xúc với gia cầm và sản phẩm gia cầm…

Trong khi đó, đất nước Hàn Quốc cũng đang được đặt trong tình trạng báo động về dịch cúm gia cầm lan rộng. Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết đã tiêu hủy khoảng 21 nghìn con vịt tại một trang trại tỉnh Bắc Jeolla, sau khi phát hiện có trường hợp nhiễm cúm H5N1. Việc tiêu hủy 60 nghìn con vịt tại các trang trại gần đó cũng đang được tiến hành. Ngoài ra, chính quyền địa phương đang mở cuộc điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của khoảng 1.000 con chim di trú tại một hồ nước ở Gochang. Các biện pháp đảm bảo an toàn cũng được áp dụng tại 24 trang trại ở các tỉnh có giao dịch mua bán gia cầm với khu vực này. Được biết, dịch cúm gia cầm bùng phát lần cuối cùng tại Hàn Quốc năm 2011 khi hơn 6 triệu gia cầm bị tiêu hủy tại 280 nông trại trên khắp đất nước, gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho người chăn nuôi.

Hiện các nước chung đường biên giới Trung Quốc khẩn trương thực hiện công tác phòng chống, kiểm soát chặt chẽ đề phòng gia cầm nhiễm bệnh có thể xâm nhập vào lãnh thổ. Nhất là trong dịp Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu buôn bán gia cầm càng tăng cao…Người dân các nước được khuyến cáo cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay vẫn còn nhiều mơ hồ trong việc nhận diện triệu chứng nhiễm cúm A/H7N9 ở người. Tuy nhiên, ghi nhận ở các bệnh nhân nhiễm bệnh tại Trung Quốc đều có tình trạng chung là viêm phổi nặng với một số triệu chứng như sốt, ho và khó thở… Nghiêm trọng hơn là nguồn lây, phương thức lây truyền, cách thức điều trị, cũng như biện pháp dự phòng… hiện vẫn còn là những thách thức lớn đối với các nhà khoa học. Vì vậy, khi có dấu hiệu nói trên, bệnh nhân nên được nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để khám, theo dõi và điều trị sớm.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Báo động dịch cúm gia cầm lan rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO