Chỉ trong vòng 10 ngày, từ ngày 7 - 17/3, huyện Phước Sơn có đến 10 bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc do ăn cá chép ủ chua. Báo động về thói quen sử dụng thức ăn từ thực phẩm lên men được đặt ra...
Ngộ độc Botulinum
Kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá muối ủ chua do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện xác định cả 3 chùm ca bệnh ngộ độc tại huyện Phước Sơn đều được kết luận nguyên nhân liên quan đến vi khuẩn Clostridium Botulinum.
“Cả 3 chùm ca bệnh cùng ăn một loại thức ăn là cá chép muối ủ chua. Trong quá trình chế biến loại thức ăn này, cá được bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín sau 2 - 3 tuần mới lấy ra ăn.
Đây là yêu tố tạo điều kiện cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển. Người bệnh khi ăn phải loại vi khuẩn này sẽ gây ra tình trạng ngộ độc rất nguy hiểm đến tính mạng” - bác sĩ Lê Minh Dũng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (đóng tại Đại Lộc) thông tin.
Ngay sau khi có kết luận ngộ độc Botulium, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc đã tiến hành kết nối hội chẩn online cùng các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Chiều tối 18/3, các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường mang 5 lọ thuốc giải độc Botulium để điều trị cho bệnh nhân. Đây là loại thuốc rất hiếm, trị giá 6.000 - 8.000 USD/lọ, và đến nay số thuốc này cơ bản đã dùng hết.
Hiện Việt Nam chỉ còn 5 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải độc tố Clostridium Botulinum ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Cả 5 lọ thuốc này đều được mang ra Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam giải độc cho bệnh nhân.
Phác đồ điều trị được các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy vạch ra với 3 trường hợp đang được thở máy (gồm một nữ, 2 nam), mỗi người dùng một lọ thuốc giải BAT - theo dõi sát phản vệ trong và sau truyền 8 giờ, đồng thời theo dõi sát biến chứng loạn nhịp tim, chăm sóc bệnh nhân thở máy.
Hai bệnh nhân còn lại tiếp tục theo dõi sát tình trạng yếu liệt để quyết định có sử dụng thuốc giải hay không. Toàn bộ vỏ, lọ thuốc BAT được giữ lại. Nhóm chuyên gia cũng đưa ra yêu cầu đề nghị ngành y tế Quảng Nam nhanh chóng tìm nguồn nhiễm do 3 chùm ca bệnh ở 3 xã khác nhau dưới 100km, không do một cơ sở sản xuất nhưng xảy ra trong một khoảng thời gian.
Khẩn cấp cảnh báo
UBND huyện Phước Sơn cũng đã phát đi thông báo khẩn cấp, yêu cầu người dân trên địa bàn huyện không sử dụng thực phẩm cá chép ủ chua, đồng thời khuyến cáo cần thay đổi hành vi, thói quen ăn uống.
Cùng với đó, liên tục các ngày 18 & 19/3, Sở Y tế có các văn bản đề nghị các địa phương vùng núi cao tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, sở đã khuyến cáo người dân trên địa bàn không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua. Không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng...; cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép làm chua.
Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng cũng như không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ, không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc, không ăn nấm đã bị dập nát, hư hỏng. Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng...
Trước đây, đã có nhiều vụ ngộ độc Botulinum do sử dụng thực phẩm đóng hộp xảy ra với triệu chứng nặng, từ vụ ngộ độc pate Minh Chay, ngộ độc bún chay ở Bình Dương, ngộ độc ở Kon Tum do người dân chế biến cá ủ muối đóng vào hộp rồi bỏ ra ăn… Các ca ngộ độc này có diễn biến nặng bởi người dùng nhiễm độc tố Botulinum, độc tố được sinh ra trong môi trường yếm khí, điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Theo Bộ Y tế, độc tố của Clostridium Botulinum có độc lực mạnh hơn độc tố của tất cả các vi khuẩn khác. Botulinum chịu được men tiêu hóa và môi trường axit nhẹ của dạ dày, mất tác dụng bởi kiềm và nhiệt độ cao.
Thời gian ủ bệnh 8 - 10 giờ, có trường hợp chỉ 4 giờ với các biểu hiện như nôn, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, yếu ớt, da khô, đau bụng, bụng chướng, táo bón; giãn đồng tử, mất phản xạ ánh sáng, liệt cơ tim...
Trước đây, các ca ngộ độc Botulinum rất hiếm gặp, tuy nhiên những năm gần đây xu hướng ngộ độc tăng lên do cách bảo quản thực phẩm lạm dụng các túi hút chân không.
Ngoài ra, vi khuẩn Clostridium Botulinum hoạt động không gây ra mùi thối khó chịu, không làm biến đổi màu hay gây nhớt trên bề mặt thực phẩm nên người tiêu dùng không nhận biết...
Các chuyên gia cảnh báo, với các sản phẩm làm tại gia đình, người dân cần bảo quản ở môi trường âm sâu, không nên để trong môi trường tự nhiên quá lâu. Độc tố Botulinum bị phân hủy ở nhiệt độ cao nên thức ăn đóng hộp cần nấu sôi hoặc hấp khoảng 10 phút trước khi ăn để đảm bảo an toàn.