Báo động ô nhiễm môi trường nước ven biển

NGUYỄN QUANG VIỆT 25/04/2016 09:06

Các loài hải sản nuôi chết hàng loạt tại các khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh đang báo động tình trạng ô nhiễm môi trường nước và cần triển khai ngay các biện pháp khắc phục.

Hải sản chết hàng loạt

Những ngày qua, người dân ở các xã ven biển trên địa bàn huyện Núi Thành đổ xô đi bắt hàu, ốc, nghêu… Điều đáng nói là đây là khoảng thời gian đang vào mùa nhưng việc khai thác không đem lại hiệu quả. Những người khai thác cho biết, các loài nhuyễn thể ngày càng ít đi tại các khu vực Cửa Lở (xã Tam Hải) và cửa An Hòa (xã Tam Quang và Tam Giang). “Cách đây chừng 2 năm, tôi có thể khai thác được chừng 20kg nghêu mỗi ngày, nhưng gần đây thì trúng lắm cũng chỉ thu được 7 - 8kg. Nghêu lớn chết nhiều trong thời gian qua nên không có nguồn sinh sản. Có thể loài này tuyệt diệt bởi nguồn nước ngày càng ô nhiễm hơn” - ông Nguyễn Văn Định (thôn Long Thạnh Tây, xã Tam Hải) cho biết. Ông Định kể rằng, rất nhiều lần bắt gặp hiện tượng nổi váng trên mặt nước ở khu vực cửa Lở. Khi vớt lên thì có hiện tượng chất nhày như keo mỏng, dính vào tay, bốc lên mùi hôi như dầu mỡ. “Lắm lúc cào được nhiều nghêu, mừng rỡ vớt lên nhìn kỹ thì chúng đã chết tự khi nào. Có con mới chết ở miệng còn ứa ra chất nhờn màu trắng. Nghêu chết nhiều lắm, có khi không biết tiêu hủy thế nào nên vớt được ở chỗ này thì thả xuống lại ở chỗ khác” - ông Định nói.

Thời gian gần đây, cá nuôi trong lồng bè và hàu bị chết hàng loạt. Ảnh: N.Q.V
Thời gian gần đây, cá nuôi trong lồng bè và hàu bị chết hàng loạt. Ảnh: N.Q.V

Là người có nhiều năm nuôi hàu, nghêu ở khu vực Cửa Lở, ông Bùi Ngọc Hoành (thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải) cho hay, các loài nhuyễn thể chết hàng loạt trong thời gian qua khiến cho việc sản xuất thua lỗ. “Mỗi khi chăm sóc hàu, vớt chúng lên tôi thấy bắn ra nhiều tia nước nhỏ từ miệng nên biết chắc chúng đang hấp thụ không khí, trao đổi với môi trường. Thời gian qua, hầu như chúng nằm im, ít thấy con nào nhả ra chất bẩn. Nhiều con vớt về chết khô thành đống, đem đi tiêu hủy thấy xót xa” - ông Hoành nói. Ông Hoành còn kể, gần đây, mỗi khi xuống vớt hàu thấy nguồn nước nóng và đục hơn, nhiều chỗ loang các vệt đen đục kéo dài hàng chục mét. “Nguồn nước ngày càng biến đổi mà mình là nông dân, không phân tích được gì để có thể cứu chữa cho hàu, nghêu. Mong các ngành chức năng vào cuộc, tìm hiểu để giúp các hộ nuôi hàu, nghêu, tu hài trở lại sản xuất, để ổn định sinh kế” - ông Hoành nói. Trong khi đó, tại khu vực sông Trường Giang, nơi tiếp giáp giữa 2 xã Tam Quang và Tam Giang, cá điêu hồng, rô phi được nuôi trong lồng bè trong thời gian gần đây cũng đã chết hàng loạt.

Nguồn nước ô nhiễm

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, các loài hải sản như nghêu, hàu, tu hài, tôm thẻ chân trắng được nuôi ở khu vực ven biển chết nhiều trong thời gian qua là do biến động của môi trường nước. Biến động này chủ yếu bị gây nên bởi 2 yếu tố: ô nhiễm do xả thải chưa qua xử lý và biến đổi của thời tiết, khí hậu. “Qua quan sát, chúng tôi thấy rằng, nguồn nước ở các khu vực nuôi thủy sản có nhiệt độ cao hơn so với trước đây, độ mặn cũng lớn hơn. Khi các yếu tố này thay đổi thì các loài hải sản rất dễ chết đi do không thích nghi kịp với ngưỡng đã thay đổi. Còn các váng đen, vàng đục nổi lềnh bềnh, loang lổ, trôi trên nước rất có thể là dầu mỡ bị thải ra môi trường bên ngoài mà chưa qua xử lý. Tình trạng này rất đáng báo động” - bà Tâm nói. Cũng theo bà Tâm, do không tiếp nhận được nước từ đầu nguồn bởi thủy lợi Phú Ninh chắn dòng nên tại các khu vực nuôi thủy sản ở ven biển như Cửa Lở, cửa An Hòa biên độ triều rất thấp. Trong khi đó, các khu vực này lại ít được tiếp nguồn nước sạch từ biển vào nên rất dễ ô nhiễm.

Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai thừa nhận có tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại khu vực hạ lưu sông Trường Giang đoạn qua địa bàn các xã Tam Hải, Tam Quang, Tam Giang trước khi tiếp xúc với biển. Bởi khu vực này có 3 khu công nghiệp nhưng mới chỉ có Khu công nghiệp Bắc Chu Lai đưa hệ thống xử lý nước thải vào hoạt động. Qua phân tích, nguồn nước mặt tiếp nhận nước thải của 2 khu công nghiệp khác chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải bị ô nhiễm dầu mỡ và chất rắn lơ lửng ở cả hai mùa khô và mưa. Vào mùa khô, nguồn tiếp nhận nước thải từ Khu hậu cần cảng Tam Hiệp (gọi tắt là Khu Tam Hiệp) còn có dấu hiệu nhiễm mặn. Trong khi đó, tại nguồn tiếp nhận nước thải của Khu công nghiệp cơ khí ô tô Trường Hải (gọi tắt là Khu Trường Hải)còn xuất hiện thêm dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ và amoni.

Cần giải pháp căn cơ

Theo ông Nguyễn Viết Thuận - Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, kết quả quan trắc nước sông Trường Giang tại 2 điểm đầu phía bắc và phía nam trong quý I.2016 không có dấu hiệu bất thường. Kết quả phân tích nguồn nước ở các năm trước đây cũng không có gì bất thường. Tuy nhiên, độ mặn có sự thay đổi lớn đối với đầu phía bắc thuộc xã Duy Vinh (Duy Xuyên) trong tháng 3 do bắt đầu vào mùa khô hoặc có thể do thủy triều.

Kết quả phân tích các mẫu nước được lấy tại vị trí xả thải của Khu Tam Hiệp và Khu Trường Hải cho thấy mức độ ô nhiễm khá cao đối với môi trường nước. Tại vị trí lấy mẫu của Khu Tam Hiệp, vào mùa khô thông số TSS (chất rắn trong nước) vượt 2 lần, BOD5 vượt 1,56 lần, COD vượt 1,66 lần và amoni vượt 1,49 lần. Đối với vị trí lấy mẫu của Khu Trường Hải, vào mùa mưa có thông số TSS vượt giới hạn quy chuẩn cho phép 1,2 lần và vào mùa khô thì có thông số Cl - vượt quy chuẩn 15,54 lần. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, nhìn chung nguồn nước mặt tiếp nhận nước thải của Khu Tam Hiệp và Khu Trường Hải đã có xu hướng gia tăng ô nhiễm dầu mỡ và giá trị TSS. Điều này đòi hỏi trong thời gian sắp đến cần đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các khu công nghiệp. Ngoài ra, cần phải có kế hoạch xây dựng các khu xử lý nước thải đô thị. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, qua đó giảm thiểu tác động xấu đến các nguồn nước mặt tiếp nhận.

Trước tình trạng ô nhiễm của sông Trường Giang nơi hạ nguồn, bà Phạm Thị Hoàng Tâm cho rằng, điều cần kíp là bắt tay nạo vét luồng lạch phục hồi dòng chảy cho sông. Các hoạt động nuôi thủy sản trái phép, thải nguồn nước chưa qua xử lý ra sông cũng như rớ, đáy được dựng lên để khai thác thủy sản cũng phải được giải tỏa. “Trước đây, khu vực này có hệ thống rừng ngập mặn như sú, vẹt, đước rất phong phú, nay cần được khôi phục, trồng lại để góp phần xử lý chất bẩn trong môi trường nước, chống xói lở và phục hồi đa dạng sinh thái, ổn định vùng nước. Tỉnh cũng nên xem xét, bố trí các tuyến đê dọc theo khu vực này để hạn chế tác động xấu đến môi trường nước, nhất là khi biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt hơn” - bà Tâm nói. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đồng tình với ý kiến này và cho rằng, tỉnh đang huy động các nguồn lực để nạo vét, khai thông luồng lạch sông Trường Giang. Trước mắt là ngành nông nghiệp, các địa phương ven biển cần nghiên cứu, tham khảo, bố trí các loại cây trồng thích hợp có tác dụng lọc nước, bảo vệ môi trường sinh thái ổn định tại khu vực ven biển.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Báo động ô nhiễm môi trường nước ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO