Tình trạng sạt lở ở miền núi ngày càng khốc liệt và ở mức báo động bởi nhiều nguyên nhân, trong đó sự suy giảm của chức năng rừng phòng hộ là điều đáng lo.
Số người chết, mất tích và bị thương sau đợt mưa lũ vừa qua chủ yếu do sạt lở đất. Theo báo cáo của UBND tỉnh, mưa lũ đã làm 35 người chết, bị thương và mất tích. Nguyên nhân chủ yếu là sạt lở đất. Tại huyện Bắc Trà My đã có 12 người chết và mất tích, trong đó vụ sạt lở núi đã chôn vùi 4 công nhân thuộc Công ty Thủy điện Trà My 1 và Trà My 2. Những công nhân này đang trong ca trực quản lý vận hành điện thì nửa đêm nguyên quả núi đổ sập vùi lấp. Hiện nay lượng công binh của Quân khu 5 cùng với lực lượng cứu hộ của huyện tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân. Ngày 7.11, một quả núi ở thôn 5 (xã Trà Bui, Bắc Trà My) bất ngờ đổ sập xuống vùi lấp 10 ngôi nhà dân, rất may hàng trăm người dân địa phương đã kịp thời sơ tán. Tương tự, tại huyện miền núi Phước Sơn cũng đã xảy ra một vụ sạt lở núi chôn vùi 4 người hiện chưa tìm thấy. Còn tại thôn 2 (xã Trà Vân, Nam Trà My) hiện tượng sạt lở đất làm lấp nhà 5 hộ dân, 13 người bị thương, 1 trẻ bị chết, 1 người mất tích. Tuyến đường Đông Trường Sơn, giao thông gần một tuần qua tê liệt hoàn toàn do hàng chục nghìn khối đất đá tràn xuống đường, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ vẫn tiếp tục diễn ra ở tuyến đường này.
Theo đánh giá của các chuyên gia địa chất, miền núi Quảng Nam có nhiều loại hình thiên tai, trong đó nguy hiểm nhất là sạt lở đất. Mức độ sạt lở ngày càng khốc liệt và nguy hiểm bởi nhiều khu dân cư của đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa lưng vào núi, hoặc nằm dưới đồi núi cao vốn có kiến tạo về địa chất yếu. Đồi núi chống đỡ yếu ớt với mưa lớn do nghèo nàn đa dạng sinh học, các loại cây với chức năng giữ đất và nước dần thưa thớt. Độ che phủ rừng mỗi năm tăng lên nhưng có xu hướng rừng với chức năng phòng hộ suy giảm dần. Ở đồi núi dốc, đất bị phong hóa qua nhiều năm nên vào mùa mưa luôn ở trong trạng thái bão hòa nước; trong khi đó, rừng bị suy giảm, mặt đệm bị bào mòn không có khả năng giữ được nước.
Ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai phân tích, lũ quét là lũ diễn ra nhanh, bất ngờ, có sức tàn phá lớn trên đường đi khe suối, lòng dẫn, sườn núi. Sạt lở đất thường xảy ra trên bề mặt dốc không ổn định khi lớp đất trở lên bão hòa hoặc khả năng thấm kém, xảy ra sạt lở sau khi có mưa lớn. “Những vụ chết người thương tâm ở khu vực miền núi sau lũ là hồi chuông tiếp tục cảnh báo về hậu quả phá rừng vô tội vạ” - ông Hoài nói.
TRẦN NGUYỄN