Việc tai nạn giao thông (TNGT) tăng 20% so với tháng 5.2016 là con số đáng báo động, cần sự vào cuộc từ cơ quan chức năng cũng như chính người tham gia giao thông.
Đường chật, người đông và xe tải nặng đi lại chen chúc là nguyên nhân dẫn đến xung đột trên tỉnh lộ 609B. Ảnh: C.T |
Tăng hơn 20%
Thống kê từ ngày 16.4 đến 15.5, trên địa bàn tỉnh xảy ra 24 vụ TNGT khiến 18 người tử vong và 16 trường hợp khác bị thương nặng. Trong đó, đường bộ chiếm gần như tuyệt đối với 23 vụ, 17 trường hợp vĩnh viễn rời xa mái ấm gia đình, 15 nạn nhân mang thương tật suốt đời. Một vụ việc nghiêm trọng còn lại thuộc về đường sắt. So với tháng 5.2016, TNGT xảy ra trên đường bộ tăng cả 3 tiêu chí, mỗi tiêu chí vượt hơn 20%. Cụ thể: số vụ tăng 4 (tăng 21%), tăng 3 người chết (21%) và tăng 3 người bị thương (tăng 25%). So với cùng tháng 4 vừa rồi, số vụ TNGT trong tháng 5 này tăng 2 (10%), nhưng lại khiến tới 6 người chết (tăng 55%). Một sự bùng phát báo động” - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, ông Trương Khuê nói. Lo ngại là tính mạng con người đâu chỉ bị đe dọa trên quốc lộ, tỉnh lộ hay giao thông nông thôn, TNGT còn xuất hiện ngay ở khu vực nội thị tỉnh lỵ Tam Kỳ, vốn đường sá rộng thênh thang do chưa chịu áp lực lớn về lưu lượng người tham gia giao thông. Ngay cả Đô thị cổ Hội An, địa bàn được xem là có mức “đề kháng” cao cũng lọt vào danh sách thống kê.
Phân tích nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn đường bộ, phần lớn xuất phát từ ý thức kém của một bộ phận người tham gia giao thông, nhất là nam giới (gây ra 21 vụ) như: không tôn trọng Luật Giao thông đường bộ, sử dụng bia rượu vượt nồng độ cồn cho phép rồi điều khiển xe... Một cán bộ chuyên trách cho biết thêm, vượt đèn đỏ cũng là kiểu vi phạm dễ thấy nhất, nổi cộm là địa bàn Tam Kỳ, Thăng Bình, Điện Bàn, Đại Lộc… Đặc biệt, lái xe gây tai nạn do vi phạm làn đường, phần đường chiếm đến 13 vụ. Cho biết thêm về nguyên nhân khác khiến xung đột trên đường bộ, ông Trương Khuê khẳng định mật độ xe tăng nhanh gần đây làm rối loạn, giảm độ an toàn và tính ổn định của hệ thống giao thông. Hạ tầng nhiều trục huyết mạch cứ mãi “đuổi” sau so với tốc độ gia tăng của phương tiện cơ giới đường bộ. Ông Trương Khuê đơn cử: “Quốc lộ 40B, mặt đường đoạn qua Phú Ninh hay Tiên Phước nhỏ, quanh co chưa xứng tầm của một tuyến độc đạo lên vùng cao tây nam. Qua khảo sát, chúng tôi thật sự lo ngại cho tỉnh lộ 609B, đoạn ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông, Đại Lộc. Lưu lượng xe tăng đột biến kể từ khi cầu Giao Thủy đưa vào sử dụng, trong lúc bề mặt quá chật hẹp, ô tô tải nặng qua lại đông đúc thì chuyện va chạm là khó tránh khỏi”.
Tăng cường tuần tra
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, đứng đầu danh sách về số vụ và số người chết do TNGT trong tháng 5 là TP.Tam Kỳ với 5 vụ xảy ra khiến cho 6 người tử vong. Điện Bàn (5 vụ, 3 người chết, 4 người bị thương), Núi Thành (4 vụ, 2 người chết, 3 trường hợp khác bị thương) và Đại Lộc (3 vụ, 2 người chết, 2 người bị thương) là những địa phương tiếp theo bùng phát TNGT đường bộ. Cùng với đó, các huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tiên Phước đều có người tử vong vì vấn nạn này. Như vậy, 10/18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã xảy ra sự cố đáng tiếc. Để kiềm chế, giảm thiểu TNGT, Quảng Nam đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện và hàng loạt văn bản chỉ đạo thời gian qua. Đó là chưa kể, nhiều kế hoạch, chương trình hành động được triển khai rộng khắp hoặc tiến hành theo chuyên đề. Theo ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, đơn vị và các cơ quan thành viên cũng như Ban ATGT các địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động trên mặt trận tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm cải thiện ý thức người tham gia giao thông, hướng đến một môi trường lưu thông an toàn.
Trước mắt, các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm để “điều chỉnh” trực tiếp hành vi của đối tượng coi thường luật pháp. Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh cho hay, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành giao thông vận tải tiếp tục các biện pháp siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô; chỉ đạo duy trì hoạt động thường xuyên liên tục trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, phối hợp lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ. Một yếu tố nữa là Ban ATGT tỉnh cần tiếp tục duy trì các tổ liên ngành về kiểm soát xe quá tải trọng, cơi nới thùng hàng, ghe chở vật liệu, bến bãi cát sỏi. Công an tỉnh chỉ đạo cảnh sát giao thông, công an các địa phương phối hợp với công an xã, chính quyền cơ sở tập trung xử lý trên các tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn; có biện pháp giáo dục và đưa ra kiểm điểm trước dân đối với các đối tượng cá biệt thường xuyên vi phạm. Cần phải kiểm tra về tiến độ thực hiện cam kết của chủ đầu tư BOT liên quan lắp đặt đèn tín hiệu tại các vị trí giao cắt trên quốc lộ 1. Nhiều cử tri thì khẳng định, người thực thi công vụ phải làm hết trách nhiệm và xử phạt công tâm trước mọi hành vi vi phạm pháp luật. Cảnh sát giao thông không thể đổ lỗi, rằng lực lượng mình mỏng mà để cho xe quá tải lộng hành, trong khi bản thân có đủ quyền năng cho phép dừng, kiểm tra, xử phạt… “TNGT liên quan đến xe tải đang bùng phát. Ban ATGT tỉnh vào cuộc hậu kiểm hiệu quả sử dụng cân tải trọng đã phát cho công an các địa phương, tránh thất thoát ngân sách nhà nước và làm suy giảm niềm tin nơi nhân dân” - một cử tri Duy Xuyên nói.
CÔNG TÚ