Hiện có đến 10 bệnh nhân được phát hiện và điều trị bệnh Whitmore tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Đây là con số đáng báo động về bệnh nhiễm trùng nguy hiểm trong tình hình mưa lũ vẫn còn tiếp tục...
Mắc bệnh sau khi tiếp xúc với đất
Ông Võ Tiến B. ở xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) nhập viện trong tình trạng đau nhức xương khớp, có sốt. Với tiền sử bệnh nền bị xơ gan và có một số biểu hiện lâm sàng là sưng đau khớp gối, bệnh viện (BV) tiến hành các xét nghiệm vi sinh học trong máu, cấy máu và ông được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn gọi là bệnh Whitmore).
"Tôi làm nghề nông, thường xuyên lội nước, ao hồ... Trước khi phát sốt và đau nhức khớp, tôi có dọn dẹp phát quang quanh nhà, tiếp xúc trực tiếp với đất" - ông B. nói. Sau 2 tuần thực hiện phác đồ điều trị của Khoa Y học nhiệt đới, ông B. cho biết đã giảm tình trạng đau bụng, đau khớp và hết sốt.
Ông Nguyễn Ngọc Võ Khoa – Trưởng khoa Y học nhiệt đới (BV Đa khoa tỉnh) cho biết, các bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Burkholderia còn gọi là vi khuẩn Whitmore. “Hai trường hợp đầu tiên là tình cờ bệnh nhân vào khám, chữa các bệnh về xương khớp, phổi, trong quá trình điều trị, theo dõi, bác sĩ nghi ngờ nên tiến hành cho cấy máu. Đúng như dự đoán, do vi khuẩn Whitmore gây ra. Từ đó BV đã có những chuyên đề, hội thảo để cảnh báo các khoa phòng về căn bệnh này. Đặc biệt, sau đợt bão lũ vừa qua, số lượng bệnh nhân gia tăng nhiều. Hiện tại trong BV có khoảng 10 ca, đặc điểm là bệnh này hay xảy ra trên nền bệnh nhân cao tuổi, có tiền sử mắc các bệnh tiểu đường, huyết áp… và đặc biệt có những vết thương, đây chính là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập và phát triển” - ông Nguyễn Ngọc Võ Khoa nói.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, số lượng ca bệnh Whitmore có liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với lượng mưa hằng năm và đặc biệt tăng cao sau lũ lụt. Vi khuẩn gây bệnh này được tìm thấy trong đất, nước bẩn hay tại các cánh đồng lúa và các vùng nước tù đọng, có thể lây lan sang người và động vật bằng việc tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm.
Người mắc bệnh Whitmore chủ yếu do vi khuẩn xâm nhập cơ thể qua các vị trí da, vết thương bị xây xước hoặc hít phải bụi, hơi nước, uống nước có nhiễm khuẩn. Hầu hết bệnh nhân mắc Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, không rõ ràng, tổn thương đa cơ quan. Chẩn đoán dễ bỏ sót và dễ nhầm với bệnh khác, đặc biệt là bệnh lao do tính chất tổn thương giống lao.
Cần đảm bảo vệ sinh cá nhân
Bệnh Whitmore thường gặp ở người có tiền sử đái tháo đường, chiếm tỷ lệ khoảng 60% người mắc. Thời kỳ ủ bệnh ngắn nhất được ghi nhận là 1 ngày và dài nhất là 62 năm.
“Khuyến cáo đối với nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền và người có vết thương về da phải giữ vệ sinh, cần hạn chế những vấn đề về tiếp xúc với những nơi môi trường có nguy cơ. Điều thứ 2, đối với những nhóm người trên nếu có biểu hiện về lâm sàng, ví dụ như nhiễm trùng kéo dài, trong trường hợp với các xét nghiệm bình thường hoặc với bệnh cảnh nhiễm trùng không đáp ứng với điều trị phải nghĩ đến bệnh này và phải được thực hiện các xét nghiệm chuyên ngành chuyên khoa" - ông Nguyễn Ngọc Võ Khoa nói.
Hiện tại, BV Đa khoa tỉnh đã chỉ đạo các khoa phòng khác khi xét nghiệm bệnh nhân nhiễm Whithmore cần được tập trung về Khoa Y học nhiệt đới để thực hiện điều trị. Đối với y bác sĩ của Khoa Y học nhiệt đới phải bố trí khu vực cách ly, điều trị các bệnh nhân này theo tiêu chuẩn của một bệnh nhân nhiễm ở mức độ cao về thuốc men và phương tiện, cũng như tất cả dụng cụ bảo hộ của nhân viên y tế phải thực hiện nghiêm theo quy trình của Bộ Y tế.
Trước đó, Sở Y tế đã có công văn số 2164/SYT-NVY yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh để lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và đối tượng nguy cơ cao. Theo Bộ Y tế, bệnh Whitmore được điều trị bằng cách sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B.pseudomallei và các thuốc điều trị các triệu chứng, biến chứng kèm theo, đồng thời chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Tuy bệnh không lây truyền từ người sang người, nhưng có thể lây nhiễm qua giọt máu, cũng như qua các vết thương. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không bảo đảm vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…