Báo động tình trạng hỏa hoạn ở miền núi

DIỄM LỆ - ĐĂNG NGỌC 18/08/2021 07:12

Liên tiếp những vụ cháy rừng, cháy nhà xảy ra tại các huyện miền núi thời gian gần đây càng khiến công tác phòng cháy chữa cháy được chú trọng. Bên cạnh khuyến cáo người dân đề phòng “giặc lửa”, chính quyền các địa phương đang nỗ lực tìm hướng phòng cháy hiệu quả.

Hiện trường vụ cháy nhà xảy ra tại huyện Tây Giang vào sáng 16.8.2021. Ảnh: ĐĂNG NGỌC
Hiện trường vụ cháy nhà xảy ra tại huyện Tây Giang vào sáng 16.8.2021. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

Liên tục cháy rừng

Trong tháng 7 & 8.2021, hàng loạt vụ cháy rừng đã liên tục xảy ra trên địa bàn huyện Tiên Phước vì nắng nóng, nhiệt độ cao, kèm theo gió Tây Nam thổi mạnh. Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Tiên Phước, tổng diện tích rừng bị cháy khoảng 100ha, thiệt hại kinh tế khoảng 8 tỷ đồng. Các vụ cháy rừng trồng cây keo, nguyên nhân chủ yếu đều do người dân đốt thực bì để trồng lại rừng mới.

Vụ cháy rừng vào đầu tháng 8.2021 tại khu vực Núi Vú (tiểu khu giáp ranh 3 xã Tiên Hà, Tiên Châu, Tiên Cẩm) gây thiệt hại 10ha rừng trồng của Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam và một số hộ dân, có một người tử vong khi tham gia chữa cháy rừng. Sau đó, liên tục xảy ra cháy rừng trồng tại các xã Tiên Mỹ, Tiên Lãnh.

Riêng xã Tiên Lãnh đã xảy ra liên tiếp 3 vụ cháy rừng, khiến hàng chục héc ta rừng trồng bị thiêu rụi. Còn tại xã Tiên Mỹ, vụ cháy rừng vào ngày 5.8 tại khu vực Chỗm Bồ thuộc khoảnh 12, tiểu khu 548 kéo dài 3 ngày đêm mới dập tắt được, gây thiệt hại 30ha rừng trồng của người dân.

Ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Các vụ cháy rừng hầu hết là do người dân đốt thực bì để trồng keo. UBND huyện đã ra thông báo khẩn, kể từ 0 giờ ngày 6.8.2021, nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa ở trong, gần khu vực rừng để đốt xử lý thực bì, đốt ong, đốt nương… và các hành vi khác gây nguy cơ cháy rừng. Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định với mức từ 1 triệu đến 100 triệu đồng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Nâng cao ý thức

Sau vụ cháy nhà nghiêm trọng xảy ra tại khu dân cư Cha’lăng (xã Ch’Ơm, Tây Giang) mới đây, bên cạnh hỗ trợ khắc phục hậu quả, chính quyền và người dân địa phương đang tìm hiểu nguyên nhân về vụ hỏa hoạn. Ông Bríu Hồ - Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm suy đoán 2 nguyên nhân chính dẫn đến vụ cháy: chập điện và lửa bén từ củi bếp. Ở vùng cao, cả 2 nguyên nhân này đều được cho là hợp lý, bởi đã từng xảy ra những vụ cháy nhà tương tự do bất cẩn của chủ nhà.

Cuối năm 2020, xã Ch’Ơm ghi nhận một vụ cháy nhà dân không rõ nguyên nhân. Sau cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định, vụ cháy xảy ra cho ngọn lửa bất ngờ bùng phát từ kho củi được đặt ở vị trí rất gần bếp lửa. Các vụ cháy đều xảy ra vào ban đêm hoặc lúc chủ không có nhà, giữa thời điểm gió nồm thổi mạnh vào mùa khô.

“Văn hóa người miền núi thường trữ củi ở nhà bếp, nơi có vị trí tiếp xúc rất gần với lửa, rất dễ xảy ra cháy nổ. Thực tế thời gian qua, ở địa phương đã có không ít vụ cháy nhà nguyên nhân do lửa cháy lan sang khu dự trữ củi. Trước tình trạng này, bên cạnh khuyến cáo người dân hạn chế trữ củi khô trong nhà, đặc biệt là nhà bếp, chúng tôi còn thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác với “giặc lửa” trong mùa khô” - ông Hồ chia sẻ.

Không chỉ ở Tây Giang, tại các huyện Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My… thời gian qua liên tiếp ghi nhận các vụ cháy nhà do chập điện, bếp sưởi ấm hoặc bất cẩn trong việc nấu nướng của chủ nhà. Bởi, hầu hết nhà bếp của người miền núi đều được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống và được trữ rất nhiều củi khô để nấu ăn.

Trong khi đó, nguyên liệu làm nhà chủ yếu bằng gỗ hoặc phên tre nứa rất dễ bén lửa, gây ra các vụ cháy nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn trước rủi ro, ở một số địa phương vùng thấp của Đông Giang, Nam Giang, người dân được khuyến cáo dự trữ củi khô tại khu vực cách xa nhà bếp, nhưng vẫn đảm bảo thuận lợi cho việc sinh hoạt hằng ngày.

Ở góc độ chuyên môn, một cán bộ công an ở huyện Nam Trà My cho biết, đa số vụ hỏa hoạn ở miền núi đều xảy ra vào ban đêm nên việc tiếp nhận thông tin thường rất trễ. Hơn nữa, do đặc thù nhà ở tại các điểm khá xa nhau, địa hình đồi núi nên việc tiếp cận hiện trường, cũng như triển khai các biện pháp chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Ở miền núi, hiện chưa có lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp, kỹ năng xử lý của người dân còn hạn chế khiến việc dập lửa không đem lại hiệu quả cao.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Báo động tình trạng hỏa hoạn ở miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO