Báo động tình trạng tảo hôn

THÁI BÌNH 25/07/2016 08:15

“Lấy chồng từ thuở mười ba/ Đến năm mười tám thiếp đà năm con”. Đâu đó trên các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam, vẫn còn nghe những lời ru buồn của các bà mẹ trẻ em.

Mười lăm tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, vậy mà cô bé người Bhnoong Hồ Thị P. (xã Sông Trà, Hiệp Đức) đã làm vợ, làm mẹ. Chưa có kiến thức chăm sóc chồng con, cuộc sống gia đình khó khăn, bữa ăn cho con chỉ là những gói cháo trắng mua vội. Hồ Thị P. tâm sự: “Lúc nghỉ học, em mới mười bốn tuổi. Nghỉ học em về lấy chồng luôn. Con em nay đã hơn bảy tháng tuổi. Giờ cuộc sống khó khăn, vợ chồng đi làm rẫy chẳng đủ để nuôi con, cũng buồn lắm. Em ước mơ được đi học lại. Con em sau này lớn lên sẽ không cho lấy vợ sớm, vì như vậy cuộc sống sẽ rất khó khăn”.

Người chịu thiệt thòi nhất của hủ tục tảo hôn vẫn là các bé gái làm mẹ khi chưa đủ tuổi vị thành niên.
Người chịu thiệt thòi nhất của hủ tục tảo hôn vẫn là các bé gái làm mẹ khi chưa đủ tuổi vị thành niên.

Không riêng gì Hồ Thị P., tại xã Sông Trà có đến 20 trường hợp tảo hôn, bỏ học lấy vợ, lấy chồng sớm. Điều đáng nói là xã Sông Trà chỉ có 40 hộ dân với 135 nhân khẩu mà số trường hợp tảo hôn lại nhiều đến vậy. Ông Trương Văn Phổ, người có gần 10 năm làm cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình xã Sông Trà, cho hay, Sông Trà là địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao nhất huyện Hiệp Đức. Chỉ tính từ năm 2010 - 2014, toàn xã có 47 trường hợp trẻ em vị thành niên lấy vợ, lấy chồng sớm và không được pháp luật công nhận. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, tại xã có 6 cặp lấy vợ, lấy chồng sớm. Đây là vấn đề nhức nhối ở địa phương.

Trong ngôi nhà trống trơn, bà Hồ Thị D. ở xã Phước Lộc (Phước Sơn) kể lại câu chuyện về đứa con gái lớn vừa được người ta bắt về làm vợ. Mới 13 tuổi, Hồ Thị H. được một thanh niên cùng thôn tên Hồ Văn T. rủ “đi nằm”,  một tục lệ của đồng bào, có nghĩa là cùng đi làm nương, làm rẫy và cùng ăn nằm với nhau. Thế là bé H. nghiễm nhiên trở thành vợ của Hồ Văn T., cho dù pháp luật không công nhận. Đôi mắt u buồn của em H. dường như đã nói lên tất cả những gì mà em đón nhận khi có chồng sớm. Bà Hồ Thị D. nói: “Nhà con đông, không có tiền, không có gạo nuôi con, thì cho nó đi lấy chồng, chừ gia đình họ bắt nó về làm vợ, nhà mình cũng có ít của cải. Nó khổ thì mình cũng đành chịu thôi”.

Hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số từ nhiều đời nay được coi là nguyên nhân chính của nạn tảo hôn đang bùng phát tại miền núi Quảng Nam. Một thực tế đáng lo ngại khác hiện nay là tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra ở các bản làng xa xôi mà đang len lỏi vào môi trường giáo dục học đường, nơi tưởng chừng các em được trang bị kiến thức, có thể tránh được nạn tảo hôn. Gần đây đã xảy ra nhiều cặp học sinh cưới nhau khiến tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng liên tiếp xảy ra. Lấy nhau khi tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nên cuộc sống của các cặp vợ chồng này gặp không ít khó khăn. Các em lấy vợ lấy chồng khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Rồi sinh nhiều con, con cái bị suy dinh dưỡng, bệnh tật, trí năng không phát triển bình thường như trẻ em khác.
Tại kỳ họp lần thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX mới đây, báo cáo thống kê ở 68 xã miền núi trong giai đoạn 2010 - 2015 có 1.534 trường hợp tảo hôn, 101 trường hợp hôn nhân cận huyết. Những con số này làm nhiều đại biểu phải giật mình. Ông Hồ Thanh Tân - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay, tình trạng này đang diễn biến ngày một phức tạp ở các huyện miền núi của tỉnh và nó đang gây ra những hệ lụy hết sức nghiêm trọng. Chính vì thế, quan trọng nhất vẫn là phải tập trung làm tốt công tác truyền thông để người dân hiểu, thay đổi nhận thức, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Giải pháp truyền thông phải là giải pháp lâu dài, với những hình thức đa dạng và hiệu quả. Đồng thời tập trung thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 4462/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 5.10.2015 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cùng dân tộc thiểu số. “Hiện nay, chúng tôi đang có nhiều phương án, xây dựng các tờ rơi cấp phát trong trường học, sinh hoạt của các hội đoàn thể ở địa bàn thôn, bản lồng ghép các chương trình cùng với Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh, huyện để tuyên truyền vấn đề này. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, đoàn thể, trường học và gia đình thì mới hy vọng hiệu quả cao được” - ông Tân nói.

THÁI BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Báo động tình trạng tảo hôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO