Báo động tội phạm tuổi vị thành niên

HOÀNG LIÊN 08/07/2013 08:49

Nguy cơ “trẻ hóa” đối tượng phạm tội là một thực tế đáng báo động tại Đại Lộc cũng như nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đã đến lúc mỗi gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội cùng ngành chức năng cần nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm trong việc giáo dục trẻ vị thành niên.

Nguy cơ từ...game online

Năm 2012, trên địa bàn huyện Đại Lộc, số vụ vi phạm pháp luật do đối tượng vị thành niên gây ra khoảng 60 vụ, chiếm khoảng 30% trong số các vụ án. Hầu hết đối tượng rơi vào các tội danh: trộm cắp tài sản, đánh người gây thương tích. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, theo số liệu từ phía Công an huyện, xảy ra 5 vụ đối tượng vị thành niên phạm tội, trong đó có 2 vụ cố ý gây thương tích (3 đối tượng), 2 vụ trộm cắp tài sản (2 đối tượng) và 1 gây rối trật tự công cộng (2 đối tượng). Tuy số vụ việc vi phạm do vị thành niên gây ra trong 6 tháng đầu năm nay không nhiều, nhưng hành vi, tính chất, mức độ vi phạm hết sức phức tạp. Ở các vụ ẩu đả, đánh người gây thương tích, cả hai bên đều sử dụng hung khí như dao, mã tấu, gậy gộc… Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ phạm tội ở độ tuổi vị thành niên, mà liên đới là sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý, giáo dục từ phía gia đình, nhà trường lẫn xã hội. Đáng nói, các vụ vi phạm pháp luật mà lực lượng công an phát hiện, xử lý hầu hết có sự tham gia của người ở tuổi vị thành niên, tập trung ở độ tuổi từ 14 - 18.

Môi trường game online là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tội phạm vị thành niên (ảnh minh họa).Ảnh: H.L
Môi trường game online là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tội phạm vị thành niên (ảnh minh họa).Ảnh: H.L

Trung tá Nguyễn Dũng - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Đại Lộc, cho biết: “Theo điều tra, xử lý vụ việc, điều đáng báo động là nguy cơ phạm tội có nguồn gốc ảnh hưởng từ game online rất lớn. Dịch vụ internet phát triển, mở rộng bao nhiêu thì nguy cơ phạm tội của vị thành niên càng nhiều”. Cũng theo ông Dũng, trên địa bàn huyện từng xảy ra 2 vụ án giết người gây chấn động dư luận có liên quan đến game online. Đó là vụ cháu giết bà nội để lấy tiền chơi game ở xã Đại An, thủ phạm chỉ mới học lớp 7. Mới đây nhất, ngày 2.7, Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Thức (SN 1997, trú thôn Mỹ Liên, xã Đại Nghĩa, Đại Lộc) 11 năm tù. Sự việc xảy ra vào cuối năm 2012, Thức phạm tội khi đang học lớp 9, trường THCS Trần Hưng Đạo, Đại Lộc. Cũng vào thời điểm cuối năm 2012, lực lượng chức năng phát hiện đường dây cắt trộm cáp điện thoại ở các xã Đại Thắng, Đại Tân, trong nhóm có sự tham gia của một đối tượng là học sinh và khai nhận, trộm cáp điện thoại bán để có tiền… chơi game. “Công tác kiểm soát dịch vụ game online hiện nay hết sức khó khăn do địa bàn trải dài, các chủ dịch vụ đều cam kết trước pháp luật về thời gian mở cửa - đóng cửa, hình thức và nội dung cung cấp game online. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều chủ dịch vụ không chấp hành quy định, hoạt động 24/24 giờ, cung ứng nhiều loại game hành động có nội dung bạo lực, đẫm máu, kích động, tiêm nhiễm cái xấu. Lực lượng chức năng không thể kiểm soát hết được” - Trung tá Nguyễn Dũng nói.

Tăng cường giáo dục

Lập tòa xử tội phạm vị thành niên
Để giải quyết các vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên đang ngày càng gia tăng, phức tạp, TAND Tối cao đang xây dựng Dự thảo đề án thành lập Tòa án Gia đình và trẻ vị thành niên. Theo Dự thảo đang xây dựng, việc thành lập tòa án này xuất phát từ tình hình tội phạm là người chưa thành niên đang chiếm tỷ lệ cao, nghiêm trọng và thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên ở Việt Nam. Tòa án được thành lập sẽ thúc đẩy việc xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ thông tin và số liệu về các vụ việc liên quan đến gia đình và trẻ vị thành niên, giúp các cơ quan xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách có những thông tin chính xác để đề ra những biện pháp thích hợp trong đấu tranh phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng như công tác chăm sóc, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của trẻ vị thành niên.
Dự kiến, TAND Tối cao sẽ hoàn tất đề án trình Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp cho ý kiến trong năm 2013, sau đó sẽ xây dựng và trình Quốc hội các dự án luật sửa đổi, bổ sung.(L.V)

Tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội ngày càng diễn biến phức tạp, có phần trách nhiệm không nhỏ của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, công tác giáo dục pháp luật chưa được nhà trường chú trọng; gia đình chưa đóng vai trò quyết định trong việc giáo dục, hình thành nhân cách cho các em. Để phòng chống loại tội phạm này, ngành công an cần thường xuyên phối hợp với các trường học tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong học đường; thông báo cho các em về tình hình hoạt động, vi phạm của tội phạm trên địa bàn huyện; tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác đối với “ma túy học đường”.

Theo Trung tá Nguyễn Dũng, trong quá trình đấu tranh, điều tra, ngành chức năng cần chú trọng tới việc quan tâm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, xác định nguyên nhân dẫn tới con đường phạm tội... để giúp các em cải tạo, rèn luyện nhân cách. Biện pháp đấu tranh với loại tội phạm này là đi từ tuyên truyền, phòng ngừa đến răn đe và lập hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng. Tuy nhiên, Trung tá Nguyễn Dũng cũng cho rằng, ngành chức năng sẽ gặp không ít khó khăn khi đối diện với loại tội phạm này. Bởi, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đều có “chính sách ưu đãi đặc biệt” đối với đối tượng phạm tội còn ở tuổi vị thành niên, nên trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm rất khó áp dụng triệt để tính răn đe của luật. Điều này dẫn đến hiện tượng “nhờn luật” ở một bộ phận không nhỏ vị thành niên. “Cũng có nhiều trăn trở được đặt ra, nhất là đối với trẻ phạm tội mồ côi, không nơi nương tựa, sau một thời gian cải tạo, nếu quay về tiếp tục bị xã hội, gia đình bỏ rơi, các em rất dễ tái phạm. Những trường hợp này cần có sự hỗ trợ rất lớn của ngành chức năng, địa phương, cộng đồng để giúp các em làm lại cuộc đời” - Trung tá Nguyễn Dũng nói.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Báo động tội phạm tuổi vị thành niên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO