Báo động vi phạm an toàn đường thủy

CÔNG TÚ 21/12/2021 10:03

Vi phạm an toàn giao thông đường thủy nội địa còn phổ biến, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Vì vậy, lực lượng chức năng, địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa và người dân phải có ý thức bảo vệ an toàn cho chính mình.

Khi có lực lượng chức năng, chủ ghe bến Duy Tân mới cầm áo phao năn nỉ khách mặc vào. Ảnh: C.T
Khi có lực lượng chức năng, chủ ghe bến Duy Tân mới cầm áo phao năn nỉ khách mặc vào. Ảnh: C.T

Vi phạm tràn lan

Tại bến đò xã Duy Tân (Duy Xuyên), nhiều chuyến đò chở người hàng ngày qua lại trên sông Thu Bồn. Pháp luật quy định người đi đò phải sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh, nhưng nhiều người đi đò không mặc áo phao. Khi lực lượng Thanh tra Sở GTVT bất ngờ đến kiểm tra, chủ phương tiện mới cầm áo phao phát và năn nỉ hành khách mặc vào.

“Tại sao mình không phát trước đi, mà chờ có lực lượng chức năng đi kiểm tra mới làm theo kiểu đối phó như vậy” - một thanh tra viên hỏi chủ bến. Chủ bến xác nhận đã từng đưa áo phao cho hành khách, nhưng nhiều người vẫn bất chấp, không sử dụng. Tại các bến đò ngang chở khách khác, như bến phà Tam Hải - Tam Quang (Núi Thành), tình trạng mặc áo phao kiểu đối phó cũng diễn ra như bến Duy Tân.

Trên các lòng hồ thủy lợi Khe Tân (Đại Lộc), Phú Ninh hay hồ thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My), người dân sử dụng phương tiện tự chế như ghe, vật dụng thô sơ kết thành bè để lên nương rẫy lao động, đánh bắt cá, chở gỗ keo. Ghe không được chủ thể đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Nhiều nhóm người cùng trên phương tiện mà không mặc áo phao...

Một tình huống vi phạm khác, theo ông Trương Văn Sơn - Phó Chánh thanh tra phụ trách Thanh tra Sở GTVT: “Mặc dù ngành chức năng và Ban ATGT tỉnh cảnh báo nhiều lần, một số hộ dân tại xã Tân Hiệp (Hội An) và xã Tam Hải (Núi Thành) vẫn lén lút đưa tàu cá vào vận chuyển khách du lịch tham quan quanh đảo Cù Lao Chàm, đảo Bàn Than. Lẽ tất nhiên, phương tiện khai thác sai mục đích này đều không đăng ký, đăng kiểm”.

Ở nhiều địa phương, việc kiểm tra hoạt động vận chuyển khách còn bỏ ngỏ, thế nên mới có chuyện không ít bến đò ngang chưa được cấp phép vẫn chở người qua sông. Mỗi ngày, bến đò ngang Đại Bình - Trung Phước chở hàng trăm lượt hành khách là học sinh, người dân đi học, buôn bán, lao động và cả du khách tham quan, nhưng nhiều năm ròng, bến bên bờ phải (bờ Trung Phước) chưa có giấy phép hoạt động. Dưới lòng sông Thu Bồn, ghe chở cát quá vạch dấu mớn nước an toàn thường xuyên diễn ra, nằm ngoài tầm kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Cần chấn chỉnh

Địa bàn Quảng Nam có hệ thống sông nhìn chung đều có độ dốc lớn, mùa mưa nhiều đoạn sông nước chảy xiết; mùa khô thì cạn, tàu thuyền đi lại khó khăn; luồng ra, vào tuyến sông tại cửa biển thường bồi lấp, dịch chuyển thay đổi trong năm như tại Cửa Đại (Hội An). Do có độ dốc, sông nhiều chỗ bên lở bên bồi, vì vậy dòng chảy xiết và không ổn định, mùa hè thường xuyên có dông lốc xoáy rất nguy hiểm cho phương tiện. Hai vụ tai nạn lật ghe thương tâm xảy ra vào 2 buổi chiều ngày 25.2 và ngày 8.5.2021 khiến cho 11 người chết là hồi chuông cảnh báo.

 Trước thực trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) diễn ra tràn lan, Ban ATGT tỉnh cho biết sẽ tiếp tục triển khai Tổ kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa (ĐTNĐ). Theo đó, lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông ĐTNĐ, các văn bản pháp luật có liên quan; vận động chủ phương tiện, chủ bến khách, người tham gia giao thông trang bị, sử dụng phao áo, dụng cụ nổi cứu sinh. Triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”.

Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết, tổ liên ngành còn tiến hành kiểm tra việc cấp lại bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện. Có biện pháp quản lý chặt chẽ ghe thuyền dùng để chở hàng hóa. Rà soát, đánh giá, xác định các vị trí nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn giao thông để tham mưu, đề xuất các giải pháp phòng ngừa.

Ban ATGT tỉnh yêu cầu Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố tăng cường điều tra cơ bản, nắm tình hình trên các tuyến ĐTNĐ, kịp thời phát hiện, kiến nghị ngành chức năng, chính quyền địa phương khắc phục bất cập trong tổ chức giao thông để phòng ngừa tai nạn. Đặc biệt, các địa phương phải thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý phương tiện thủy nội địa thô sơ có tải trọng toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người hay bè hoạt động trên địa bàn tỉnh mà UBND tỉnh đã ban hành.

Kiến nghị Bộ GTVT tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132 ngày 25.12.2015 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ để các địa phương có chế tài tăng mức xử phạt đối với hành vi phương tiện chở hành khách không trang bị áo phao, dụng cụ cứu sinh; người đi phương tiện, đi ghe thuyền không mặc áo phao; người lái uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Báo động vi phạm an toàn đường thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO