Bảo dưỡng tàu cá trước mùa biển động

NGUYỄN QUANG 25/08/2023 09:04

Mùa mưa bão sắp đến, việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, đăng kiểm cho tàu cá là rất cấp thiết để đảm bảo an toàn kỹ thuật, tránh rủi ro cho ngư dân và phương tiện khi vươn khơi.

Duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, đăng kiểm cho tàu cá là rất cấn thiết để khai thác hải sản an toàn. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, đăng kiểm cho tàu cá là rất cấn thiết để khai thác hải sản an toàn. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Sôi động “làm nước”

Các triền đà ở địa phương ven biển như Duy Xuyên, Núi Thành, Hội An nhộn nhịp các công đoạn gia cố cho tàu cá. Các lao động của cơ sở sửa chữa tàu cá Nguyễn Thanh Tùng (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) nhanh tay đưa tàu cá QNa-92048 của ngư dân Nguyễn Phước An (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) vào đường ray rồi kéo lên triền đà. Ông An nói, con tàu bám biển quanh năm nên vỏ tàu xuống cấp, cần sửa chữa cho vững chắc. Phần ca bin và mũi tàu cũng được ông An bảo dưỡng lại và phủ sơn mới.

“Duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa tàu cá rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho các ngư dân và phương tiện khi vươn khơi. Mùa mưa bão chúng tôi cũng ra khơi nên tranh thủ nâng cấp tàu cá để đủ sức đương đầu với sóng gió thất thường khi biển động” - ông An nói.

Vướng mắc về đăng kiểm tàu cá ở Quảng Nam là dù được Bộ NN&PTNT cấp phép thực hiện đăng kiểm tàu cá loại II (nhóm tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m) nhưng do thiếu đăng kiểm viên tàu cá chuyên ngành kỹ sư điện nên Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá Quảng Nam phải dừng thực hiện đăng kiểm tàu cá loại II, chỉ thực hiện đăng kiểm tàu cá loại III (nhóm tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m).

Ở cơ sở sửa chữa tàu cá của ông Trần Quốc Thảnh (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến), nhiều tàu cá đang trong quá trình hoàn tất các công đoạn sửa chữa. Ngư dân Trần Quốc Hòa (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) nói, năm nay tàu cá nâng cấp rất nhiều, cả vỏ tàu và máy thủy, tốn gần 100 triệu đồng.

Còn anh Hoài - thợ sửa chữa tàu cá ở cơ sở của ông Thảnh cho biết, việc duy tu, nâng cấp tàu cá sẽ thực hiện các công đoạn sửa máy thủy, sơn lại vỏ tàu, gia cố ca bin… tùy theo nhu cầu của chủ tàu. “Nghề này vất vả vì lao động cả ngày nắng, ngày mưa. Chúng tôi rất quyết tâm làm việc để giúp tàu cá đảm bảo an toàn và tăng độ bền hoạt động trên biển” - anh Hoài nói.

Ông Hồ Nguyễn Tùng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Tiến cho biết, những ngày này không khí duy tu tàu cá ở 3 cơ sở sửa chữa tàu cá trên địa bàn rất khẩn trương. Không như mọi năm đến mùa bão nổi, tàu cá không ra khơi nên đi “làm nước” để vươn khơi vào mùa biển mới năm sau. Năm nay ngư dân tranh thủ có thời gian rỗi là nâng cấp tàu cá để có thể vươn khơi khi thích hợp.

Đảm bảo an toàn kỹ thuật

Tai nạn của tàu cá của ngư dân trên địa bàn thời gian qua qua chủ yếu do hỏng hóc kỹ thuật. Đáng nói, hầu hết tàu cá của ngư dân Quảng Nam đều sử dụng máy thủy cũ, công nghệ lạc hậu nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố trên biển.

Nhiều tàu không trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc tầm xa nên gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và phát đi thông tin khi không may gặp thiên tai, sự cố. Bởi vậy, quan trọng là ngư dân cần kiểm tra kỹ tình trạng kỹ thuật của vỏ tàu, máy, lái, máy Icom, liên lạc tầm xã, tầm ngắn, tầm trung và thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết trước khi đi biển. Ngành chức năng cần hỗ trợ ngư dân thực hiện đăng kiểm theo đúng các quy định để đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá.

Đăng kiểm tàu cá là hoạt động quản lý về kỹ thuật, thực hiện kiểm tra từ khi thiết kế, đóng lắp và quá trình sử dụng nhằm đảm bảo tàu cá hoạt động an toàn. Kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá áp dụng cho thân tàu, máy, các trang thiết bị hàng hải, khai thác hải sản và các trang thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn. Việc đăng kiểm lần đầu áp dụng cho tàu đóng mới hoặc cải hoán, sau một năm hoạt động thì các chủ tàu bắt buộc phải đưa phương tiện đi “tái khám”.

Ông Ngô Văn Định - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá Quảng Nam cho rằng, đặc thù của nghề khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh là bám biển quanh năm nên nhiều khi chủ tàu cá cập rập không kịp thực hiện đăng kiểm.

Do đó, để tạo điều kiện, trung tâm cử cán bộ đi đăng kiểm tận nơi neo tàu, nếu chủ tàu cá có nhu cầu. Đăng kiểm xong, cấp thời hạn đăng kiểm để ngư dân trình giấy tờ cho lực lượng biên phòng khi rời cảng đi biển.

Có thực tế ở nghề cá Quảng Nam là không thể kiểm soát hoạt động khai thác hải sản đối với các ngư dân vùng bãi ngang vì khi đi biển họ không đến trạm kiểm soát biên phòng để thực hiện thủ tục xuất cảng hay cập cảng.

Vì thế nhiều tàu cá của ngư dân khu vực này bỏ qua chuyện đăng kiểm, tàu cá của họ không đảm bảo an toàn kỹ thuật cũng đi khai thác hải sản dài ngày. Trong khi đó, ngành thủy sản thiếu biên chế, thiếu tàu kiểm ngư nên khó tuần tra, kiểm soát các hoạt động đánh bắt hải sản trái phép.

Về điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các lực lượng biên phòng, thủy sản phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nghề cá để tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tàu cá hết hạn đăng kiểm để đưa nghề cá vào nền nếp và đảm bảo an toàn vì mục tiêu phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo dưỡng tàu cá trước mùa biển động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO