Bao giờ Bùi Giáng... có nhà?

TRUNG VIỆT 21/08/2016 11:10

Có thông tin, là  thập niên 90 của thế kỷ trước, Bùi Giáng có về quê Duy Xuyên một lần.

Tôi không tin. Anh Bùi Minh Diệu, tộc trưởng tộc Bùi ở Vĩnh Trinh cũng lắc đầu nói không, bởi theo anh, nếu ông về thì đã ghé nhà thờ tộc Bùi để thắp nhang, mà nhà thờ đó nằm trên đất nhà mẹ anh  đang ở.  Không tin, bởi ông từng tuyên bố: “Đi là đi biệt từ khi chưa về”,  “Hỏi tên, rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa”, rồi ông từng  viết: “Điện Bàn Đại Lộc Duy Xuyên/ Xiết bao tình nghĩa thần tiên mộng đầu/ Vĩnh Trinh Lệ Trạch Thanh Châu/ Thi Lai Hà Mật nhìn đâu dáng người/ Người đầu tiên đã mỉm cười/ Nhìn tôi tưởng thấy niềm vui vô cùng… (Ký ức).

vườn nhà ông Cửu Tý, nơi tộc Bùi dự định xây nhà lưu niệm cho thi sĩ Bùi Giáng.ảnh: T.Việt
vườn nhà ông Cửu Tý, nơi tộc Bùi dự định xây nhà lưu niệm cho thi sĩ Bùi Giáng.ảnh: T.Việt

Ông không về là chuyện của ông, mà chuyện  của ông, về ông thì như  rừng rậm, như sa mù, như sương bình nguyên, trăng tỳ hải, loạn lên ở người nghe người đọc người thấy, tam sao thất bổn không biết đường nào mà lần. Nhưng, mong muốn có nhà lưu niệm của ông, cho ông, là đau đáu của hậu thế, của con cháu tộc Bùi, văn nghệ sĩ, những ai yêu quý ông và chính quyền huyện Duy Xuyên.

Theo anh Diệu, từ năm 2015, tộc Bùi đã họp và lập một nhóm vận động xây nhà lưu niệm Bùi Giáng. Nhà đó, sẽ được xây tại đất vườn nhà ông Cửu Tý (cha của ông) ở Thanh Châu - Duy Châu, với diện tích 1.000m2; việc thiết kế được giao cho kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc. Nhóm vận động xây dựng được con cháu tộc Bùi ở địa phương, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh tiến hành. Xây dựng nhà này, kinh phí khá lớn, bởi đất tại đó phải được bồi trúc; nhà làm lối ba gian hai chái, có khu để xe, sinh hoạt, nhất là phải làm sao nhìn qua, là thấy cho được đúng là… nhà Bùi Giáng, như ánh xạ con người và thi ca điên đảo trời đất của ông.  Tóm lại là tiền, nhưng biết tìm đâu ra để đủ làm. Mong muốn của nhiều người, là tỉnh cũng nên góp tay vào để hỗ trợ làm nhà lưu niệm cho ông. Một lãnh đạo huyện nói: Không dám nói rình rang, bởi sợ tạo ra tiền lệ, nhưng nghĩ người như ông Bùi Giáng, xứng đáng làm nhà lưu niệm!

Giờ thử đưa ra thăm dò, xứng đáng làm nhà cho ông hay không?

Tầm vóc thi ca tư tưởng và hành trạng đời sống, quan niệm, lối chơi, lối sống của ông, từ vỉa hè đến giảng đường đại học, từ trí thức bệ vệ đến người bán bánh mì, xe ôm ở Sài Gòn, đều nói, nói từ trước 1975, đến tận bây giờ và sẽ nói mãi, bởi tìm đâu ra người thứ hai như thế. Một người bạn kể: “Trước đây nhà mình ở đường Trương Minh Giảng, mỗi lần ông Giáng vừa đi vừa múa ngang qua, là mẹ mình kêu vô cho ăn sữa chua”.  Mà cũng đừng rụt rè… chính danh nữa, khi đã có một hội thảo khoa học tầm quốc gia ở Đại học KHXHNV TP.Hồ Chí Minh  về ông. Ai nói cũng được, cũng khen, cũng lè lưỡi, ngưỡng mộ, nhưng làm nhà lưu niệm cho ông, sao không thấy một cơ quan, tổ chức văn hóa, văn nghệ nào ở Quảng Nam lên tiếng?

Lâu nay, làm nhà lưu niệm, đều tập trung cho các vị công thần với đất nước, có chức to, có công cách mạng, vậy là đúng rồi, nhưng chỗ đứng cho văn hóa ở đâu? Các nhà thơ nhà văn lớn được đưa vào sách giáo khoa đánh giá cao, lập nhà lưu niệm đã đành, còn Bùi Giáng thì sao? Đánh giá tài năng của ông, không được phổ cập (tất nhiên hiểu ông không phải dễ, nhưng thơ ông không phải bài nào cũng khó hiểu), không phổ biến đầy đủ mang tính pháp quy, bởi lấn cấn nhiều thứ, trong đó  quan niệm về ông, về thơ ông, như một vật cản, khiến người soạn sách e dè và không được… bật đèn xanh. Thôi thì đó là chuyện vĩ mô, khi cái nhìn về văn học miền Nam bao nhiêu năm vẫn… ất ơ chính thống, trong khi đó là một mảng to lớn với bao bậc tài năng. Thế còn ở Quảng Nam, thì sao? Một người có trách nhiệm ở Duy Xuyên buồn bã: Vô Sài Gòn ai cũng biết Bùi Giáng, còn ở mình thì ít! Bụt nhà không thiêng.

Lại nhớ, một lần vô Quy Nhơn tìm đường… Yến Lan. Không có. Mò về An Nhơn, tìm mãi cũng ra, một con đường nhỏ, đìu hiu, bảng chỉ tên đường bị che kín bởi lùm tre. Cô con gái ông đón tôi, giọng thiếu điều buồn tan ra trong chiều đang nhòa đi  bởi tiếng xe ngựa lốc cốc gợi nỗi u hoài cháy đỏ trong rượu Bàu Đá. Hỏi đồng nghiệp: tại sao một văn sĩ nổi tiếng trong “Bàn Thành Tứ Hữu” như Yến Lan, mà không có tên  đường? Câu trả lời, là có đưa ra bàn, nhưng có ý kiến là khi ông Phan Khôi chết, đi sau xe ngựa đưa tang ông, ngoài gia đình thì chỉ có thêm Yến Lan đi tiễn ông về với đất, mà Phan Khôi dính Nhân văn Giai phẩm, nên Yến Lan phải xem lại. Đặt tên đường văn nhân ở nước mình, khổ thiệt, bởi cái chi cũng rà kỹ về tư tưởng, rồi xem có công cách mạng không. Một bậc danh giá như học giả Nguyễn Văn Xuân quê Thanh Chiêm - Điện Phương, giờ ở Quảng Nam cũng chưa có tên đường. Cho nên, không lạ người ta e dè… Bùi Giáng bởi nhận diện ông nào dễ thuyết phục những vị có trách nhiệm và quyền năng bỏ phiếu tên đường hay nhà lưu niệm, bởi nào có dễ, ví dụ  khi nói về nỗi cô đơn đến nghẹt thở của mình, ông đã cười cợt bằng chữ nghĩa, biến hóa trong thi ca và triết học: “Cái kẻ dịu dàng như hươu non đành chịu bóp chết lòng mình để rống to như thú dữ. Nhưng lập tức lời nguyền rủa bốn phía vang lên. Và Nietzsche đã điên. Trước Nietzsche mấy chục năm, Hoelderlin cũng đã điên. Cùng với bao kẻ khác đã điên. Để ngày nay... Để ngày nay chúng ta tụ hội về đây xôn xao nêu câu hỏi: Cớ sao mà điên? Nêu một cách rất ngây thơ tròn trĩnh (Martin Heidegger và Tư tưởng hiện đại - Lời tựa).

Nhưng, không lẽ gãi đầu rồi im, hỡi các vị có trách nhiệm về văn hóa, văn nghệ ở tỉnh, bởi cái tình quê của ông đây, nào có ma mị chi mô: “Viết thơ lạc dấu sai dòng/ Viết trong tức tưởi sợ đồng lúa mong/ Nước xanh lên đọt đòng đòng/ Ngày mai sẽ mất hạt lòng thơ ngây” (Ca dao), rồi “Một tiếng nói một nụ cười chợt tắt/ Hết mấy phen buồn trở lại bên đời/ Đồng ruộng cũ màu trôi trong cỏ nhặt/ Dưới bình minh rạ xám gốc trơ phơi” (Người đi đâu).

TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bao giờ Bùi Giáng... có nhà?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO